Nhà tù Rhinocolura: Truyền thuyết kinh dị và sự thật bất ngờ

GD&TĐ - Khoảng 3.000 năm về trước, các nhà cai trị Ai Cập thực hiện một “giải pháp nhân đạo” trừng phạt tội phạm đáng sợ.

Toàn bộ cư dân của Rhinocolura là tội phạm bị cắt cụt mất mũi.
Toàn bộ cư dân của Rhinocolura là tội phạm bị cắt cụt mất mũi.

Đó là cắt cụt mũi tội nhân rồi đưa tới nhốt vào nhà tù Rhinocolura trên sa mạc tiếp giáp với Israel.

Ngục tù khổng lồ

Rhinocolura là tên tiếng Hy Lạp của một thị trấn cổ nửa thực nửa huyền thoại nằm giữa Ai Cập và Israel. Nó có nghĩa “những chiếc mũi bị cắt”. Theo các khám phá từ Ai Cập, Rhinocolura có thể được xây dựng từ năm 1300 trước Công nguyên. Các Pharaoh ở đây sử dụng nó như nhà giam khổng lồ, nhốt những kẻ phạm tội sau khi bị kết án.

Rhinocolura được bao bọc bởi bức tường dài 500m, dày 1m và cao 15m. Người Ai Cập gọi nó là Thành Tharu. Tương truyền Horemheb (1319 – 1292) có khả năng là Pharaoh khởi xướng xây dựng Rhinocolura. Ông đưa những kẻ bị kết án tới đây, ép xây tường thành giam giữ chúng vĩnh viễn.

Trước khi bị đưa tới Rhinocolura, toàn bộ tù nhân đã bị cắt mất mũi. Đây là cách trừng phạt và nhận diện tàn ác, được thực hiện từ thời cổ xưa trên khắp thế giới. Ghi chép sớm nhất về cắt mũi có lẽ nằm trong Bộ luật Hammurabi (1755 – 1750 TCN). Ban đầu, nó được dùng như hình thức trừng phạt phụ nữ phạm tội ngoại tình.

Ai Cập cổ đại thường áp dụng cắt mũi với tội phạm trộm cắp. Họ ghi chép nó trong phiến đất sét lưu tư liệu về luật lệ thời Horemheb. Nội dung là “Pharaoh có một phương pháp trấn áp tội phạm tuyệt vời. Đấy là cắt phăng cái mũi của chúng rồi tống hết vào Tharu”.

Hình phạt kinh hoàng

Horemheb (1319 – 1292), Pharaoh khởi xướng xây dựng Rhinocolura.

Horemheb (1319 – 1292), Pharaoh khởi xướng xây dựng Rhinocolura.

Cắt mũi là hình thức xử phạt nặng nề. Với khuôn mặt không mũi, tội nhân Ai Cập không còn bất cứ cơ hội nào tái nhập xã hội. Dù có thành công trốn ra khỏi bức tường Rhinocolura, họ cũng không có chốn nương thân. Chỉ cần phát hiện người không mũi, người dân Ai Cập cổ đại lập tức báo quan. Chẳng mấy chốc, quân lính Ai Cập đã ập đến, bắt kẻ đào tẩu ném lại vào Thành Tharu.

Bên trong Rhinocolura rất nghèo nàn nguồn sống. Nó chỉ có một vài giếng nước bẩn và bờ biển ngắn. Những tù nhân không mũi trong thành phải sống sót bằng cách bẻ sậy đan lưới, đánh bắt cá dưới biển và săn ném chim đang bay trên trời. Với họ, đói khát là chuyện hàng ngày. Nhiều kẻ “ngựa quen đường cũ”, lại ra tay cướp bóc nhưng cũng chẳng có gì để mà cướp.

Người Ai Cập cực kỳ sợ hãi bị cắt mũi, ném vào Thành Tharu. Vào năm 1155 TCN, Vương phi Tiye, Hoàng hậu của Ramesses III (1186 - 1155 TCN) đã cùng hoàng nhi là Pentawer (1173 – 1155 TCN) ám sát Pharaoh này. Họ cắt cổ Ramesses III lúc ông đang ngủ, khiến ông mất mạng ngay lập tức.

Sự việc bại lộ, Pentawer bị kết án tử hình còn Tiye thì cắt mũi, lưu đày vào Rhinocolura. Trước khi bị đưa đến đây, bà đã tự sát. Phế hậu này thà chết còn hơn phải sống với thân phận kẻ phạm tội và khuôn mặt không còn mũi.

Pháo đài bất khả chiến bại

Tường thành Rhinocolura từng cao 15m, rộng 1m và dài 500m.

Tường thành Rhinocolura từng cao 15m, rộng 1m và dài 500m.

Với hầu hết các nền văn hóa xung quanh Ai Cập, Rhinocolura là cái tên quen thuộc. Từ các học giả Hy Lạp, La Mã đến Do Thái cổ đại đều ít nhiều nhắc đến “thành cụt mũi” này. Những ghi chép, đồn đãi cứ ngày một thổi phồng hơn, biến Rhinocolura thành “địa ngục chốn trần ai” kinh khủng nhất.

Đầu thập niên 2010, các nhà khảo cổ phát hiện tàn tích Rhinocolura. Nó nằm ngay trong sa mạc Tjaru, nhưng không phải “địa ngục trần gian” mà là “pháo đài bất khả chiến bại” của thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập (1580 - 1080 TCN).

Mặc dù, Rhinocolura từng được gọi là “thành cụt mũi” với dân cư chỉ toàn tội phạm, những người bị trừng phạt này đã không buông bỏ cuộc sống. Họ dùng cơ hội thoát án tử hình vào việc xây đắp tường thành, biến Rhinocolura thành pháo đài đồ sộ, án ngữ phía Đông Ai Cập, ngăn chặn quân Ba Tư tấn công.

Đương thời, Rhinocolura khét tiếng là “bức tường cao nhất Ai Cập”. Ngoài độ cao và dày ấn tượng, nó còn có hệ thống tháp canh cao 20m, thuận lợi quan sát tứ phía. Chưa hết, nó còn một loạt hồ chứa nước, bảo đảm cung cấp đủ nước ngọt cho quân lính sử dụng quanh năm.

Suốt cả nghìn năm, Rhinocolura đóng vai trò thành lũy bảo vệ biên giới phía Đông Ai Cập. Nó là một trong các tiền tuyến quan trọng nhất, được các đời Pharaoh thường xuyên ghé thăm và chưa từng một lần thất thủ.

Dù vậy, hiện thực trong Rhinocolura vẫn vô cùng khắc nghiệt, tàn bạo. Có điều, các tù nhân mất mũi ở đây đã không sống cuộc đời vô nghĩa. Họ để lại cho hậu thế nhiều tri thức tuyệt vời, ví dụ các cuốn sách viết về kiến trúc quân sự Ai Cập cổ đại, chiến lược công – thủ, bài học vệ quốc…

Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ