Nhưng vùng ngoại ô, nông thôn của nước này là một phong cảnh ngược lại. Đó là những ngôi nhà thấp, thường chỉ có vài tầng, song bề thế, to lớn với tường gỗ và mái ngói.
Có nhiều kiểu nhà khung gỗ giản dị nhưng ấn tượng nhất vẫn là kiểu nhà Tudor, lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc lều gỗ đắp vữa, mái dốc của Anh cách đây 500 năm. Có cả vạn ngôi nhà Tudor, rải khắp nơi ở Mỹ và được xây từ năm 1900 - 1940, tạo nên một phong trào nhà cửa hoài cổ mà sang trọng.
Do đất đai rộng rãi, người ta thường làm nhà Tudor rất to, có nhiều phòng, sân trước, vườn sau như một biệt thự. Điểm nổi bật của chúng là cái khung bán gỗ, tức không phải hoàn toàn từ gỗ với những ván gỗ to bản, mà ở giữa những ô trống của khung sườn ấy phủ đắp khá nhiều chất liệu như vữa, gạch, đất.
Tường nhà thường được sơn trắng, trong khi nẹp gỗ thì sơn nâu hoặc đen. Trên mái nhà thường dốc với các ô cửa sổ phụ lô xô. Dù to lớn thế nào, mỗi ngôi nhà Tudor đều rất nhẹ nhàng, thoáng đãng, hòa vào cây cỏ xanh tươi.
Phong thái nhà Tudor đã xuất hiện tại Anh vào cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 và để làm nhà ở cho các quân vương, có nguồn gốc từ xứ Wales. Thay vì xây chủ yếu bằng gạch, đá nặng trịch với hàng trăm ô cửa và hàng chục cái ống khói trên một tòa lâu đài, dân gian đã học tập nhưng chỉ xây nhà đơn giản bằng khung gỗ, rồi trình tường bằng daub (một hỗn hợp đất cát và phân bò trộn nước).
Khi đất nhão khô đi, nó sẽ cứng như gốm, bê tông và được quét vôi trong khi những chỗ gỗ (nẹp gỗ) lộ ra thì phết nhựa đường cho khỏi mục. Đây được gọi là kỹ thuật nhà bán gỗ, mang tới vẻ đẹp độc đáo khi mà mọi thứ không chìm hẳn mà lộ ra.
Ở những ngôi nhà bình thường, khung gỗ chỉ là những thanh thẳng, trơn mặt, đóng vuông góc, song song hay vắt chéo song ở nhà giàu, quyền thế thì trên thanh gỗ thường được trạm khắc, và tường cũng hay bằng gỗ mỏng, đục theo dạng đăng ten. Bên trong thường có nhiều phòng và với nhà lớn có thể cao 5 tầng, 10 ống khói để phục vụ từng phòng trong từng mục đích riêng.
Điều thú vị là khi ở Anh, nhà Tudor bắt đầu phai nhạt thì tại Mỹ, chúng đã trở thành mốt. Đặc biệt vào đầu thế kỷ 20, nhà Tudor đã tái xuất ở nhiều tiểu bang và có sự phối hợp của đa phong cách cổ kim hoặc phong cách Cổ thế giới (Old World style). Một đơn cử là tầng dưới thường xây tường bằng gạch đá, song tầng trên bằng khung gỗ phết vữa hay tấm giả gỗ trang trí.
Tuy nhiên, mái nhà vẫn là mái gable (dốc đứng), cửa nóc gable dốc và có các hàng trấn song bằng gang. Các thanh xà, vòm cửa, cột kèo, cầu thang gỗ trong nhà cũng giữ nguyên kiểu Tudor. Những ngôi nhà Tudor Phục Hưng tại Mỹ thường được gọi là nhà Mock Tudor hay nhà Jacobean.
Do chi phí tốn kém nên một số hộ dân giảm thiểu chi tiết, kích cỡ của ngôi nhà mà tạo nên một kiểu nhà mini, cho một gia đình nhỏ, gọi là Tudor Cottage (lều Tudor) và thường có 1,5 tầng, một ống khói…
Vì sự trang nhã, mát mẻ, thoáng đãng chúng trở thành các biệt thự cổ và nhà nghỉ mùa hè sang trọng phục vụ du khách. Có thể tìm thấy khá nhiều ngôi nhà Tudor lớn như Manor ở các vùng Đông Bắc và Trung Tây Mỹ, còn những ngôi nhà nhỏ nhắn hiện diện ở mọi nơi và thường hay lai tạo thêm nhiều yếu tố Đông Tây mới.