Những nhà giáo ưu tú miệt mài cống hiến cho vùng khó

GD&TĐ - Những năm qua, ngành GD-ĐT Quảng Trị không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Với sự quan tâm, chăm sóc ân cần, cô Trần Thị Châu được học trò xem như người “mẹ hiền”. Ảnh: KS
Với sự quan tâm, chăm sóc ân cần, cô Trần Thị Châu được học trò xem như người “mẹ hiền”. Ảnh: KS

Đóng góp vào thành tích chung của ngành phải kể đến những tấm gương nhà giáo tâm huyết với nghề, giàu sáng tạo, cống hiến cho giáo dục vùng khó khăn.

Yêu trẻ như con

Trường Mầm non A Xing đóng ở xã Lìa, thuộc địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa. Ở miền biên viễn ấy, cô giáo Trần Thị Châu - Tổ phó Tổ mẫu giáo 5 - 6 tuổi, Trường Mầm non A Xing đã có 22 năm “cắm bản” với lòng nhiệt huyết và tình yêu thương con trẻ.

Cô Châu sinh ra tại TP Đông Hà (Quảng Trị). Năm 1977, cô theo gia đình lên sống tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Theo học ngành Lâm nghiệp, sau khi tốt nghiệp, cô Châu về làm việc tại Nông trường cao su Hướng Hóa. Tuy vậy, trong thâm tâm cô vẫn ấp ủ mơ ước dạy học nhưng do hoàn cảnh cô đành gác lại.

Sau khi lập gia đình, chồng là giáo viên đã tiếp thêm niềm tin, động lực để cô Châu rẽ hướng theo đuổi ước mơ ban đầu. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, cô Châu vào dạy học tại Trường Tiểu học A Xing, xã A Xing (nay là xã Lìa, huyện Hướng Hóa).

Thời điểm đó, do chưa thành lập trường nên bậc mầm non nằm trong Trường Tiểu học A Xing. Cô Châu phụ trách lớp khoảng gần 60 trẻ. Những năm sau, cô dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Tân Long (xã Tân Long) và mở lớp mầm non tại nhà. Đến năm 2007, Trường Mầm non A Xing được thành lập, cô Châu chính thức được biên chế dạy mầm non. Niềm khát khao và ước nguyện dạy học của cô bấy lâu mới thành hiện thực.

Cô Châu chia sẻ, thời gian đầu dạy học ở địa bàn miền núi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Điều kiện sống của đồng bào nơi đây thiếu thốn mọi mặt. Nhưng với ý chí quyết tâm, tình thương yêu với trẻ nên cô kiên trì bám trường, lớp. “Tôi luôn cố gắng, tự động viên mình khắc phục khó khăn, trở ngại để dạy học. Công tác ở vùng khó, lại là giáo viên mầm non, tôi xác định làm việc bằng cái tâm, dành hết tình yêu và xem trẻ như con của mình nên không quản vất vả”, cô Châu tâm sự.

Được đứng trên bục giảng đối với cô Châu là niềm tự hào. Những năm dạy học ở Trường Mầm non A Xing, cô Châu tình nguyện đến những điểm trường khó khăn nhất để chăm sóc và dạy chữ cho trẻ. Mỗi ngày đến lớp, nhìn những đôi mắt ngây thơ xen lẫn sợ sệt, chưa biết nói tiếng phổ thông của trẻ khiến cô Châu như được tiếp thêm sức mạnh gắn bó với giáo dục vùng khó.

Để chăm sóc, dạy bảo được trẻ em dân tộc, cô Châu phải dùng hai thứ tiếng. Ngoài giờ học, cô và trẻ nhặt những chiếc lá, viên sỏi để làm đồ dùng dạy học. Hôm nào trẻ không đến lớp, cô lo lắng, trăn trở. Sau buổi học, cô tìm đến tận nhà trẻ để nắm bắt tình hình vì phụ huynh không có phương tiện liên lạc.

Cô Trần Thị Châu không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, mà còn làm nhiều công việc khác để giúp đỡ trẻ và học sinh trên địa bàn. Chia sẻ về hoạt động thiện nguyện của mình, cô Châu nói việc làm này xuất phát từ tâm và tình thương yêu với trẻ. Hơn nữa, hoàn cảnh khó khăn, trải qua vất vả từ nhỏ nên cô càng thấu hiểu, đồng cảm với những thiếu thốn của trẻ Pa Kô, Vân Kiều nơi đây.

Trên hành trình ươm mầm tri thức, cô Trần Thị Châu có sự đồng hành của chồng là thầy Đỗ Xuân Thành - Trường Tiểu học và THCS A Xing. Với niềm tin, sự yêu thương và chia sẻ sẽ mang đến những điều tốt đẹp, chính vì vậy, vợ chồng cô Châu không quản ngại khó khăn để may từng chiếc áo, gom sách vở, từng phần quà rồi lặn lội đến tận nhà trao tặng, động viên các em. Đối với cô, làm được việc gì giúp cho trò, dù là nhỏ nhất cũng hạnh phúc.

Được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, cô Trần Thị Châu cho rằng: “Đây là sự ghi nhận và tôn vinh những cống hiến không ngừng của những người làm công tác giáo dục trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Đồng thời cũng là nguồn động viên, khích lệ lớn lao để các nhà giáo tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo”.

nhung-nha-giao-uu-tu-miet-mai-cong-hien-cho-vung-kho-1.jpg
Cô giáo Lê Thị Kim Phụng với 24 năm gắn bó, cống hiến cho giáo dục vùng khó. Ảnh: NVCC

Tận tâm “trồng người” nơi đại ngàn

Trải qua 24 năm công tác, với niềm say mê cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở địa bàn vùng khó, cô Lê Thị Kim Phụng - Trường Tiểu học Tân Long, huyện Hướng Hóa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Cô Phụng chia sẻ, đó là niềm vinh dự lớn lao đối với mỗi nhà giáo khi được Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục quan tâm động viên, cũng là niềm tự hào lớn đối với bản thân.

Năm 2000, cô Phụng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị rồi rời quê hương Vĩnh Linh mang theo hoài bão tuổi trẻ đến với miền núi rừng Hướng Hóa. Ngôi trường đầu tiên cô đặt chân đến là Trường Tiểu học A Xing. Bằng niềm say mê và lòng nhiệt huyết cô đã dốc lòng gieo nguồn tri thức cho học sinh nơi đây.

Nhớ lại những kỷ niệm trôi qua hơn 2 thập kỷ, cô Phụng nói rằng, dù sinh ra ở vùng đồng bằng nhưng có tình yêu và cơ duyên lại gắn bó với giáo dục vùng cao. Lần đầu đặt chân đến với mảnh đất A Xing dạy học, cô được chứng kiến điều kiện đi lại, đường giao thông vô cùng khó khăn, lầy lội.

Điểm trường dạy học khá đơn sơ, chỉ vài phòng học. Giáo viên phải ở tập thể để tiện cho việc sinh hoạt và giảng dạy. Sau mỗi buổi dạy học, giáo viên vượt qua nhiều quãng đường gập ghềnh, trèo đèo lội suối vào bản vận động học sinh đến lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần. Trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, các thầy cô cùng động viên nhau cố gắng dạy học thật tốt để những học trò vùng khó khỏi thiệt thòi.

Cô Phụng tâm sự: “Những khó khăn trong đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số và sự ngây thơ hồn nhiên của học sinh khiến tôi trăn trở và tự nhủ phải nỗ lực, cống hiến hết mình trong công việc, cuộc sống. Tôi và đồng nghiệp chỉ mong ước học sinh trở thành những công dân có ích, dần nâng cao dân trí, thay đổi đời sống cho người dân nơi đây”.

Mỗi ngày lên lớp, cô Phụng không chỉ truyền tải kiến thức, mà còn gần gũi quan tâm, sẵn sàng sẻ chia những khó khăn nhằm tạo nguồn động lực để học sinh vươn lên trong học tập. Cô được đồng bào dân tộc quý mến, học sinh yêu thương.

Năm 2004, cô Phụng chuyển công tác tại Trường Tiểu học Tân Long. Đối với cô, 4 năm công tác ở A Xing là quãng thời gian chưa dài nhưng mang nhiều kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp “trồng người”. Dạy học tại Trường Tiểu học Tân Long, cô Phụng được phân công chủ nhiệm lớp 1 - Tổ trưởng tổ chuyên môn.

24 năm công tác trong ngành Giáo dục, cô Phụng luôn cố gắng trau dồi mọi mặt, chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, được bạn bè đồng nghiệp tín nhiệm cao. Không chỉ yêu nghề, mẫu mực trong văn hóa ứng xử, cô còn là giáo viên năng động trên mọi lĩnh vực, công việc được nhà trường giao cô luôn hoàn thành xuất sắc.

Tấm gương sáng

Cô giáo Hàng Thị Kim Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long cho biết, đội ngũ giáo viên nhà trường hầu hết là giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm và có năng lực chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề. Trong đó, cô giáo Lê Thị Kim Phụng có nhiều năm gắn bó với nghề, được công nhận là Nhà giáo Ưu tú.

“Cô Phụng luôn tích cực trong công tác, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Là giáo viên dạy lớp 1, cô Phụng năng nổ, nhiệt tình, quan tâm, yêu thương học sinh. Cô không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin để đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy và động viên khích lệ học sinh kịp thời. Nhờ đó, phụ huynh và học sinh ủng hộ, yên tâm khi được cô giảng dạy”, cô Kim Oanh đánh giá.

Năm 2024, Quảng Trị có 13 cán bộ, giáo viên vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú vì đã có đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT của địa phương. Trong đó, có 2 Nhà giáo Ưu tú là cô giáo Trần Thị Châu và cô giáo Lê Thị Kim Phụng đang công tác tại huyện vùng cao Hướng Hóa.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao thì vai trò của các thế hệ giáo viên vô cùng quan trọng. “Ngành Giáo dục Hướng Hóa vinh dự khi có những nhà giáo tận tụy, nỗ lực hết mình vì sự nghiệp “trồng người”. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên khích lệ đội ngũ giáo viên trên địa bàn lấy đó làm tấm gương sáng để phấn đấu, cống hiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó”, bà Nga cho hay.

“Là giáo viên nhiều năm gắn bó với địa bàn vùng khó, tôi nhận thấy học sinh dân tộc có nhiều thiệt thòi do điều kiện sống còn nhiều vất vả. Điều đó làm tôi suy nghĩ, mong muốn gắn bó, mong các em được đến trường học tập tốt nhất, theo kịp học sinh những vùng thuận lợi”, cô Phụng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ