Lặng thầm cống hiến

GD&TĐ - Bất chấp nguy hiểm, quên đi những thiệt thòi của bản thân, những giáo viên vùng cao ở Điện Biên vẫn ngày đêm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Giáo viên ở lại trường xây dựng cơ sở vật chất.
Giáo viên ở lại trường xây dựng cơ sở vật chất.

Không chỉ trên bục giảng mà trong cuộc sống đời thường họ vẫn vẹn nguyên tinh thần cống hiến…

Vào khu cách ly vì học trò

Hôm qua, em Nguyễn ngã rồi lại lăn vào gầm giường, thiếp đi vì mệt và buồn ngủ. Hôm nay, Pà lại ngã từ tầng 2 của giường xuống đất, phải khâu 3 mũi ở đầu… Rồi lại nghe tin đám trẻ ở khu cách ly tại xã Chà Nưa khóc nhiều, cô Lò Thị Mến (giáo viên Trường Mầm non Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ) cảm thấy xót xa.

Mỗi ngày đi qua, cô lại thêm lo lắng. Nghĩ về đám trẻ, cô lại nhớ đứa con thơ mới tròn 3 tuổi tên Lò Điêu Chính Vĩnh Thiên. Chồng cô và Vĩnh Thiên cũng thực hiện cách ly tại Trường THCS Phìn Hồ, giáp ranh với xã Si Pa Phìn.

“Cả nhà đều thuộc diện cách ly, mỗi người một nơi. Nghe tin các con ở khu cách ly Trường Tiểu học Chà Nưa (xã Chà Nưa) lần đầu xa nhà nên khóc và chẳng chịu ăn, tôi tình nguyện xin vào đó để hỗ trợ, chăm sóc”, cô Mến kể.

Cô Mến thuộc diện F1, vào khu cách ly tập trung ở Trường PTDTBT Tiểu học Tân Phong (xã Si Pa Phìn) hôm 15/5. Ba ngày sau, cô xin chuyển sang khu cách ly Chà Nưa, quản lý 24 học sinh tiểu học diện F1. Vẫn biết nguy cơ lây chéo cao, nguy hiểm song cô Mến chỉ nghĩ đơn giản mình chăm các con ở đây thì ở nơi khác, sẽ có người giúp đỡ con mình như vậy.

Sau thời gian ngắn theo dõi, giám sát và hướng dẫn các em nhỏ trong khu cách ly, cô Mến đã rèn được thói quen ngăn nắp, gọn gàng và không còn lo sợ nữa.

“Nhiều kỷ niệm lắm. Nghĩ lại thấy vừa buồn cười, vừa thương các con. Có đêm nằm ngủ, em Mai Lan vùng dậy khóc to bởi nhớ nhà. Em bấm máy, gọi video về cho gia đình. Bố con nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ. Sau khi bố, mẹ và cô khuyên, Lan yên tâm ở lại”, cô Mến vui vẻ nói.

Giáo viên hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh tại Trường Mầm non Sa Dung.
Giáo viên hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh tại Trường Mầm non Sa Dung. 

Người góp của, thầy cô góp công

Tháng 4, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn lên xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông khảo sát nhu cầu đầu tư xây dựng trường học. Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng đoàn công tác hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng công trình nhà vệ sinh cho các điểm trường mầm non vùng khó.

Chẳng phải việc của mình, song hiệu trưởng các trường trên địa bàn cũng chụm đầu cùng cô giáo trường mầm non để bàn cách triển khai. Họ tính toán giá cả rồi quyết định dồn tiền mua vật liệu và thiết bị. Công lao động sẽ do cán bộ, giáo viên và vận động phụ huynh các trường đóng góp, hỗ trợ.

“Tất cả trường trên địa bàn đều làm vậy. Mọi người vui vẻ thực hiện, chẳng nề hà gì bởi mình vất vả một chút song lại tiết kiệm được tiền công. Khoản đó dành mua thêm vài viên gạch, mấy bao xi măng… giúp công trình dành cho các con rộng thêm vài mét”, ông Nguyễn Tiến Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông nói.

Hè này, thầy Trần Văn Chung, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Quang Trung, xã Sa Dung dự định đưa vợ con về quê ngay khi kết thúc năm học để thăm thân và đi khám bệnh. Thế nhưng biết trường mầm non cần người hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, chẳng cần suy nghĩ, thầy Chung ở lại. Gắn bó với giáo dục miền núi lâu nay, thầy hiểu công trình hoàn thành sớm sẽ tránh được mùa mưa lũ. Cô trò mầm non bớt khổ.

Lên bản ngày hè

Xã Huổi Lếch là địa bàn khó khăn nhất của huyện Mường Nhé. Nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc huy động trẻ ra lớp đầu năm học luôn là bài toán khó. Bởi thế, dù mới kết thúc năm học, song các trường mầm non đã “rục rịch” chuẩn bị “nhân sự” cho năm sau.

Chạng vạng tối, cô Bùi Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Huổi Lếch cùng mấy giáo viên trong trường mới lên đến bản Nậm Hính 1, 2 để tổ chức họp dân. Hai bản này cách xa trung tâm chừng 20km đường rừng. Con đường đất vốn đã khó đi, nay “nhầy nhụa” bởi cơn mưa rào đầu mùa vừa ập đến. Cả đoàn bất đắc dĩ phải tìm chỗ gửi xe máy, cố “cuốc bộ” thêm mấy cây số vào bản.

20 giờ cuộc họp mới bắt đầu với việc thông báo kết quả học tập của các con trong năm vừa qua. Tiếp theo, các cô phổ biến khung thời gian và vận động phụ huynh cho con đi học vào năm tới.

Vận động, tuyên truyền là thế song giữa tháng 8, các cô trả phép sớm để lên trường sửa sang, làm thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học. Các cô tranh thủ đi từng bản để “nhắc lại” thời gian nhập học, nắm bắt thông tin trẻ nào có nguy cơ không ra lớp để phối hợp với trưởng bản, chính quyền địa phương cùng vận động phụ huynh, làm thủ tục nhập học cho trẻ…

Năm nào cũng vậy, mùa hè của thầy cô trôi qua thật nhanh bởi những sẻ chia cùng đồng nghiệp. Học sinh miền núi luôn cần thầy cô nhắc nhở, động viên thường xuyên để không quên trường, rơi kiến thức khiến thầy cô nhiều khi mong hết hè để trở lại trường, sớm gặp học trò.

Giáo viên trường tiểu học và THCS không quản ngại thời tiết, dịch bệnh ở lại trường để hỗ trợ. Các thầy đào hố, san nền rồi xây dựng công trình ngay ngắn, sạch đẹp để hè này các con được sử dụng. - Cô Cà Thị Xuấn (Hiệu trưởng Trường Mầm non Sa Dung)
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảm giác hưng phấn là một chức năng tự nhiên của cơ thể. (Ảnh: ITN)

8 lý do khiến bạn muốn 'yêu'

GD&TĐ - Hầu hết chúng ta bắt đầu cảm thấy hưng phấn khi bước vào tuổi dậy thì và đương nhiên, việc có cảm xúc tình dục là điều hoàn toàn bình thường.