Những nhà báo cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục

GD&TĐ - Sau hàng thập kỷ cống hiến cho lĩnh vực báo chí, nhiều nhà báo có tầm ảnh hưởng trên thế giới quyết định chuyển sang làm giáo viên, giảng viên.

Nhà báo Schanberg tác nghiệp tại Campuchia.
Nhà báo Schanberg tác nghiệp tại Campuchia.

Giữa họ đều có chung một mong muốn là cống hiến tài năng, trí tuệ cho xã hội và dẫn lối các thế hệ tương lai đến bến bờ thành công.

Nhà báo rẽ lối thành nhà giáo

Là Phó Tổng biên tập tờ báo Financial Times (Thời báo tài chính) – một trong những tờ báo hàng đầu tại Anh, bà Lucy Kellaway, 62 tuổi, từng khiến làng báo chí nước này chấn động khi quyết định từ chức và chuyển sang làm giáo viên phổ thông. Sau 31 năm công tác, mùa hè năm 2017, bà Lucy bắt đầu sự nghiệp mới là giáo viên dạy Toán tại một trường phổ thông nhiều cấp học tại thủ đô London, Anh.

Chia sẻ về quyết định “táo bạo” của mình, bà Lucy tâm sự: Tôi đã đảm nhiệm một trong những công việc tuyệt vời nhất trong ngành báo chí. Tôi yêu công việc của mình nhưng không muốn dành cả đời cho một nghề nghiệp. Vì vậy, tôi tìm đến giảng dạy – một công việc hết sức ý nghĩa và không kém phần quan trọng.

“Tôi cho rằng giảng dạy là kỹ năng có sẵn trong máu mình bởi lẽ mẹ tôi là giáo viên, một trong các con tôi cũng là giáo viên. Nếu trở thành giáo viên, tôi sẽ nhận được sự hỗ trợ to lớn từ gia đình”, bà Lucy nói.

Là một nhà báo yêu thích thử thách, bà Lucy quyết định dạy học tại một trường dành cho trẻ em đến từ gia đình nghèo khó hoặc là người da màu giữa lòng London. Học sinh nhà trường thường không mảy may quan tâm đến học tập vì chúng chỉ mong được đi làm sớm để hỗ trợ gia đình. Lucy là một trong số ít giáo viên da trắng, xuất thân từ tầng lớp khá giả, tại ngôi trường này.

Theo nữ nhà báo kể lại, những ngày đầu tiên, trái ngược với sự phấn khích của Lucy, cả lớp học không hề bận tâm đến giáo viên mới. Thậm chí, các em còn nói thẳng là “ghét Lucy” và đề nghị giáo viên dạy Toán cũ quay lại làm việc. Chưa hết, Lucy còn phải làm quen với các ứng dụng công nghệ học tập, các nhiệm vụ hành chính ngoài giờ lên lớp.

Nhà giáo Lucy Kellaway từng là Phó Tổng biên tập tờ báo Financial Times, Anh.
Nhà giáo Lucy Kellaway từng là Phó Tổng biên tập tờ báo Financial Times, Anh.

Áp lực từ đồng nghiệp và học sinh khiến bà buộc phải chuyển sang dạy ở ngôi trường mới. Tại đây, Lucy đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô giáo, lắng nghe chia sẻ với tâm tư của học sinh để tìm ra tiếng nói chung giữa thầy và trò.

“Việc giảng dạy thật khó khăn nhưng tôi vẫn tự nhủ phải tiếp tục cố gắng. Trong những ngày đầu tiên, tôi không thể kiểm soát lớp học và hoàn toàn không hiểu phải làm gì. Nhưng tôi vẫn đạt được một số thành tích. Tôi học được nhiều điều mới mẻ và ngay cả trong những ngày khó khăn nhất, tôi vẫn tin tưởng rằng mình đang làm việc có ích cho xã hội”, bà Lucy chia sẻ.

Sau 4 năm, Lucy hiện giảng dạy tại một trường trong hệ thống học viện Hackney, phía Đông London. Sau một thời gian dạy Toán, bà chuyển sang dạy Kinh tế - lĩnh vực Lucy vô cùng am hiểu từ những ngày còn làm việc cho Financial Times. Cô giáo hướng dẫn học sinh tìm hiểu về những khái niệm tài chính, kinh tế theo hướng đơn giản, dễ hiểu nhất. Đồng thời, Lucy thường tổ chức các buổi thảo luận, tranh biện giữa học sinh về các vấn đề tài chính nổi bật trên thị trường.

Bên cạnh đó, Lucy còn đồng sáng lập tổ chức giáo dục từ thiện Now Teach. Dự án khuyến khích chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh tham gia hỗ trợ chương trình đào tạo lại giáo viên, giúp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên Toán và Khoa học. Ngoài ra, bà tiếp tục cộng tác với tờ báo Financial Times.

“Ở tuổi ngoài 60 nhưng tôi vẫn liên tục phấn đấu để trở thành người giáo viên giỏi như tôi mong muốn. Bây giờ, nếu bất kỳ ai hỏi tôi rằng bạn có thích dạy học không, tôi sẽ không chần chừ mà khẳng định: ‘Tôi yêu nghề giáo”, cựu Phó Tổng biên tập báo Financial Times cho biết.

Một tiết học Kinh tế của nhà giáo Lucy Kellaway.
Một tiết học Kinh tế của nhà giáo Lucy Kellaway.

Truyền “lửa” nghề cho thế hệ tương lai

Là nhà báo người Mỹ, ông Sydney Schanberg Hillel (1934 - 2016) rất nổi tiếng với các bài phóng sự về cuộc chiến chống Khmer Đỏ tại Campuchia. Khi chiến tranh nổ ra, dưới vai trò phóng viên thường trú, ông Schanberg đã quyết tâm ở lại chấp nhận rủi ro tính mạng để tận mắt chứng kiến cuộc chiến khốc liệt. Xung quanh ông, hầu hết phóng viên từ báo địa phương đến nước ngoài đều đã rời đi để bảo toàn tính mạng.

Các bài phóng sự của Schanberg đã vạch trần tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot; đồng thời, chia sẻ nỗi đau với hàng triệu người Campuchia mất đi người thân trong chiến tranh. Năm 1976, Sydney Schanberg giành được Giải thưởng Pulitzer dành cho báo chí – giải thưởng được ví như Oscar của lĩnh vực báo chí Mỹ - cho các bài viết về chiến tranh Campuchia trên tờ báo New York Times.

Sau này, khi trở về Mỹ, ông xuất bản cuốn sách “The Death and Life of Dith Pran” viết về cuộc đấu tranh sinh tồn của đồng nghiệp người Campuchia, Dith Pran, dưới chế độ Khmer Đỏ. Cuốn sách đã truyền cảm hứng cho bộ phim The Killing Fields (Cánh đồng chết) ra đời năm 1984. Cùng năm, bộ phim đã giành 3 giải thưởng Oscar và đưa tên tuổi của Schanberg nổi tiếng khắp thế giới.

Trở về từ chiến tranh, Schanberg phụ trách chuyên mục Đô thị trên tờ Times. Các bài báo của ông đề cập đến những góc khuất trong đời sống xã hội như cuộc bãi công của người lao động, khó khăn “không biết kêu ai” của dân nghèo New York... Bằng ngòi bút sắc xảo, tinh tế, ông đã giành được tình yêu và sự tôn trọng từ tầng lớp lao động nghèo của thành phố.

Sau hơn ba thập kỷ cống hiến cho ngành báo chí Mỹ, ông Schanberg quyết định trở về làm giảng viên Trường Đại học New York tại New Paltz (gọi tắt là SUNY New Paltz). Trên cương vị mới, ông giảng dạy môn Báo chí với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm cầm bút cho các thế hệ đồng nghiệp tương lai.

Dù đã lớn tuổi, Schanberg không ngừng cập nhật, học hỏi các phần mềm, công nghệ mới hỗ trợ việc làm báo hiện đại và đưa vào giảng dạy. Ông khơi gợi nhiều vấn đề xã hội vào thảo luận trong chương trình học giúp sinh viên nâng cao khả năng phản biện và độ “nhạy” với các đề tài xã hội.

Giáo sư Robert Miraldi, giảng viên khoa Báo chí tại SUNY New Paltz, nhận xét: Các lớp học của Giáo sư Schanberg rất gần gũi và phản ánh được nhiều vấn đề giữa báo chí và xã hội. Ông ấy là người đam mê và tin tưởng không mệt mỏi vào vai trò của báo chí trong sự phát triển của nền dân chủ Mỹ.

Ngoài giảng dạy, Schanberg vẫn cộng tác với nhiều tờ báo lớn tại Mỹ. Ông giành hai giải thưởng báo chí George Polk, hai giải thưởng Câu lạc bộ báo chí quốc tế và giải Sigma Delta Chi cho bài báo xuất sắc vì sự nghiệp báo chí.

Nhà báo, nhà giáo Schanberg qua đời vào ngày 9/7/2016 bởi một cơn đau tim.

Bà Hu Shuli (phải) được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Báo chí tại Trường Truyền thông và Thiết kế thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc.
Bà Hu Shuli (phải) được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Báo chí tại Trường Truyền thông và Thiết kế thuộc Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc.

Nhà báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới

Nữ nhà báo người Trung Quốc, Hu Shuli, 69 tuổi, từng được xếp hạng trong danh sách 10 nhà báo nổi tiếng nhất thế giới bên cạnh nhiều huyền thoại của làng báo chí Mỹ như Joseph Pulitzer, Dorothy Thompson, Wolf Blitzer...

Bà Hu Shuli sinh ra ở Bắc Kinh trong gia đình có truyền thống làm báo. Ông nội của bà, Hu Zhongchi, là dịch giả và biên tập viên nổi tiếng của tờ Shen Bao. Mẹ của bà, Hu Lingsheng, là biên tập viên cao cấp của tờ Nhật báo Người lao động trong khi cha bà, ông Cao Qifeng, là cây bút chủ lực trong một công đoàn.

Sau khi tốt nghiệp ngành báo chí tại Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, bà Shuli làm phóng viên, trợ lý biên tập và biên tập viên quốc tế cho tờ Nhật báo Người Lao động, tờ báo lớn thứ hai tại Trung Quốc. Năm 1992, bà gia nhập tờ China Business Times trong vai trò biên tập viên quốc tế.

Nhà báo Hu Shuli được đánh giá cao bởi bản lĩnh và sự táo bạo. Bà chuyên thực hiện các phóng sự điều tra về gian lận và tham nhũng; đồng thời, có những bài phân tích dự đoán kinh tế Trung Quốc chính xác, sắc bén. Năm 1998, bà thành lập tờ báo Caixin Media.

Với những cống hiến không mệt mỏi cùng những bài báo có tầm ảnh hưởng trong nước lẫn quốc tế, bà Shuli được tạp chí Wolrd Press Review trao giải Biên tập viên quốc tế năm 2003. Tạp chí Foreign Policy, Mỹ, vinh danh bà là một trong 100 tri thức hàng đầu thế giới vào năm 2008. Năm 2017, Fortune vinh danh nhà báo Shuli là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới.

Với tư tưởng độc lập, mạnh mẽ, năm 2009, bà Shuli chuyển sang làm Trưởng khoa Báo chí tại Trường Truyền thông và Thiết kế thuộc Đại học Tôn Trung Sơn và là giáo sư thỉnh giảng của Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Thường được gọi là “người phụ nữ nguy hiểm nhất Trung Quốc”, Giáo sư Shuli luôn nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa của việc điều tra và đưa tin xác thực, tin cậy. Là nhà báo lành nghề, Shuli có công lớn trong việc xây dựng chương trình trình đào tạo báo chí chuyên nghiệp cho phóng viên, biên tập viên tại Trường Đại học Tôn Trung Sơn và Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc.

Bằng vốn kinh nghiệm dồi dào, bà đã hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên kỹ năng điều tra, phân tích vấn đề xã hội và tiếp cận các nguồn thông tin quan trọng. Shuli luôn khuyến khích học trò mạnh dạn, tự tin và không ngại gian khó đưa sự thật ra ánh sáng, dẫu họ làm việc tại bất cứ toà soạn nào và ở bất cứ nơi đâu. Tính cách gan góc, lì lợm của Shuli đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà báo trẻ của Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ