Những nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn của học sinh vùng cao

GD&TĐ - Nạn tảo hôn ở vùng cao trong nhiều năm gần đây tuy đã giảm nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Mặc dù các địa phương, thôn bản vùng sâu vùng xa đã ra sức tuyên truyền, quán triệt để đẩy lùi vấn nạn này nhưng trên thực tế, ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế thì tảo hôn vẫn diễn ra ngày càng nhiều. 

Cần đẩy mạnh tuyên truyền để đẩy lùi nạn tảo hôn ở vùng cao
Cần đẩy mạnh tuyên truyền để đẩy lùi nạn tảo hôn ở vùng cao

Chính điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi học đường ở những trường học vùng sâu, vùng xa. Công việc học tập của các em bị đình trệ, tương lai và hạnh phúc gia đình dường như khó lòng thực hiện được.

Chúng tôi có đi tìm hiểu một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhìn từ góc độ nhận thức, quan niệm và công tác tuyên truyền…

1. Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh ở các trường học vùng cao bỏ học ngày càng cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, điều kiện đi lại, nhận thức của phụ huynh học sinh, nhu cầu làm kinh tế của học sinh…

Trên thực tế, những nguyên nhân này đều được các nhà trường, các địa phương quan tâm khắc phục nhằm tạo điều kiện cho học sinh yên tâm đến trường học chữ.

Bằng chứng là các chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào khuyến học, sự chung tay của xã hội, các mô hình trường học bán trú những năm qua đã thổi một luồng gió ấm cho các trường học ở vùng cao. Học sinh vùng sâu vùng xa hoàn toàn có đủ điều kiện để đến trường rèn luyện và học tập.

Trong số những nguyên nhân trên thì một nguyên nhân khiến cho sĩ số học sinh ở nhiều trường học có nguy cơ giảm với tỷ lệ cao. Đó chính là nạn tảo hôn, học sinh bỏ học giữa chừng về nhà để xây dựng gia đình, lấy vợ, lấy chồng khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, khi chưa đủ lo đủ nghĩ, khi thể chất chưa hoàn thiện và đặc biệt, chưa thể có điều kiện kinh tế để tạo dựng cuộc sống gia đình.

Nhiều học sinh chỉ ở độ tuổi 14, 15, khi chưa học hết bậc THCS hoặc mới bước vào trường THPT thì đã bỏ học về lập gia đình. Ở vùng cao, lời ru buồn của những bà mẹ trẻ cất lên như cứa vào rừng núi một nỗi lo đến vô vọng.

Tình trạng này diễn ra chủ yếu ở trường THCS, THPT, trung tâm GDTX- GDHN tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, ở cả hai giới nam và nữ. Vậy nguyên nhân nào đã khiến cho nạn tảo hôn diễn ra phức tạp ở các trường học vùng cao? Giải pháp nào cải thiện tình trạng này?

2. Khi nói đến nguyên nhân của nạn tảo hôn đối với tuổi học đường trước hết phải kể đến quan niệm từ gia đình. Ở vùng cao từ xa xưa cho đến nay thường quan niệm phải đẻ nhiều để có nhiều lao động làm nương rẫy, để sợ không bị con ma rừng bắt mất, mặc dù điều kiện kinh tế còn khá khó khăn.

Đặc biệt, nếu nhà nào đẻ con “độc đinh” thì nỗi lo về sự mất nòi giống luôn thường trực trong mỗi gia đình người dân tộc thiểu số. Quan niệm này luôn đi liền với những nhận thức lạc hậu như nếu đẻ con một thì rất dễ bị ma rừng, ma suối bắt đi. Nếu thế, gia đình, dòng họ sẽ bị mai một giống nòi, không có người nối dõi.

Vì thế, những gia đình chỉ sinh được một người con trai thì dù ngày xưa hay ngày nay, họ đều định hướng cho con mình lấy vợ ngay từ khi còn học THCS hay chạm đến lớp 10. Theo họ, như thế mới có cơ hội để duy trì nòi giống.

Trên thực tế ở các trường học vùng cao, nhất là bậc THPT, sẽ không khó tìm những nam sinh người Mông, người Tày, người Dao… đã lấy vợ ngay từ lớp 9 rồi tiếp tục theo học, còn vợ ở nhà làm nương rẫy, sinh con đẻ cái.

Đồng thời, có nhiều học sinh nam đang học cũng bị gia đình bắt dừng học để về nhà lấy vợ. Khi học sinh nam lấy vợ, tất yếu sẽ nhiều trường hợp lấy học sinh nữ cùng trường. Như thế, việc bỏ học giữa chừng để lập gia đình đối với học sinh vùng cao không còn là chuyện lạ.

3. Ở vùng cao, từ xa xưa có tục nhận lễ sớm trong hôn nhân, mà người vùng cao thường vẫn gọi là “nhận gà”. Cụ thể là gia đình nhà gái có thể nhận lễ vật của gia đình nhà trai khi hai gia đình thân nhau, cùng bản, cùng làng để “đóng đinh” chuyện hôn nhân của con em mình ngay từ khi con đã chạm đến tuổi dậy thì.

Đó tuy là một sự đính ước, hứa hẹn mang tính phong tục của người vùng cao nhưng lại tạo ra một hệ lụy xấu. Khi đã nhận lễ ước hẹn thì việc cưới hỏi, đính ước của con trai và con gái luôn được hai gia đình nói đến, kể cả khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Lời ước hẹn, sự lo lắng sẽ không thực hiện được “thỏa ước hôn nhân” cùng với những quan niệm mang tính duy tâm đã dẫn đến nhiều gia đình quyết định dựng vợ gả chồng cho con em mình khi chưa đến tuổi kết hôn. Nhiều em học sinh nữ đã phải rời ghế nhà trường trở về với hạn phúc lứa đôi còn đầy sự lạ lẫm và mong manh.

4. Việc quản lý con em của phụ huynh ở vùng cao có “thoáng” hơn nhiều so với miền xuôi. Trên thực tế, bên cạnh những gia đình người dân tộc nề nếp, quản lý, giáo dục con em khá chặt chẽ thì nhiều gia đình có sự buông lỏng con cái.

Điều này được thể hiện ở việc nhiều phụ huynh đã tạo ra một sự tự do để con cái được vui chơi thoải mái, được kết bạn, được tìm hiểu và được tham gia vào các trò tiêu khiển như uống rượu khi tuổi còn nhỏ, đi chơi tối trong bản và các bản khác…Chính điều này đã không ít trường hợp vị thành niên có xu hướng quan hệ tình dục trước hôn nhân, mải mê chơi bời hơn là chỉn chu học tập.

Sẽ không là chuyện lạ khi hỏi một vài em học sinh THPT (cả nam và nữ) rằng “Em đã quan hệ tình dục chưa?” và nhận được câu trả lời rất thật: “Em đã quan hệ tình dục từ lớp 9 rồi”. Và một hệ quả mà không ít các gia đình ở vùng cao gặp phải đó là việc con gái mang bầu khi đang là học sinh. Một giải pháp để khắc phục của đồng bào vùng cao là cho con mình nghỉ học để cưới chồng, để giải quyết nhanh chóng hậu quả mà con mình mắc phải.

5. Nạn tảo hôn đối với tuổi học đường cũng có nguồn cơn từ nhà trường. Nhiều nhà trường ở vùng cao đã không chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh một cách thường xuyên.

Điều đó đã không tác động tích cực vào nhận thức của học sinh về hôn nhân, gia đình và sức khỏe sinh sản. Đồng thời, hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở nhiều nhà trường còn đơn điệu, chưa khéo léo lồng ghép kiến thức về hôn nhân gia đình trong các hoạt động ngoại khóa.

Nhiều nhà trường quan niệm rằng, nếu nói nhiều, khuyên bảo nhiều, dạy cách phòng tránh nhiều thì không khác gì “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao và các phong trào để tạo sân chơi bổ ích, mang tính giáo dục cao cho học sinh ở nhiều nhà trường còn thiếu hoặc chưa sôi nổi.

Để nạn tảo hôn không còn là nguyên nhân dẫn đến giảm sĩ số học sinh, không còn là nguy cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, các trường học ở vùng sâu, vùng xa cần có những giải pháp hữu hiệu.

Cụ thể, hằng năm, công tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản vị thành niên, các hoạt động ngoại khóa cần được tổ chức thường xuyên nhằm tác động vào nhận thức của học sinh về giới, về hôn nhân và gia đình, về những điều kiện để có được cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Cần tổ chức các sân chơi lành mạnh, thân thiện, mang tính giáo dục cao để thu hút học sinh, giúp các em gắn bó với trường lớp, có động cơ học tập đúng đắn và có định hướng tốt đẹp cho tương lai. Các nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với gia đình để giáo dục, rèn luyện học sinh, cần tác động vào nhận thức của phụ huynh học sinh để mỗi gia đình nhận thức được tác hại của tảo hôn đối với con em mình.

Công tác phối hợp giữa nhà trường với địa phương, các ban ngành đoàn thể cần được đẩy mạnh nhằm chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn đối với học sinh nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.