Xây dựng nền tảng số trong nhà trường
Những ngày cuối tháng 12/2021, sân Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) không tiếng trống, vắng bóng các cô cậu học trò cười đùa bên các lớp học vì phải học online. Tuy nhiên, không vì thế mà việc dạy học cũng như các hoạt động khác của nhà trường bị ngưng trệ. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Cao Cường cho biết: Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhà trường vẫn luôn tìm tòi nhiều cách làm sáng tạo để duy trì các hoạt động của mình, nhất là trong việc tạo mối liên kết giữa thầy trò và phụ huynh.
Trong xu thế chuyển đổi số, Trường THCS Thái Thịnh đã xây dựng được một hệ sinh thái độc lập. Thời điểm hè năm 2021, nhà trường đã phán đoán dịch bệnh sẽ còn nhiều phức tạp nên tính trước bằng việc xây dựng hệ thống phần mềm Microsoft Team – Office 365 của trường. Nhờ hệ thống này, ban giám hiệu có thể duyệt được giáo án giáo viên. Trên cơ sở dữ liệu chung của nhà trường đã được số hóa, thầy cô cũng dễ dàng đăng ký được lịch báo giảng, gửi giáo án hay lưu vết giờ dạy.
“Trên hệ thống của trường có gần 1.500 ID của học sinh. Nhà trường sẽ báo lịch thi để các em biết. Trường cũng xây dựng quy trình kiểm tra, đánh giá trên cơ sở đảm bảo tính trung thực, khách quan của học sinh khi làm bài. Để thực hiện được các mục tiêu đó, tính công khai minh bạch được đặt lên hàng đầu, phụ huynh cùng phối hợp với giáo viên để thực hiện. Chúng tôi mong muốn biến nguy thành cơ. Thông qua cơ chế chuyển đổi như trên, kỹ năng công nghệ thông tin của giáo viên được nâng cao rõ rệt. Học sinh lớp 6 biết gửi bài trên máy theo hướng dẫn của thầy cô. Nhà trường đã có được một thế hệ học sinh tự giác. Việc này đóng vai trò tất yếu của mỗi con người sau khi trưởng thành, ra xã hội làm việc”, thầy Cao Cường nhấn mạnh.
Đổi mới hoạt động cho học trò
Thầy Cao Cường nhớ lại một sự kiện mang tên “tiết học xuyên biên giới”. Khi nhận hồ sơ từ khoảng 400 học sinh vào lớp 6 của năm 2020, thầy phát hiện có một trường hợp đặc biệt của em Nguyễn Tăng Hà Linh. Bố em là bác sĩ quân y đang tham gia thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan; mẹ cũng là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau đó, thầy Cường mời mẹ em Hà Linh tới trường để đặt vấn đề muốn tổ chức một chương trình mang tên “tiết học xuyên biên giới” vào tháng 12/2020, đúng dịp chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sau khi xin phép lãnh đạo Bộ Quốc phòng kèm kế hoạch chi tiết, nhà trường đã nhận được sự đồng ý. Cách thức sẽ là tổ chức một buổi sinh hoạt tại lớp 6A01 – nơi em Linh đang theo học, kết nối trực tuyến tới bố của em đang làm nhiệm vụ bên nước bạn. Thông qua đó, các em đã được giao lưu, đặt câu hỏi trực tiếp với các bác sĩ quân y để hiểu được sự vất vả, ý nghĩa của chiến sĩ quân y cũng như truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tại tiết học này, đã có những giọt nước mắt rơi vì xúc động, học sinh cảm thấy rất tự hào và cảm phục hơn hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ anh hùng. Sự kiện được tổ chức thành công ngoài sự mong đợi.
Đầu năm 2021, nhà trường cũng tổ chức thành công buổi hòa nhạc tìm kiếm tài năng Piano của trường cho học sinh 4 khối. Biến nhà thể chất thành không gian hòa nhạc, chương trình được phát livestream trên fanpage và kênh YouTube của trường để phụ huynh cùng xem. Các em được thỏa sức sáng tạo và thể hiện khả năng âm nhạc của mình nên tạo được hiệu ứng lan tỏa rất tốt. Không chỉ vậy, nhà trường cũng đổi mới văn hóa đọc cho học sinh bằng tổ chức văn hóa đọc trong kỷ nguyên số. Trước đó, trường đã làm thư viện mới có không gian mở với ghế ngồi nhiều góc khác nhau. Khi học sinh đến thư viện có thể đọc sách, làm bài tập, tìm kiếm thông tin, tài liệu học tập…
Năm học 2021 - 2022, nhà trường tổ chức lễ khai giảng trực tuyến theo một cách thức sáng tạo. Sau phần khai giảng chung của thành phố là tiết mục văn nghệ online. Các em sẽ trình bày trực tuyến các bài hát ca ngợi về mái trường theo từng phong cách hay nhạc cụ khác nhau như Rap, Pop, Rock... Cách thức tổ chức mới đã phát huy sự sáng tạo của học sinh, tạo ra không khí phấn khởi từ đầu năm cho cả phụ huynh và học sinh. Tính kết nối được tạo ra dù trên không gian mạng đã làm nên lễ khai giảng ấn tượng. Không chỉ vậy, dịp 20/11 vừa qua, nhà trường cũng có cách thức tổ chức khác biệt. Giáo viên toàn trường chia làm 6 tổ chuyên môn, mỗi tổ đưa ra một tiết mục văn nghệ (hát, múa) để dự thi. Tối 19/11, lần lượt các tiết mục của thầy cô giáo được trình chiếu trên fanpage, kênh YouTube của trường để học sinh, phụ huynh vào bình chọn.