Họ là những người phụ nữ có chung hoàn cảnh khó khăn, muốn tìm việc làm trang trải cuộc sống để lo cho gia đình.Vất vả, cực khổ đi sớm về khuya nhưng họ vẫn cam chịu, miệt mài chắt chiu từng đồng vì đằng sau những mảnh giấy vụn, đồ nhựa, đồ đồng kia là miếng ăn của cả một gia đình.
Bà Bùi Thị Hường, 50 tuổi, quê Bình Định khoe, nhờ cái nghề ve chai mà bà nuôi 2 con ăn học đại học. Đứa con lớn học ngành Cơ khí giờ đã đi làm ở Bình Dương, đứa con gái út đang học năm 2 Đại học Kinh tế TP.HCM. |
Bà Nguyễn Thị Hồng gần 30 năm nhặt ve chai, có 3 người con đều ăn học nên người. Cuộc sống vất vả từ lúc bà lập gia đình, hai vợ chồng sống không hạnh phúc. Chia tay chồng, bà dắt 3 đứa con vào Sài Gòn, bắt đầu với nghề ve chai rồi chắt góp cho con ăn học. Hai đứa con gái nay đã học xong cao đẳng, vừa đi làm, con út học nghề đầu bếp. "Cô rất tự hào về những đứa con của mình. Nhiều khi đi ve chai cực, vất vả nhưng nghĩ về con là quên mệt", bà Hồng tâm sự. Hiện bà Hồng đang ở cùng 2 người đồng nghiệp trong căn trọ khoảng 20 m2, được thuê với giá 2 triệu/ tháng. |
Dù có kinh nghiệm thu mua ve chai gần 20 năm nhưng bà Lê Thị Thu 57 tuổi, quê Bình Định phải thừa nhận nghề này cũng rất "hên –xui"! Có hôm bà đi thu mua về sớm, bán được nhiều tiền nhưng có hôm bà phải đi mấy chục cây số mới tìm được người bán.Thu nhập mỗi ngày chỉ đượckhoảng 100.000 đồng – 200.000 đồng. |
Giữa dòng xe xuôi ngược, bà Nguyễn Thị Mẫn còng lưng đẩy chiếc xe giấy vụn, lưng bà ngả theo bóng chiều nhưng miệng bà lúc nàocũng nở nụ cười tươi rói. Ở tuổi 70, bà Mẫn đã làm công việc thu mua ve chai gần trọn đời người. Hiện bà sống một mình trong con hẻm ở quận Bình Thạnh. Khó khăn kiếm sống từng đồng, được ngày nào ăn ngày nấy nhưng không lúc nào bà than thở. |
Chị Lệ, quê Ninh Bình, đã gắn bó với nghề ve chai hơn chục năm nay. Chị kể, ban đầu chị làm công nhân rồi bán trái cây nhưng không thấy lời bao nhiêu lại hay gò bó, chị chuyển hẳnsang nghề thu mua ve chai để có thể tự do chăm sóc con. Mỗi ngày, công việc của một người thu mua ve chai như chị Lệ bắt đầu từ sáng sớm và thường đến khi tối mịt mới về đến nhà. "Nghề này ngày nào cũng dính máu, không bị đồng cắt thì bị vỏ lon cắt. Có máu mới có tiền", chị Lệcười nói. |
Những người phụ nữ nhặt ve chai lang thang khắp các con hẻm ở Sài Gòn để tìm mua đồng nát, sắt vụn. |
Đôi khi họ còn chở theo những đứa con, đứa cháu vì ở nhà không có ai trông giữ. |
Chủ vựa ve chai vừa mua lại đống giấy vụn của bà Mẫn hơn 70.000 đồng nói: "Hôm nay bà bán được vậy là nhiều rồi đó, có hôm bà chỉ bán được vài chục ngàn. Bà nhặt riết rồi cái lưng còng sát đường luôn rồi". |
Chiếc xe đẩy tự chế là tài sản lớn nhất để hành nghề của những người phụ nữ này. Họ phải chăm sóc chúng thường xuyên và tự sửa nếu có hư vặt. |
Buổi chiều sau khi thu mua xong, những người phụ nữ này tranh thủ mua những trái bắp để ăn vội trước khi bắt đầu một chuyến xe mới. |
Cơm đùm, cơm nắm được chuẩn bị, treo ở bên xe. |
Phút thảnh thơi hiếm hoi của những người phụ nữ thu mua đồng nát. |
Sài Gòn ngày nắng cũng như ngày mưa, sáng sớm cũng như chiều tối, tiếng rao hòa cùng tiếng xe đẩy cọc cạch vẫn xuôi ngược, ồn ào. Và đâu đó vẫn có những niềm vui nho nhỏ lặng thầm trong xóm ve chai khi nghe tin con em mình đỗ đại học, hay vừa ra trường… |