Những người mở lối

GD&TĐ - Những thầy cô giáo đảm nhiệm dạy học lớp 1, lớp 6 và năm học tới là lớp 10 là đội ngũ tiên phong trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Thầy Nguyễn Đức Hùng, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT Điện Biên Đông trong giờ dạy.
Thầy Nguyễn Đức Hùng, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT Điện Biên Đông trong giờ dạy.

Những kết quả đạt được, nhiều bài học được rút ra, sự nỗ lực chuẩn bị và quyết tâm của thầy cô cho chúng ta niềm tin về thành công đổi mới GDPT.

Thầy trò cùng thay đổi

Sang năm thứ 2 triển khai chương trình mới với lớp 1, cô Trần Thị Mỹ Hòa, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, Đắk Lắk nhận thấy rõ những thay đổi từ cả phía thầy và trò. “Dạy học theo chương trình mới giúp học sinh chủ động, sáng tạo, phát triển tư duy, tự tin giao tiếp. Các em cũng tích cực tham gia mọi hoạt động, có sáng tạo sau mỗi chủ đề học. Đối với giáo viên, thầy cô chủ động, tích cực nắm chương trình, xây dựng kế hoạch giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Từ đó, giáo viên linh hoạt xác định yêu cầu cần đạt theo từng giai đoạn của năm học; sử dụng thành thạo phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; chú trọng dạy học theo đối tượng” - cô Hòa chia sẻ.

“Trong nhà trường, mỗi tổ/nhóm chuyên môn cần thường xuyên sinh hoạt tổ/nhóm. Nên tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi chuyên môn giữa giáo viên các nhà trường với nhau để học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng tốt của giáo viên giỏi, dày dạn kinh nghiệm” – thầy Hùng đề xuất.

Để có được kết quả như hôm nay, mọi thứ với cô Hòa và đồng nghiệp tại Trường Tiểu học Lê Lợi không phải dễ dàng, thuận lợi ngay từ đầu. Nhiều giáo viên vì còn tư duy, phương pháp dạy cũ nên khi vận dụng chương trình mới thấy áp lực, thiếu chủ động. Học sinh lớp 1 chưa biết chữ và số nên khi tiếp nhận kiến thức khó khăn, nhất là học sinh tiếp thu chậm, vì số lượng chữ trong một số bài còn nhiều.

Đâu đó cũng thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa phụ huynh học sinh với giáo viên. “Dù vậy, chúng tôi đã nỗ lực, thường xuyên nghiên cứu bài dạy, lên kế hoạch sinh hoạt tổ chuyên môn, cùng với ban giám hiệu nhà trường tìm cách tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, điều chỉnh chương trình, nội dung, kế hoạch bài dạy phù hợp với đối tượng học sinh; phân bổ các tiết dạy cho phù hợp theo từng giai đoạn. Kết hợp với phụ huynh nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh, giúp các em hòa nhập tốt hơn” - cô Trần Thị Mỹ Hòa chia sẻ.

Cũng được lựa chọn là giáo viên giảng dạy lớp 1, cô Khúc Thị Là, Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) nhớ lại khó khăn khi năm học 2020 - 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Vì thế khi vào lớp 1, trẻ 6 tuổi chủ yếu ở nhà (từ tháng 2 - 8/2020) nên không được trực tiếp học chương trình mầm non.

Việc được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn và hầu như không thực hiện được. Cũng bởi dịch Covid-19 nên năm học 2020 - 2021 được tổ chức học chính thức sau khai giảng và không có 2 tuần để học sinh, giáo viên làm quen, tạo tâm thế sẵn sàng cho học sinh lớp 1. Một số cha mẹ học sinh chưa tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình nên lo lắng, so sánh chương trình, sách giáo khoa (SGK) cũ và Chương trình, SGK mới, gây áp lực cho học sinh, giáo viên và nhà trường.

Trước khó khăn này, cô Là cho biết phải sắp xếp công việc gia đình, giảng dạy để dành nhiều thời gian nghiên cứu SGK mới. Đồng thời, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn để trau dồi kinh nghiệm cho bản thân. Là tổ trưởng, cô Là cũng cố gắng tổ chức đều đặn buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học giúp giáo viên trong tổ và bản thân học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Kiên trì hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của phụ huynh để có sự ủng hộ, phối hợp cao nhất.

“Sau bỡ ngỡ ban đầu, tôi đã chủ động, sáng tạo hơn trong dạy học và học sinh được tiếp cận kiến thức nhẹ nhàng, học tập tích cực hơn, nhiều em tiến bộ nhanh. Đặc biệt, năm học 2020 - 2021 cũng là năm học đầu tiên hoạt động trải nghiệm trở thành nội dung giáo dục bắt buộc, đa số học sinh thích thú với môn học này (mặc dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19, một số tiết trải nghiệm thực tế chưa thực hiện được). Tôi thấy với chương trình mới, học sinh được phát triển toàn diện, nhanh nhẹn, khả năng sáng tạo cao, tự tin hơn” - cô Khúc Thị Là nhận định.

Nếu lớp 1 đã có 2 năm triển khai thì thầy cô dạy học lớp 6 mới đi được nửa chặng đường của năm học đầu tiên triển khai chương trình mới. Khó khăn ban đầu là không tránh khỏi. Trước những thách thức đó, nhóm thầy cô giảng dạy lớp 6, Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn, Nghệ An, cho biết: Nhà trường đã trang bị SGK mới và đồ dùng học tập đầy đủ cho học sinh. Bên cạnh đào tạo, tập huấn để sẵn sàng giảng dạy theo chương trình mới, trường yêu cầu giáo viên tự bồi dưỡng, học hỏi thêm dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của đội ngũ cốt cán.

Bên cạnh đó, trường tiến hành dạy học theo hướng nghiên cứu bài học đối với chương trình Ngữ văn 6 và mời giáo viên cốt cán, giáo viên trường bạn dự giờ để trao đổi nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình mới qua phương pháp, kỹ thuật dạy học mới. Tổ chức đánh giá, khảo sát mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh để rút ra kinh nghiệm dạy học.

Cùng chung khó khăn, đặc biệt vì dịch Covid-19, học sinh phải học trực tuyến, nhưng cô Huỳnh Thị Kim Hoàng, Trường THCS Quản Cơ Thành, An Giang, trao đổi: Hơn 4 tháng qua, việc dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường có nhiều thay đổi. Nhờ được tập huấn kỹ cũng như thành thạo ứng dụng CNTT nên mọi việc đã vào “guồng” nhanh chóng.

Giáo viên luôn tìm những bài giảng, tranh ảnh sinh động nhằm lôi cuốn học sinh. Học sinh cũng quen dần cách thảo luận qua nhóm mà giáo viên tạo trên K12 Online, biết cách chia sẻ màn hình khi trình bày bài thảo luận. Với những học sinh học tốt, giáo viên yêu cầu hoàn thành các mức độ cơ bản, sau đó chủ động dành thời gian để tiếp cận  yêu cầu ở mức độ khó hơn…

Cô trò Trường Tiểu học Lê Lợi, Đắk Lắk trong giờ đọc sách.
Cô trò Trường Tiểu học Lê Lợi, Đắk Lắk trong giờ đọc sách.

Những bài học quý

Sau một thời gian triển khai dạy học theo chương trình mới, thầy cô đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý để tiếp tục làm tốt hơn công việc của mình. Đặc thù là trường vùng khó ở Đắk Lắk, cô Trần Thị Mỹ Hòa cho rằng: Trong quá trình dạy học, giáo viên cần quan tâm tới tất cả học sinh trong lớp; thường xuyên khen ngợi, khuyến khích học sinh, động viên kịp thời qua lời nói và cử chỉ thân thiện của giáo viên. Thầy cô cũng cần tích cực chia sẻ, đóng góp ý kiến, đưa ra một số giải pháp nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong tiết học.

Cô Khúc Thị Là thì cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền tới cha mẹ học sinh về Chương trình GDPT 2018 và những đổi mới của ngành GD-ĐT nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ; thường xuyên trao đổi tình hình học tập, rèn luyện của học sinh để cha mẹ học sinh đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn con em.

Giáo viên cần dành nhiều thời gian nghiên cứu chương trình, đọc SGK, trao đổi và làm rõ yêu cầu cần đạt, nội dung và kỹ thuật dạy học đối với từng môn học, dạng bài; đồng thời luôn chủ động, linh hoạt để có kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế trường, lớp, khả năng tiếp thu của học sinh. Dành nhiều thời gian rèn nền nếp học tập cho học sinh lớp 1 trong thời gian đầu của năm học. Thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo về chuyên môn của các cấp quản lý giáo dục.

Cô Là cũng nhấn mạnh, việc tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn qua nghiên cứu bài học để chia sẻ kinh nghiệm dạy học các môn học, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chuyên môn: Thống nhất kế hoạch giảng dạy; trao đổi tháo gỡ vướng mắc; sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học; ứng dụng hợp lý CNTT, sử dụng hiệu quả học liệu điện tử kèm theo SGK hoặc từ các nguồn đã được kiểm định để tăng tính trực quan, hấp dẫn, dễ hiểu... Cuối cùng là làm tốt công tác xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu.

Là tiếng nói tập thể, điều đầu tiên nhóm thầy cô giáo giảng dạy lớp 6, Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn nhắc đến là rất cần sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng sát sao của ban giám hiệu nhà trường, phòng GD&ĐT huyện. Bên cạnh đó, giáo viên cần nhiệt tình, năng động, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn vững vàng, luôn tích cực học hỏi để từng bước hoàn thiện nhiệm vụ được giao. Tích cực bồi dưỡng chuyên môn bằng các chuyên đề, trao đổi những bài hay, khó.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thụy Sơn, Thái Bình.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thụy Sơn, Thái Bình.

Vững tin với chương trình, SGK lớp 10

Khi được chọn là giáo viên dạy lớp 10 theo chương trình mới, cô Trần Thị Mai, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ có chút lo lắng, hồi hộp. Lo vì đây là chương trình hoàn toàn mới, có sự thay đổi toàn diện từ nội dung, phương pháp dạy học, hình thức kiểm tra đánh giá, cách tiếp cận vấn đề. Tuy nhiên, cô Mai đồng thời cũng háo hức, trông chờ để được dạy chương trình mới.

“Qua nghiên cứu, tôi thấy nội dung chương trình mới hay, không còn mang tính hàn lâm mà gắn với thực tiễn cuộc sống. Học sinh có thể ứng dụng được những kiến thức được học ở nhà trường vào thực tiễn cuộc sống. Việc dạy học sẽ thú vị, hấp dẫn hơn bởi ngoài việc dạy học trên lớp giáo viên có thể tổ chức cho học sinh học ngoài lớp, trải nghiệm thực tế” - cô Trần Thị Mai nêu lý do.

Để chuẩn bị tốt nhất cho năm học sau, cô Mai cho biết đã nghiên cứu Chương trình GDPT tổng thể; dự tập huấn các mô-đun bồi dưỡng giáo viên triển khai chương trình mới; tự bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng của môn học mình phụ trách; cố gắng nâng cao trình độ tin học, CNTT để phục vụ tốt nhất cho đổi mới chương trình. Cô Mai mong muốn sớm được tiếp cận các nguồn tài liệu, như SGK mới, tài liệu có liên quan đến Chương trình GDPT năm 2018 để có thời gian nghiên cứu trước khi thực hiện.

Tương tự, thầy Nguyễn Đức Hùng, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên rất vui vì được chọn là giáo viên dạy lớp 10 theo chương trình mới. Bên cạnh đó, thầy Hùng đan xen chút hồi hộp, lo lắng vì chương mình mới có nhiều kiến thức thay đổi, cách dạy cũng đổi mới hơn, lại là một trong số những giáo viên năm đầu thực hiện. Tuy nhiên, thầy Hùng đã chuẩn bị cả tâm lý và kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, nghiên cứu SGK mới để có cái nhìn tổng quát về chương trình, tìm hiểu kỹ phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực phù hợp với việc dạy học ở nhà trường và đối tượng học sinh.

Thầy Hùng cho rằng: Giáo viên cần chủ động nghiên cứu, hiểu rõ cách soạn giáo án kiểu mới phù hợp với chương tình mới, có thể chọn dạy thử nghiệm ngay từ năm nay để quen dần. giáo viên cũng cần thường xuyên sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, thay đổi thói quen dạy học kiểu đọc - chép. Quan trọng là mỗi nhà giáo cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thay đổi và học hỏi những cái mới, có như vậy mới có thể bắt kịp tốt nhất với chương trình mới.

Với cô Huỳnh Thị Kim Hoàng, Trường THCS Quản Cơ Thành, bài học rút ra sau 1 học kỳ triển khai chương trình mới là việc linh hoạt trong xây dựng kế hoạch giáo dục, trong dạy học và trong kiểm tra đánh giá. Giáo viên linh động, tìm phương pháp tốt nhất trong việc dạy lớp, rèn học sinh tùy theo đối tượng trong lớp chủ nhiệm. Đồng thời, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, theo chuyên đề; bồi dưỡng chuyên môn qua các buổi thao giảng ở trường, trong huyện. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

NATO thừa nhận một sự thật phũ phàng

GD&TĐ - Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Stoltenberg mới đây nói rằng, các nước của khối cần thừa nhận họ không hỗ trợ Kiev như đã hứa.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.