Giáo viên vùng cao vận dụng linh hoạt dạy lớp 1 chương trình mới

GD&TĐ - Khác với những vùng có điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng đủ yêu cầu học của chương trình sách giáo khoa mới thì ở nhiều vùng khó khăn, giáo viên phải "tùy cơ ứng biến" với điều kiện thực tế để giảng dạy.

Học cùng học trò

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên ở Trường Tiểu học xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, khi áp dụng chương trình sách giáo khoa lớp 1 nhà trường đã “chọn mặt gửi vàng”, chọn những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm để đi tập huấn chương trình cũng như tham gia vào chọn sách giáo khoa để giảng dạy năm nay.

Đặc thù là vùng sâu vùng xa điều kiện về cơ sở vật chất, lớp học chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục mới như: thiếu hệ thống máy chiếu, mạng Internet, để phục vụ giảng dạy - bởi vậy giáo viên được phân công giảng dạy lớp 1 năm nay sau khi chọn được sách phải dành thời gian để đọc, tìm hiểu và chuẩn bị giáo án, dụng cụ cho bài giảng.

Cô Bế Thị Liên – giáo viên lớp 1 của trường chia sẻ: “Đặc thù của trường mình dạy là vùng sâu vùng xa không có mạng internet, không có máy chiếu nên các bài học dạy bằng trình chiếu PowerPoint hay video cho bài học sinh động gần như bị cắt. Thay vào đó là dựa trên những tư liệu có sẵn trong sách giáo khoa và những tư liệu mà giáo viên tự chuẩn bị để dạy”.

Ví dụ: Theo như sách giáo khoa khi học đến con số ngoài những tư liệu trong sách giáo khoa, giáo viên có thể sử dụng thêm hình ảnh động bằng các video cho học sinh hiểu hơn - thì ở trường mình không có dụng cụ như máy chiếu, máy tính để đưa các bài giảng bằng video đó; khi đó mình lại tận dụng các mô hình cũ từ những năm trước.

“Ví dụ học số 4 mình sẽ phát cho các con 4 con gà, hướng dẫn các con cài lên bảng con thay vì sử dụng hình ảnh động bằng các video để các con hình dung và nhớ số 4”, cô Liên giải thích.

Cô Liên đang giảng bài cho học sinh. Ảnh Đức Duy
Cô Liên đang giảng bài cho học sinh. Ảnh Đức Duy

Bên cạnh đó, cô Liên cũng cho biết thêm, vì điệu kiện học tập, giảng dạy của giáo viên ở trường hạn chế, khi được chọn để dạy chương trình lớp 1 mới này, cô đã dành thời gian cả mùa hè để nghiên cứu từng bài học trong sách, tận dụng những mô hình, dụng cụ học của chương trình cũ; những cái nào cần phải làm mới....

“Khi dạy kể chuyện, với chương trình mới thường dài, nếu trường có máy chiếu giáo viên có thể tìm kiếm tranh, ảnh qua mạng soạn giáo án bằng PowerPoint đưa vào bài giảng của mình. Tuy nhiên không có máy chiếu buộc giáo viên ngoài dựa vào tranh ảnh trong sách giáo khoa, còn tìm thêm qua mạng rồi in ra, đến phần nào của câu chuyện thì đưa tranh ra miêu tả nhằm giúp học sinh nắm được cốt truyện và dễ hiểu hơn”, cô Liên kể lại.

Biến giờ nghỉ giải lao thành giờ phụ dạo

Đặc thù ngôi trường cô Liên công tác là một huyện vùng ba đặc biệt khó khăn, khi áp dụng sách giáo khoa mới, để cho có hiệu quả, cô và nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, nói cho phụ huynh hiểu về những thay đổi. Đặc biệt, đề nghị phụ huynh cùng tham gia hướng dẫn con học.

“Song, một số phụ huynh không biết chữ, khả năng hướng dẫn học cho con ở nhà gần như không được bởi vậy tôi thường dành cả giờ giải lao hay giờ nghỉ trưa để kèm cho các con”, cô Liên nói.

Bên cạnh đó, nhiều tiết học của cô chiếm tới 1 tiếng đồng hồ để có thể giảng dạy cho học sinh hiểu: “Học sinh của mình chậm, nên các tiết học thường kéo dài hơn quy định để đạt được mục tiêu yêu cầu của bài học đặt ra, mình thường phải đi về muộn hơn 30-40 phút mỗi buổi học để dạy cho các em”, cô Liên chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở đó, cô Liên và các đồng nghiệp của mình cũng xác định khi chương trình đổi mới thì không chỉ học sinh mà giáo viên cũng phải là người đổi mới trong phương pháp giảng dạy, cách thức chuẩn bị bài giảng để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ