Những người 'mẹ đỡ đầu' của sinh viên Lào

GD&TĐ - Sinh viên Lào khi đến Đà Nẵng được những người “mẹ đỡ đầu” chăm lo, săn sóc suốt quá trình học trên đất Việt.

Các bạn sinh viên Lào được “mẹ đỡ đầu” Trần Thị Nguyện dẫn về nhà dạy nấu món ăn Việt Nam.

Các bạn sinh viên Lào được “mẹ đỡ đầu” Trần Thị Nguyện dẫn về nhà dạy nấu món ăn Việt Nam.

Mô hình “Người Mẹ thứ hai” cho các sinh viên Lào ở Đà Nẵng đã tôn lên giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Đồng thời, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

Người mẹ, người cô nơi thành phố đáng sống

Theo đó, mô hình “Người Mẹ thứ hai” được Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) triển khai từ tháng 3/2019. Ngay từ khi phát động, chương trình có 11 gia đình là các cán bộ Hội Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đã nhận đỡ đầu sinh viên Lào học tập tại Đà Nẵng.

Thấm thoắt gần 3 năm nay, vào cuối tuần hay dịp lễ, Tết của Việt Nam, em Manyvong Litar (Lớp 19TCLCDT 1, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa) – Đại học Đà Nẵng lại sắp xếp việc học để về nhà chị Trần Thị Nguyện (trú Tổ 25, phường Hòa Khánh Nam), mẹ đỡ đầu của em để cùng sum họp, nấu ăn cùng gia đình.

Manyvong Litar được chị Nguyện nhận đỡ đầu theo mô hình “Người Mẹ thứ hai” từ những ngày đầu sang TP Đà Nẵng nhập học.

Ở nơi đất khách quê người, Manyvong Litar cảm thấy bớt nhớ nhà, bớt buồn bã, bởi nơi đây em lại có thêm một gia đình, có ba mẹ và anh chị, yêu thương em như đứa con ruột trong gia đình.

Giao lưu mô hình “Người Mẹ thứ hai” giữa phụ nữ Đà Nẵng – Việt Nam và sinh viên Lào.

Giao lưu mô hình “Người Mẹ thứ hai” giữa phụ nữ Đà Nẵng – Việt Nam và sinh viên Lào.

“Mỗi khi về nhà mẹ Nguyện, em được mẹ và mọi người dạy thêm tiếng Việt, hướng dẫn nấu các món ăn Việt Nam và được tìm hiểu thêm nhiều phong tục tập quán của người Việt. Đặc biệt, trong 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, mẹ Nguyện và gia đình không chỉ gọi điện thoại động viên mà còn lo cho em và các bạn.

Mỗi khi em buồn, nhớ nhà hay ốm đau, mẹ Nguyện và gia đình mẹ luôn ở bên cạnh, động viên, chăm sóc. Em thật sự rất hạnh phúc và luôn xem đây là gia đình, là ngôi nhà thứ hai của mình, xem mẹ Nguyện là người mẹ thứ hai của em”, Manyvong Litar tâm sự.

Không chỉ Manyvong Litar, em Chanthamixay Pala (lớp 19I1, Khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn) Đại học Đà Nẵng được chị Phan Thị Thiệp (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nhận làm con. Pala cho biết, không chỉ là người đỡ đầu, mà mẹ Thiệp còn “kiêm” việc làm cô giáo dạy tiếng Việt cho em.

Pala chia sẻ: “Em rất may mắn khi gặp được mẹ Thiệp, được mẹ và các anh chị thương yêu, chăm sóc, lo lắng. Mẹ hay nói với em có bất cứ điều gì khó khăn trong cuộc sống cũng như học tập thì phải chia sẻ với mẹ, đừng giấu trong lòng. Nhờ những lời động viên của mẹ mà em đã mở lòng mình hơn, hiểu hơn về phẩm chất tốt đẹp của người Việt, đặc biệt là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Ngoài ra, nhờ mẹ Thiệp mà em còn hiểu biết nhiều hơn về tiếng Việt”.

Chị Trần Thị Nguyện (mặc áo dài hoa) nhận làm “mẹ đỡ đầu” các em sinh viên Lào đang học tập tại Đà Nẵng.

Chị Trần Thị Nguyện (mặc áo dài hoa) nhận làm “mẹ đỡ đầu” các em sinh viên Lào đang học tập tại Đà Nẵng.

“Kịp thời động viên, hỗ trợ các con khi cần”

Chị Trần Thị Nguyện – mẹ đỡ đầu của Manyvong Litar cho hay, khi chị thấy sinh viên Lào sang Việt Nam học tập gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, sinh hoạt, chị muốn nhận đỡ đầu cho các em, để giúp các em có thể yên tâm học tập và hòa nhập với cuộc sống nơi đất khách, quê người.

“Các cháu ban đầu cũng hơi nhút nhát, nhưng may mắn là chồng tôi từng có thời gian sống và làm việc bên đất bạn Lào nên đã hiểu và biết phong tục của người Lào, vì vậy, chồng tôi đã làm “cầu nối” giúp cho Litar và cả gia đình chúng tôi dễ bắt chuyện, từ đó hiểu nhau hơn”, chị Nguyện thông tin.

Tại nhà chị Nguyện, Litar đã được mẹ và các thành viên trong gia đình hướng dẫn nấu các món ăn Việt và chia sẻ để hiểu hơn về phong tục tập quán của người Việt. Đặc biệt, trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, Litar đã được học gói bánh chưng, bánh tét… và đón Tết cổ truyền Việt Nam tại nhà mẹ Nguyện.

Tết truyền thống Bunpimay của các sinh viên Lào được tổ chức ở Đà Nẵng, các mẹ đỡ đầu đến chung vui cùng các bạn sinh viên.

Tết truyền thống Bunpimay của các sinh viên Lào được tổ chức ở Đà Nẵng, các mẹ đỡ đầu đến chung vui cùng các bạn sinh viên.

Theo lời chị Nguyện, mô hình “Người Mẹ thứ hai” rất nhân văn và ý nghĩa. Bởi các thành viên trong gia đình chị ai cũng quan tâm, giúp đỡ, yêu thương và quý mến các em.

“Chúng tôi và gia đình các em ở Lào cũng rất thân thiết, thường xuyên liên lạc để nắm bắt tình hình các con, kịp thời động viên, hỗ trợ các con khi cần”, chị Nguyện cho biết.

“Tôi xem Chanthamixay Pala như con ruột của mình, Tết cổ truyền vừa qua, tôi đã đưa Chanthamixay Pala về nhà mình đón Tết cùng với gia đình chúng tôi. Rồi may áo dài, dạy cháu nấu những món ăn của người Việt, đưa đi tham quan nhiều danh lam, thắng cảnh tại thành phố.

Tôi tâm nguyện rằng, nhận đỡ đầu các em thì mình phải có trách nhiệm. Thương con mình ra sao thì các em tôi cũng thương vậy. Tôi mong muốn những điều tốt nhất đến cho các em, để các em không thấy cô đơn, vơi đi nỗi nhớ nhà cố gắng học tập tốt. Mong rằng mô hình “Người Mẹ thứ hai” sẽ được nhân rộng, lan tỏa để có nhiều hơn nữa các em sinh viên Lào được nhận đỡ đầu”, Phan Thị Thiệp – mẹ đỡ đầu của Chanthamixay Pala nhấn mạnh.

Tiếp nối thành công của mô hình, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam tiếp tục triển khai mô hình “Người Mẹ thứ hai” đợt 2 với 13 gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ nhận đỡ đầu 26 nữ sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Chị Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu cho biết, trên địa bàn quận có rất nhiều sinh viên Lào đến học tập và ở tại các khu ký túc xá.

“Từ hiệu quả và phản hồi của tích cực của các gia đình cũng như các em sinh viên, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục duy trì hoạt động và mở rộng mô hình nhận đỡ đầu cho cả nữ sinh viên nữ và sinh viên nam từ Lào đến Đà Nẵng học tập”, chị Thanh nói.

Mới đây, tại buổi gặp mặt, giao lưu mô hình “Người Mẹ thứ hai”, bà In-la-văn KẸO-BUN-PHĂN - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào đã thay mặt Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào, các hội viên cũng như phụ nữ Lào trên toàn quốc, gửi lời cảm ơn chân thành đến những người mẹ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam đã tổ chức mô hình ý nghĩa này và dành con em sinh viên Lào sự giúp đỡ to lớn.

“Chúng tôi cảm nhận được rằng, ở đâu những bà mẹ Việt Nam cũng luôn mở rộng vòng tay đầy thương yêu dành cho các sinh viên Lào”, bà In-la-văn KẸO-BUN-PHĂN khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ