Người mẹ thứ hai của những trẻ em khiếm khuyết

GD&TĐ - Đối với những giáo viên dạy trẻ khuyết tật, họ không đơn thuần là những giáo viên dạy chữ mà là người cha, người mẹ, người bạn đồng hành cùng những trẻ không được may mắn có cuộc sống như bao đứa trẻ khác.

Cô Hà (áo trắng, thứ 3 từ phải sang) cùng các em học sinh của mình.
Cô Hà (áo trắng, thứ 3 từ phải sang) cùng các em học sinh của mình.

Nếu chứng kiến một ngày làm việc của những thầy, cô giáo chuyên biệt dạy dỗ trẻ khuyết tật mới hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của nghề vừa dạy người, vừa dạy chữ này.

“Cơ duyên” đưa đến dạy trẻ khuyết tật

Có mặt tại Trường Chuyên biệt Tương Lai (TP Đà Nẵng) nơi có hàng chục giáo viên đang ngày đêm dạy học cho hơn hàng trăm trẻ em bị khuyết tật như: khiếm thính, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ... Những lớp học nơi đây, được xem là nơi thử thách nghề và lòng yêu thương những em có hoàn cảnh đặc biệt.

Trò chuyện cùng Báo GD&TĐ cô Trương Thị Ngọc Hà (SN 1974) – Tổ trưởng chuyên môn Trường Chuyên biệt Tương Lai cho biết, cũng như bao thế hệ khác, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Hà đã ước muốn lớn lên làm giáo viên.

Hoàn cảnh khó khăn khiến ước mơ làm cô giáo của cô Hà lúc bấy giờ càng mãnh liệt hơn. Sau đó, Hà đã trúng tuyển vào ngành Sư phạm Tiểu học – Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).

Trong thời gian còn ở giảng đường, cô Hà đã nhiều lần được đi thực tế tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố để học hỏi kinh nghiệm về cách giảng dạy.

“Tôi nhớ như in, cái ngày về thực tế tại Trường Chuyên biệt Tương Lai, ngay từ lúc bước vào đã thấy những mảnh đời bất hạnh của các em nhỏ không may bị khuyết tật tại đây.

Nhìn những đôi mắt ngây thơ có phần khờ dại của trẻ khuyết tật, những ước mong không thể diễn đạt thành lời của các em và nỗi đau dằn vặt của những bậc phụ huynh có con bị khiếm khuyết, tôi cảm thấy day dứt. Tôi tự nhủ nhất định sau khi ra trường, sẽ quay về giảng dạy để giúp đỡ các em”, cô Hà nói.

Cô Hà trao giấy khen cho học sinh.
Cô Hà trao giấy khen cho học sinh. 

Đến năm 1994, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô Hà đã xin về Trường để giảng dạy và từng bước hoàn thành ước mơ của mình ấp ủ bấy lâu nay.  

Cô Hà cho hay, những ngày mới bước vào công việc tại đây, cô thật sự lo lắng. Sở dĩ, nhiều học sinh lớp cô Hà phụ trách tuy đã lớn nhưng một số em nhận thức còn hạn chế, hay chạy nhảy, la hét, không hiểu ý của giáo viên.

“Ngay khi bắt đầu vô công việc giảng dạy, tôi hơi bị áp lực và lo lắng. Bởi vì trong một lớp học bình thường thì học sinh có nhận thức để tiếp thu bài và lắng nghe lời giáo viên, còn đây là lớp học đặc biệt, học sinh là những em khiếm khuyết nên phải có một phương pháp dạy khác nhau, rất vất vả. Hơn nữa, tôi là giáo viên ngành Sư phạm Tiểu học, chưa hề học qua những kỹ năng dạy cho trẻ khuyết tật nên rất khó khăn”, cô Hà tâm sự.

Vất vả là vậy, nhưng bằng tình thương, sự chia sẻ, cô Hà dần vượt qua mọi khó khăn và thử thách để bước tiếp trên con đường nuôi tương lai cho những đứa trẻ không may bị khuyết tật khi chào đời.

27 năm gắn bó với nghề dạy học, cũng là chừng ấy thời gian cô Hà thấu hiểu được nỗi buồn của cha mẹ học sinh, những nỗi đau về thể xác mà những đứa trẻ không lành lặn phải trải qua.

Cô giáo Trương Thị Ngọc Hà
Cô giáo Trương Thị Ngọc Hà

“Những gương mặt ngây ngô, khờ dại vì mang trong mình một căn bệnh mà không ai hề muốn, đó cũng là những nỗi đau đối với những đấng sinh thành, khi con mình không may gánh chịu.

Chính vì điều đó đã thôi thúc tôi không được phép dừng lại, không được phép bỏ cuộc dù là khó khăn đến chừng nào đi chăng nữa”, cô Hà bộc bạch.

Bức tranh của học trò cũ vào dịp 20/11

Cô Hà nhớ lại: "Cách đây vài năm, trường có em học sinh nam tính tình khá trầm, không như những học sinh khác. Em này nhút nhát nên các giáo viên rất khó để tiếp cận và giảng bài. Đặc biệt, em này vẽ rất đẹp. Sau đó tôi nhẹ nhàng tiếp cận, dạy dỗ và ân cần chăm sóc em ấy. Thật vui khi em ấy nghe lời và học rất chăm”.

Theo lời cô Hà, sau khi ra trường, hằng năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11  em ấy lại vẽ một bức tranh để tặng cô. “Cứ năm nào cũng vậy, em ấy cũng vẽ tặng bức tranh và gửi đến tặng tôi. Trong bức tranh em ấy còn giải thích ý nghĩa bức tranh đó là gì. Thật sự tôi vui sướng và hạnh phúc lắm”, cô Hà bộc bạch.

Cô Hà chia sẻ rằng, để dạy tại môi trường đặc biệt này, ngoài cái duyên đến với nghề dạy học là một chuyện, chuyện còn lại chính là sự lựa chọn của mình.

“Dạy tại nơi đây như là một sự sẻ chia, một niềm thương yêu với những số phận không được may mắn trong cuộc sống. Mình xem các em nơi đây như là các em các cháu trong gia đình, cố gắng làm những điều tốt nhất cho các em dạy cho các em có cái chữ, có được những kỹ năng sống. Đấy chính là niềm vui của mình”, cô Hà cười nói.  

Với cô Hà, niềm hạnh phúc với nghề là chứng kiến những em học sinh "đặc biệt" tiến bộ rõ rệt.
Với cô Hà, niềm hạnh phúc với nghề là chứng kiến những em học sinh "đặc biệt" tiến bộ rõ rệt.

Có thể thấy rằng, các giáo viên dạy trẻ khuyết tật là những người thầm lặng nhất, kiên trì nhất và giàu lòng bao dung nhất. Đổi lại nổi vất vả, những giọt mồ hôi của các thầy cô, nhiều em nhỏ đã tiến bộ lên từng bước.

Mỗi bước tiến nhỏ của các em là niềm hạnh phúc với những người làm nghề trồng người. Bởi thêm một bước tiến là các em bớt đi một chút thiệt thòi, để từ đó các em có thêm cơ hội và tự tin bước vào đời. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ