Những người “mẹ hiền” nơi biên giới

GD&TĐ - Mỗi độ hè về, giáo viên các trường biên giới lại thêm bận rộn bởi họ sắp bước vào “chiến dịch” tiếp sức mùa thi, chăm chút cho học trò từng bữa ăn, giấc ngủ... như thể con đẻ của mình.

Các cô giáo Trường THPT Thanh Nưa đội mưa điểm danh “sĩ tử” trước cổng trường thi.
Các cô giáo Trường THPT Thanh Nưa đội mưa điểm danh “sĩ tử” trước cổng trường thi.

Chế tài lương tâm

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Trường THPT Thanh Nưa (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) có 161 thí sinh dự thi. 89% trong số này là con em dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn sống khu vực giáp biên giới. Toàn trường có 63 học sinh bán trú, 20/63 em thuộc diện F2 (vừa hết thời gian cách ly). Các em đều thuộc diện đặc biệt khó khăn trong khi Nghị định 116 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh vùng khó đã hết hiệu lực thi hành.

Thấu hiểu hoàn cảnh và mong muốn tạo động lực giúp các em vững tâm bước vào kỳ thi với tâm thế tốt nhất, thầy cô trong trường đã phát động các đợt kêu gọi, ủng hộ để các em khỏi đứt bữa.

Cô Lê Kiều Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Nưa cùng nhiều giáo viên đã “gõ cửa” khắp nơi những mong tìm được các nhà hảo tâm chung tay, chia sẻ. Chỉ trong thời gian ngắn, trường nhận được sự hỗ trợ của Trung đoàn và các tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Bắc (Bộ Công an); cấp ủy, chính quyền địa phương; Đồn Biên phòng Thanh Luông…

“Từ tháng 6 đến nay, chúng tôi nhận được nhiều sự chia sẻ của các đơn vị kết nghĩa. Số tiền kêu gọi được là 24 triệu đồng tiền mặt và nhiều nhu yếu phẩm như: Mỳ tôm, gạo, sữa, thiết bị y tế (khẩu trang, sát khuẩn), trị giá ước khoảng 10 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn song quý giá, kịp thời bởi giúp nhà trường duy trì bữa ăn thường xuyên cho các con ở thời điểm nước rút và ngay cả lúc diễn ra kỳ thi”, cô Oanh nói.

Cũng theo cô Oanh, kế hoạch về thời gian, nhân lực, vật lực để bước vào đợt “tiếp sức” ở Trường THPT Thanh Nưa đã sẵn sàng. Nhà trường dự kiến nấu ăn tại trường, bảo đảm sức khỏe cho học sinh bán trú. Ban giám hiệu chủ động mượn 2 phòng ngay tại điểm thi để thí sinh nghỉ ngơi vì đường xa không thể về nhà sau mỗi buổi thi. Đầu, cuối mỗi ngày thi, nhà trường có xe ô tô đưa, đón học sinh bán trú đi thi để bảo đảm an toàn cho “sĩ tử”, đến điểm thi đúng giờ.

“Hàng năm, chúng tôi đều thành lập Tổ hỗ trợ thi tốt nghiệp để đưa đón học sinh trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Chẳng có chế tài gì để xử lý cả nếu giáo viên không tham gia. Nhà trường cũng chẳng cần kêu gọi. Song các thầy cô đều vui vẻ tham gia bởi họ xác định, việc mình làm đều xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm và tình thương với học trò”, cô Oanh bộc bạch.

Tình nguyện viên tham gia “tiếp sức mùa thi”.
Tình nguyện viên tham gia “tiếp sức mùa thi”.

Vỡ òa cảm xúc

Nhiều năm tham gia công tác hỗ trợ, đưa đón học sinh, cô Nguyễn Thị Hồng (Trường THPT Thanh Nưa) chưa khi nào quên được kỳ thi năm học 2016 - 2017.

“Hôm đó là buổi thi môn Lịch sử, em Lò Văn Quyết nhớ nhầm lịch thi sang buổi chiều. Khoảng 6 giờ 40 phút, chúng tôi điểm danh thấy thiếu HS. Lo lắng quá, tôi gọi điện cho Quyết và phụ huynh nhưng không liên lạc được. Trong khi mọi người đang bối rối, tôi cố trấn tĩnh, kiên trì bấm máy rồi liên lạc được với mẹ của Quyết. Mẹ em lúc đó đang đi làm ruộng cách xa nhà. Lo cho con, chị ấy chân trần chạy về tận nhà gọi con thức dậy”, cô Hồng kể.

“Toàn bộ thầy cô, tổ trực thi như vỡ òa khi thấy Quyết được bố đưa đến ngay khi chỉ còn đúng 5 phút nữa là em sẽ bị đình chỉ thi. Cho đến khi Quyết an tâm bước vào phòng thi tôi vẫn chưa hết lo. Khi biết Quyết đỗ tốt nghiệp THPT, chúng tôi vui hơn bởi sự cố gắng của học trò”, cô Hồng kể thêm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, theo kế hoạch, thành viên của tổ trực thi sẽ có mặt tại điểm thi lúc 6 giờ vào buổi sáng và 13 giờ vào buổi chiều. Thầy cô có nhiệm vụ điểm danh học sinh, phân phát các đồ dùng cần thiết: Nước uống, khẩu trang, hướng dẫn khử khuẩn, đo thân nhiệt… Tổ trực còn phải phối hợp với lực lượng bảo vệ và nhân viên nhà bếp cho thí sinh ăn sáng tại căng tin rồi đưa tất cả di chuyển đến trường thi bằng ô tô. Hết buổi thi, họ lại đón các em trở về.

Cũng bởi nhận thức được tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên các giáo viên ở đây luôn nỗ lực hỗ trợ bởi họ nhận thấy mình có trách nhiệm với thế hệ tương lai. Bởi vậy, cô Hồng cũng như đồng nghiệp không thể xa học trò. Mỗi người một việc, thầy cô chuẩn bị cho trò hành trang vững chắc để bước vào kỳ thi.

“Chúng tôi coi đám trẻ như những cây xanh non nớt được vun xới bấy lâu, và đến giờ sắp đơm hoa kết trái càng phải chăm sóc kỹ hơn. Gia đình có thể khó khăn, cha mẹ ở xa nhưng các em luôn yên tâm vì có thầy cô bên cạnh. Thời gian này, chúng tôi thường động viên nhau: Thầy, trò cùng cố gắng để có được kết quả tốt nhất”, cô Hồng giãi bày.

“Em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập, ôn luyện thật tốt, phấn đấu giành được kết quả cao nhất trong kỳ thi năm nay. Chỉ có như vậy mới xứng đáng với tình cảm mà cha mẹ, thầy cô đã dành cho”, em Lò Thị Thanh Huyền - học sinh lớp 12C2, Trường THPT Thanh Nưa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ