Ở Phú Quốc vẫn có những người dân không quan tâm đến sự “nóng”- “lạnh”bất thường của thị trường bất động sản (BĐS), dù nhiều cò đất thời gian qua đã tìm đến nơi đây để tìm “cửa” môi giới kiếm lời.
Thích lao động hơn bán đất lấy tiền tiêu xài
Ở làng chài Hàm Ninh nổi tiếng (đảo Phú Quốc, Kiên Giang), mùa hè năm nay cũng như bao nhiêu mùa hè trước, từ sáng tới tối, người dân chài vẫn ai làm việc nấy, người đi đánh bắt cá, người ở nhà chờ mẻ hải sản về để thu mua nhỏ lẻ rồi tiêu thụ, người thì bán đồ hải sản khô cho du khách ngoài chợ, một số người dân vẫn mở bè trên mặt biển sát cầu tàu để bán hải sản chế biến tại chỗ cho du khách...
Những đứa trẻ làng chài vẫn hồn nhiên tha thẩn vui chơi vào khoảng thời gian không phải đi học, nhiều thiếu niên có thói quen mang cần câu ra cầu tàu câu cá, tám chuyện với nhau. Vài đứa trẻ gặp du khách thì cố bán món đồ lưu niệm quen thuộc của làng chài là con sao biển nhuộm màu cam bắt mắt. Ven bờ biển, ở những đoạn nước nông và trong có thể thấy nhiều sao biển nằm “ngoan ngoãn” như thể chờ lũ trẻ làng chài xuống nhặt.
Người làng chài thu mua hải sản từ ngư dân rồi bán luôn cho du khách ở cầu tàu |
Cầu tàu nơi tàu thuyền của dân chài trở về sau những chuyến đi biển trong ngày hoặc qua đêm, lâu nay là nơi bám víu của người làng chài vừa sinh kế bằng nghề cha truyền con nối, vừa bán hàng cho khách du lịch đến Phú Quốc, vốn đông quanh năm. Cuối cầu cảng nơi neo tàu thuyền là điểm thu mua hải sản từ các tàu thuyền đánh bắt cá. Mỗi lần có một tàu thuyền cập cầu cảng là vài người làng chài chuyên thu mua hải sản đã chờ sẵn, đón từ tay ngư dân những mẻ bề bề (tôm tít), ghẹ...
Một con cá mú nặng gần 2 kg lọt lưới của ngư dân nào đó được bán lại cho người dân trong làng. Cá mú biển là một “món quà” không dễ có từ tự nhiên đối với du khách lạ, chị Bê - một người dân làng chài tiết lộ: “Thời điểm này đi biển gần bờ, cũng ít cá mú lọt lưới như thế, toàn ghẹ, cầu gai, ốc, sò, bề bề... thôi. Trong nhà hàng to kia (chỉ tay về phía nhà hàng bề thế bên bờ biển), họ nhập cá to từ đâu về bán, chứ ngư dân ở đây đánh bắt gần bờ thì bây giờ không được nhiều cá to”.
Gương mặt tươi tỉnh của anh Tiến khi bán được mấy kg hải sản giá tốt cho du khách cũng không biểu lộ vui hẳn như chị Bê vợ anh. Chị Bê lăng xăng lấy bếp than nhóm lửa, rồi làm sạch bề bề, cá mú. Xong chị hò anh Tiến đi lấy giấy bạc để nướng cá. Còn bề bề thì chị nói chỉ có hấp là ngon.
Đủ ăn thì cần gì bán đất
Thấy anh Tiến chạy tới, chạy lui cùng vợ phục vụ khách ăn hải sản tại chỗ, chúng tôi hỏi vui: “Đất ở đây giờ đắt lên gấp mấy chục lần trước kia, sao anh chị không bán bớt đất lấy tiền gửi tiết kiệm có lãi tiêu cho đỡ vất vả?”. Anh lập tức “phản ứng”: “Trời ơi, bán đất thì mai mốt lấy gì mà ở. Thôi thì vợ chồng mình cứ buôn bán nhỏ thế này đủ sống, cần chi bán đất cho mất đất”.
Rồi anh Tiến tự hào kể: “Dân làng chài ở đây làm không hết việc, lo gì không có cách sống, mà phải bán đất... Đấy tàu đang vô, lát nữa có bề bề, có ghẹ để mua, mua xong lại bán tiếp. Tôi còn đóng thùng xốp hàng chục ký bề bề gửi cho khách ở tận Sài Gòn, Hà Nội đấy. Bề bề tươi hấp sơ, xong đóng thùng gửi cho khách, mà nhiều người gọi điện thoại đặt lắm. Nhiều lúc không có hàng để đóng cho khách”.
Trong khi tiếng động cơ tàu ngày một gần chòi của anh Tiến, chị Bê thì anh Tiến lại lăm le sẵn xe máy để mua hải sản rồi chở đi. Chị Bê nói đất làng chài tăng giá đến vài chục lần mấy năm gần đây. Nhiều người vào hỏi những mảnh đất ven biển có vị trí đẹp, không mấy ai bán. “Nhà bà chị tôi ngay sát biển, ngang khoảng 10m, chạy dài gần 30m, người ta trả bảy tỷ rưỡi (7,5 tỷ đồng) mà chị không có tiền cũng chưa chịu bán. Cách đây 2 năm thì người ta trả hơn hai tỷ. Đất ở đây bây giờ mắc lắm. Hơn chục năm trước mảnh đó chỉ mấy chục triệu thôi”- chị Bê kể.
Chiều buông xuống làng chài Hàm Ninh như một bức tranh phong thủy hữu tình. Cuộc mưu sinh và kinh doanh du lịch, dịch vụ nhộn nhịp. Chẳng trách mà người không ở đây thì thấy tiềm năng làm giàu mà thèm khát sở hữu một mảnh đất tại điểm đến nổi tiếng này. Nhưng người Hàm Ninh thì vẫn chài lưới, lao động... ngày qua ngày không mấy biến động theo sức “nóng”- “lạnh” của thị trường BĐS ngoài kia...