Tommy Mchugh (1949 – 2012)
Tay thợ xây người Liverpool (Anh) chưa bao giờ biết cầm đến cây cọ để vẽ là gì, thế nhưng kể từ một vụ chấn thương não suýt chết đã làm thay đổi con người của Tommy khi ông không ngừng vẽ như một lẽ sống của đời mình.
Tommy kể về tai nạn làm đổi thay đời ông như sau: “Tôi đang ngồi trong toa-lét thì đột nhiên nghe như có một tiếng nổ bên trái đầu của tôi, tôi ngã xuống sàn nhà. Tiếp đó đầu bên trái lại nghe một tiếng ầm!
Tôi thức dậy trong bệnh viện và nhìn qua cửa sổ thấy những cái cây được đánh số 3, 6, 9. Rồi tôi bắt đầu đánh vần theo nhịp điệu các số này…”.
Không lâu sau sự cố hy hữu, Tommy McHugh, người chưa từng có mối bận tâm về nghệ thuật hay thơ ca, đã bắt đầu lao vào vẽ và sáng tác như phát cuồng. Tài năng và sự sáng tạo tuyệt vời của Tommy thật khó mà hình dung vì trước đây ông không từng biết nó.
Những con số 3, 6, 9 cũng luôn nhảy ra mỗi khi ông nhìn đâu đó, chính chúng đã thôi thúc ông khó cưỡng lại việc không ngừng sáng tạo, như cách ông giải thích: “Não tôi thúc giục tôi sáng tác không ngừng nghỉ. Tôi vẽ 3 hoặc 6 bức tranh trong một lần. Vải vẽ trở nên tốn kém, thế nên tôi vẽ tranh lên tường và sàn nhà”.
Orlando Serrell (sinh năm 1968)
Khoảng năm 1979, lúc đó Orlando Serrell mới chỉ là đứa bé lên 10, cậu chơi bóng rổ và bất thình lình một quả bóng đánh mạnh vào bên trái đầu cậu.
Orlando ngã xuống đất nhưng cậu đứng dậy được ngay để chơi tiếp. Có một dạo, Orlando liên tục đau đầu không thể tả được. Khi cơn đau đầu biến mất, đột nhiên anh nhận ra mình có một khả năng mới: anh có thể thực hiện các kiểu tính lịch rất phức tạp cũng như nhớ chính xác thời tiết hàng ngày, từ cái ngày xảy ra sự kiện nào đó.
Orlando trở thành một nhân vật truyền thông nổi tiếng, những năm sau này anh dành thời gian nghiên cứu y học nhằm hy vọng có thể hiểu được những gì đã kích hoạt ra những sức mạnh không ai ngờ trong một con người.
Jason Padgett (sinh năm 1970)
Khoảng năm 2002, có 2 gã đàn ông đã đánh Jason Padgett ngay bên ngoài một quán karaoke bar, sau đó để mặc nạn nhân nằm sóng soài với những chấn động nghiêm trọng và chứng rối loạn trầm cảm hậu chấn thương.
Nhưng vụ tai nạn này cũng khiến cho Padgett đột nhiên trở thành một thiên tài toán học, nhìn thế giới thông qua các ống kính về hình học.
Cuộc đời mới đã gây ấn tượng mạnh cho Padgett vì trước đó ông không giỏi toán cũng như không thích học môn này, giờ đã tự mình sáng tạo ra các phân dạng hình học rất chính xác, nghĩa là bộ não của ông đã làm việc như trực giác giúp cho Jason xây dựng được những công thức toán học tinh vi và “dịch” chúng ra dưới dạng các hình ảnh để nhìn mọi nơi.
Nhà toán học Padget sau này còn nghiên cứu chuyên sâu về toán học và lý thuyết số học, và dĩ nhiên là cả excel. Jason cũng viết một cuốn sách kể lại những trải nghiệm kỳ lạ mà ông đã trải qua gọi là “Struck by Genius” (“Cú đánh làm nên thiên tài”) xuất bản năm 2014.
Jim Carollo (sinh năm 1970)
Năm 14 tuổi, một vụ tai nạn xe hơi tưởng như đã hủy hoại cuộc đời của Jim Carollo. Mẹ ông thiệt mạng, bản thân Jim rơi vào hôn mê sâu.
Với những chấn thương não nghiêm trọng mà Jim mắc phải, các bác sĩ đều lắc đầu, quả quyết rằng bệnh nhân khó mà sống qua nổi một tuần. Nhưng phép mầu đã xảy ra, Jim sống sót.
Sau 6 tuần hôn mê li bì trong bệnh viện, Jim đột nhiên thức dậy và bắt đầu một quảng thời gian trải qua khóa vật lý trị liệu hồi phục. Và rồi, chẳng mấy chốc Jim lại có thể đi học, và cậu nhận ra mình không giống như các bạn đồng trang lứa nữa.
Trước vụ tai nạn, Jim Carollo không quan tâm đến toán; sau đó toán học như hơi thở của ông. Không học toán, nhưng Jim lại giải cái rẹt đề toán hình học ở trường trung học. Và với khả năng tính toán thần tốc, ông đã vượt qua các kỳ thi một cách dễ dàng.
Jim nhớ được mọi con số mà ông chỉ nhìn lướt qua, ông nhớ 200 số của Pi chỉ trong vòng 1 ngày. Hàng ngày tiếp tục với số, khiến cho các con số cuộn lại thành chuỗi trong đầu của Jim Carollo để ông biến thành Thần Toán lúc nào không hay.
Derek Amato (sinh năm 1970)
Hồi năm 2006, Derek Amato, một cư dân sống ở Denver (tiểu bang Colorado, Mỹ) đã lao xe xuống hồ nước và đầu bị chấn thương.
Ông được mang ra khỏi hồ và thức giấc trong bệnh viện, mất tự chủ và sợ hãi. Chấn thương đầu khiến cho Derek mất thính giác, đau đầu như búa bổ, trí nhớ có vấn đề và ảnh hưởng tới tận ngày nay.
Nhưng vụ tai nạn cũng không cướp sạch mọi thứ của Derek, thay vào đó nó biến anh thành một thần đồng âm nhạc.
Một khoảng thời gian sau vụ tai nạn, Derek bắt đầu nhìn thấy những hình dáng đen, trắng dịch chuyển, tiếp theo đó là một chuỗi các khái niệm âm nhạc bất tận xuất hiện sau mi mắt ông.
Dù chưa bao giờ học nhạc, nhưng Derek đột nhiên có thể ngồi bên đàn dương cầm và chơi điêu luyện các bản nhạc khiến cho hết thảy những người chứng kiến đều tán thưởng.
Alonzo Clemons (sinh năm 1958)
Thời thơ ấu, Alonzo Clemons đã bị chấn thương não và nó đã ảnh hưởng tới khả năng học và giao tiếp của ông, khiến cho ông phải vượt qua hàng núi các thách thức trong môn toán học.
Nhưng nghịch cảnh đó đã không ngăn cản Alonzo khả năng điêu khắc và nhìn thế giới qua những tác phẩm điêu khắc của mình.
Chỉ cần nhìn con ngựa trong vòng vài giây, ông Alonzo Clemons đã có thể điêu khắc nên một con ngựa giống y hệt như thật, chính xác đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất.
Điều này quả là không tưởng vì nghệ sĩ điêu khắc lành nghề phải mất nhiều giờ đồng hồ và liên tục quan sát vật thật mới có thể làm ra tác phẩm chính xác.
Nhưng ở đây, qua tay của Alonso Clemons chỉ cần điêu khắc 30 phút là xong! Nghệ sĩ điêu khắc tài ba này đã trở thành một nhân vật được hâm mộ, các tác phẩm nghệ thuật của ông được đem đi triển lãm khắp thế giới.
Franco Magnani (sinh năm 1934)
Khoảng thập niên 1960, một di dân người Ý sống ở San Francisco (Mỹ) đã hứng phải một chứng bệnh đột ngột và rất lạ lùng. Franco Magnani bị dính một trận sốt khiến ông nằm bẹp giường, tinh thần hoàn toàn mê muội.
Trong lúc bị bệnh, Magnani lại hay nằm mộng. Ông mộng thấy ngôi nhà thời thơ ấu của mình ở Pontito (Ý) nơi ông rời đi hơn một thập niên trước đó. Tỉnh dậy sau những cơn mơ này, Magnani bắt đầu vẽ lại các giấc mơ của mình, tất cả những bức tranh đều xuất phát từ thời thơ ấu của ông.
Kỳ diệu là các bức tranh của ông với những hình ảnh sống động cứ như thể là những bức ảnh chụp lại ngôi làng nơi ông lớn lên; những kỷ niệm trong trí óc ông cứ thế mà hiện về.
Tổn thương não từ những cơn sốt kinh hoàng của Magnani - mà ngày nay được coi là một dạng bệnh phong, có vẻ đã tác động gì đó đến não của ông, cho phép ông khắc họa lại mọi chi tiết của những năm tháng thơ ấu.
20 năm sau khi Magnani phát bệnh, một nhiếp ảnh gia đã lặn lội đến Pontito (Ý) và ngạc nhiên tột độ khi phong cảnh nơi đây y hệt những gì mà Magnani miêu tả trong các bức vẽ của mình.