Những ngành học nào được miễn học phí?

GD&TĐ - Bên cạnh nhiều ngành học được Nhà nước miễn học phí, nhiều sinh viên cũng thuộc đối tượng được miễn đóng góp khoản tiền này.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Theo Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có quy định về 8 chuyên ngành sinh viên được miễn học phí gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Marx-Lenin, ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y tâm thần, Giám định pháp y, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.

Còn đối tượng được miễn học phí theo Nghị định số 97/2023/NĐ-CP là sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha/mẹ hoặc ông/bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người (gồm các dân tộc: Pu Péo, Cống, Mảng, Si La, Bố Y, Cờ Lao, La Ha, Ơ Đu, Ngái, Chứt, Brâu, Rơ Măm, Lự, Pà Thẻn, La Hủ, Lô Lô); sinh viên thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ…

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực quy định về việc một số chuyên ngành khối sức khỏe được miễn hoàn toàn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí toàn khóa học cho người học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.

Theo đó, Nhà nước cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.

Đồng thời, cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

So với Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 (số chuyên ngành được Nhà nước miễn học phí gồm: giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần), thì tới Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 số chuyên ngành được miễn hoàn toàn học phí đã tăng thêm các chuyên ngành tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên ngành này sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.

Trong đó, mức hỗ trợ học phí của sinh viên sư phạm là trợ 3,63 triệu đồng/tháng, bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học.

Thời gian hỗ trợ được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng/ năm học.

Tuy nhiên, để nhận hỗ trợ theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm phải cam kết công tác trong ngành giáo dục sau khi ra trường, cụ thể là: Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.