Miễn học phí - sự quan tâm thiết thực nhất

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, cả nước có 7 tỉnh, thành phố thông báo miễn giảm học phí cho học sinh.

Không gian đọc sách mới của học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: ITN
Không gian đọc sách mới của học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: ITN

7 tỉnh, thành phố thông báo miễn giảm học phí cho học sinh, gồm: Quảng Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Kạn và Hải Phòng.

Đầu năm học 2023 - 2024, có 5 địa phương miễn, giảm học phí cho học sinh là Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Quảng Bình với dự chi hàng trăm tỷ đồng. Đây quả thực là một chính sách vô cùng nhân văn và khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Ba năm trở lại đây, Đà Nẵng luôn là thành phố tiên phong thực hiện chính sách miễn học phí trong cả nước. Năm học 2023 - 2024 là năm thứ ba liên tiếp Đà Nẵng thực hiện chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp. Hải Phòng cũng miễn học phí cho toàn bộ học sinh đang học tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu miễn học phí cho học sinh các cấp học.

Với Hà Nam, tỉnh sẽ không thực hiện miễn 100% học phí như các địa phương khác, quyết định hỗ trợ một phần học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn sau khi công bố mức học phí mới. Mức hỗ trợ đúng bằng mức tăng học phí khi thực hiện theo Nghị định 81.

Quảng Bình thống nhất chủ trương không thu học phí học kỳ I năm học 2023 - 2024 đối với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình phổ thông trên địa bàn.

Ngoài ra, trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển của tỉnh Quảng Bình sẽ được miễn học phí cả năm học 2023 - 2024.

Giáo dục là quốc sách, không có gì lợi ích hơn là đầu tư vào giáo dục. Nhận ra vấn đề quan trọng này, nên một số tỉnh thành trong cả nước cũng đã miễn, giảm học phí cho học sinh từ năm học 2022 - 2023. Trong số đó có những tỉnh còn rất nghèo như Quảng Bình, Bắc Kạn nhưng vẫn cố gắng thực hiện chính sách này để san sẻ gánh nặng cho dân.

Mặc dù, khoản chi này tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách của các tỉnh, thành nhưng tôi nghĩ rằng nếu chi vào việc đích đáng như giúp dân miễn học phí, tức là đầu tư cho giáo dục thế hệ trẻ, thì rất hiệu quả. Việc miễn giảm học phí giúp người dân giảm bớt những khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Có thể khẳng định rằng, chính sách miễn, giảm học phí là một chính sách nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt đối với vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mang lại rất nhiều lợi ích cho nhân dân.

Thứ nhất, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như nước ta hiện nay, việc miễn học phí cho học sinh sẽ thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện tốt cho con em nhân dân ở mọi đối tượng, ở các địa phương có điều kiện để học tập.

Thứ hai, đây là chủ trương nhân văn, đặc biệt là đối với học sinh miền núi bởi đời sống của đồng bào các dân tộc ở một số địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, điều kiện để người dân duy trì cuộc sống và cho con đi học còn hạn chế. Tình trạng một số học sinh ở các bậc học cao hơn, khi không được miễn học phí, các em bỏ học giữa chừng là không ít.

Học sinh miền núi, vùng sâu vùng sa, học sinh có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn không phải bỏ học giữa chừng vì thiếu điều kiện học tập, tạo động lực để mỗi gia đình sẽ bớt đi những lo lắng về các khoản đóng góp, yên tâm và có thêm quyết tâm đưa con em mình đến trường học tập.

Thứ ba, việc miễn học phí đã tạo nên hiệu ứng tốt đối với học sinh ở một số địa phương trong cả nước, giúp học sinh thuộc các đối tượng bớt đi những khó khăn, gánh nặng về kinh tế và có thêm động lực để học tập tốt, phụ huynh học sinh sẽ bớt đi những gánh nặng về đóng góp cho con em mình.

Thứ tư, việc miễn học phí sẽ góp phần duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Giáo dục không chỉ nâng cao nhân cách của một cá nhân, mà nó còn ảnh hưởng đến xã hội và giúp nó trở nên văn minh hơn.

Thứ năm, miễn học phí xây dựng được uy tín của Nhà nước, ngành Giáo dục với nhân dân vùng cao, trong khi họ đang thiếu nhận thức đến các vấn đề phát triển của đất nước, đặc biệt là giáo dục.

Thứ sáu, miễn học phí góp phần tăng hạnh phúc và sức khỏe. Giáo dục làm cho các cá nhân và cộng đồng hạnh phúc hơn. Khi Nhà nước khuyến khích trình độ học vấn cao hơn, nhân dân sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.

Chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh là những giải pháp của ngành Giáo dục và các địa phương, để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, để không ai bị bỏ lại phía sau. Chính sách này của một số tỉnh thành đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận xã hội đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh, bởi vì gia đình nào cũng có con cháu đi học. Mặc dù mức học phí ở bậc học này không nhiều nhưng nếu được triển khai sẽ bớt được gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình.

Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, để nhân dân hiểu được sự cố gắng của các cấp chính quyền, các nhà trường, địa phương cần phổ biến, tuyên truyền rõ mục đích, ý nghĩa của việc miễn học phí đến phụ huynh và học sinh. Cần tác động vào nhận thức của học sinh và nhân dân tính ưu việt của chính sách này để tránh sự nhận thức và thái độ thụ động, ỷ thế vào chính sách miễn học phí nên dẫn đến sự thiếu động lực vươn lên trong học tập.

Để chính sách ưu việt này được triển khai khả thi, có hiệu quả, cần quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện. Đồng thời, trong tương lai, Chính phủ có thể hỗ trợ học sinh, các cơ sở giáo dục dưới hình thức khác để việc đi học của học sinh thực sự là mong muốn chứ không dừng lại ở việc vì nó miễn phí. Hiện nay nước ta phát triển kinh tế nhiều thành phần, thu nhập của người dân khác nhau, mức sống cũng không giống nhau.

Bên cạnh những người có hoàn cảnh khó khăn thì cũng có một bộ phận có thu nhập cao, vì vậy song song với việc miễn học phí, chúng ta cũng nên có cơ chế, chính sách nhất định để thu hút, kêu gọi các mạnh thường quân chung tay góp sức đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là phát triển giáo dục ngoài công lập để sẻ chia gánh nặng cho giáo dục công lập và ngân sách Nhà nước.

Rất hy vọng các tỉnh thành còn lại trong cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn có tiềm lực kinh tế mạnh như TP Hà Nội, TPHCM, tỉnh Quảng Ninh… có thể tiếp tục đi theo khuynh hướng đầu tư rất hiệu quả này như các tỉnh thành nói trên. Vì đây rõ ràng là chủ trương được nhân dân ủng hộ và mong mỏi. Giáo dục sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng mà sẽ giúp chúng ta đạt được thành công. Nó cũng sẽ hỗ trợ trong việc phát triển các khả năng, sẽ hữu ích cho phần còn lại của cuộc đời chúng ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.