Tại Việt Nam, sơn mài đã trở thành chất liệu truyền thống được nhiều nghệ nhân, họa sĩ sử dụng, sáng tạo nên những tác phẩm nổi tiếng.
Dấu ấn sơn mài Việt Nam
“Sơn mài” là cách gọi phối hợp giữa chất liệu (sơn) và động tác kỹ thuật (mài). Sơn được trích từ cây sơn – một loại cây mọc nhiều ở vùng trung du phía Bắc, nhiều nhất là ở tỉnh Phú Thọ.
Người xưa dùng sơn ta để sơn gắn các đồ dùng, sơn thuyền, sơn vũ khí, làm các đồ thờ cúng, trang trí đình chùa… Tiếp đó phủ lên các vật dụng hoặc đồ thờ cúng bằng gỗ, gốm… nhằm làm tăng độ bền. Sau này, sơn ta được dùng vào các công việc trang trí trong các cung điện, đền đài, chùa tháp…
Giới nghiên cứu cũng đã chỉ ra, tại Việt Nam, vào thời Đinh (930 - 950), người Việt đã biết sử dụng nhựa cây sơn để trét thuyền. Lần lượt qua các triều đại Lê, Lý, Trần, nhiều cổ vật, pho tượng gỗ hay đất được sơn son thếp vàng vẫn còn được lưu giữ. Cho tới đời vua Lê Nhân Tông (1443 - 1460), Trần Thượng Công mới được tôn là bậc thầy đầu tiên của ngành nghề này.
Các học trò của ông đã lập phường thợ tỏa đi khắp nơi, những người thợ giỏi được triều đình nhận vào nội phủ để trang trí nội thất trong cung điện. Hiện nay, Huế được xem là nơi mà những vết tích và tác phẩm sơn mài còn được bảo lưu một cách quy mô và đầy đủ nhất.
Trải qua thăng trầm thời gian, nghề làm sơn mài đã xuất hiện ở nhiều vùng. Những làng nghề chuyên làm sơn mài cũng đã định hình tại các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bình Dương, TPHCM… Trong đó, có thể kể tới một số làng nghề nổi tiếng như Đình Bảng (Tiên Sơn - Bắc Ninh), Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội), Cát Đằng (Nam Định), Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương)…
Sản phẩm của các làng nghề này không những được tiêu thụ mạnh trong nước, mà còn là mặt hàng xuất khẩu, được ưa chuộng tại nhiều thị trường kỹ tính như: Mỹ, Nhật Bản, Nga...
Sơn mài truyền thống có thể chia làm 3 loại: Sơn quang được dùng trên các vật dụng bằng mây, tre, gỗ như hộp, khay… có nhuộm màu nhẹ, khá phổ biến trong dân gian; Sơn son thếp vàng chỉ được thấy trong các gia đình quyền quý, các nhà thờ, đình, chùa, nhất là các lăng tẩm, cung điện vua chúa…
Ngày nay có thể thấy ở các pho tượng, câu đối, hộp, kiệu võng, án thư… trong những di tích cổ hoặc bảo tàng ở Việt Nam; Sơn mài đắp nổi - đây là loại nổi tiếng và độc đáo nhất. Theo đó, các chi tiết đắp nổi được làm bằng hỗn hợp trộn giữa bột đá non, tro mo cau và giấy tinh giã nhuyễn. Loại sơn mài này thường thấy trong nội phủ, hoàng cung với nhiều chi tiết hoa văn vô cùng phong phú, bắt mắt như rồng, phụng, tứ linh…
Nghề sơn mài của Việt Nam, trong mấy chục năm vừa qua, đã được thế giới biết đến với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tác phẩm hội họa nổi tiếng. Giới chuyên gia cho rằng, nét đẹp của sơn mài mang một sức truyền cảm mạnh mẽ của một truyền thống văn hóa cổ xưa in đậm nét trong tâm thức của người Việt.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và hội họa sơn mài là những sản phẩm, tác phẩm độc đáo bởi chất liệu sơn ta và quy trình chế tác, nghệ thuật sáng tạo, cần được xây dựng trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nếu các làng nghề với những nghệ nhân tài hoa làm ra những sản phẩm sơn mài bắt mắt đáp ứng nhu cầu trang trí và được nhiều du khách thế giới yêu thích thì các họa sĩ Việt Nam cũng đã để lại dấu ấn của mình thông qua các tác phẩm được sáng tác bằng chất liệu sơn mài.
Những bức tranh nổi tiếng nhất của nhiều danh họa Việt Nam đều khai thác chất liệu sơn mài truyền thống. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, vỏ trứng, ốc, cật tre... vẽ trên nền vóc màu đen…
Lịch sử mỹ thuật Việt Nam ghi nhận, khoảng năm 1930 các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí… đã phối hợp với nghệ nhân Đinh Văn Thành tiến hành thử nghiệm, đưa kỹ thuật sơn son thếp vàng vào làm tranh nghệ thuật. Thuật ngữ “sơn mài” và “tranh sơn mài” có từ đó.
Đến nay, những tác phẩm đỉnh cao, làm nên tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Gia Trí như “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Thiếu nữ bên hoa phù dung”, “Bên đầm sen”, “Trong vườn” (8 tấm), “Cảnh nông thôn”…; và của họa sĩ Phạm Hậu như “Chùa Thầy”, “Dân làng”, “Phong cảnh trung du Bắc Bộ” chính là những tác phẩm được sáng tác bằng chất liệu sơn mài. Tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí còn được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Sau đó, qua sự khai thác và sáng tạo của nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam, tranh sơn mài Việt Nam đã có chỗ đứng. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cũng có nhiều tác phẩm thành công với chất liệu sơn mài truyền thống. Đến nay, chất liệu sơn mài được đánh giá đã góp phần tạo nên sự độc đáo của mỹ thuật Việt Nam.
Hành trình tới thương hiệu quốc gia
Để vinh danh nghệ thuật sơn mài, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 4345 phê duyệt Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia Nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030.
Đề án được xây dựng gồm các nội dung: Xây dựng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện; ban hành quy trình chế tác, tiêu chuẩn nguyên vật liệu, tiêu chí của nghệ thuật sơn mài Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài; tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam.
Có nhiều hạng mục cần chuẩn hóa được đưa ra ở mục “Tiêu chuẩn về nguyên liệu làm sản phẩm sơn mài” trong đề án. Chẳng hạn, các nguyên liệu như sơn vẽ (sơn chín), sơn tổng hợp (với đồ thủ công mỹ nghệ), các màu tự nhiên chiết xuất từ thần sa, chu sa, bột màu vẽ sơn mài… đều có tên trong danh sách nguyên liệu cần xây dựng tiêu chuẩn này. Vàng quỳ, bạc quỳ, vóc (cốt), dụng cụ vẽ cũng thuộc danh sách trên.
Cũng theo đề án, từ năm 2020 - 2030 sẽ có rất nhiều hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài: Triển lãm, work shop, hội thảo, tọa đàm, trình diễn, tour du lịch khám phá, trải nghiệm, thực hành sáng tạo nghề sơn mài truyền thống Việt Nam, các hội chợ tranh và sản phẩm sơn mài Việt Nam.
Ngoài ra, còn có xuất bản sách, dựng phim tài liệu, làm video clip, thiết kế, sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm quà tặng lưu niệm từ sơn mài Việt Nam, tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam 2 năm/lần…
Nhằm triển khai thực hiện Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2030, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) tổ chức cuộc thi thiết kế logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”.
Cuộc thi sẽ chọn mẫu logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện để sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, góp phần phát triển thị trường văn hóa, chấn hưng và khẳng định giá trị của sơn mài Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam trở thành sản phẩm văn hóa, nghệ thuật góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa.
Khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Tác phẩm dự thi logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” (đến hết ngày 30/9/2021) cần thể hiện được nét đặc trưng riêng, tính sáng tạo, phù hợp với mục tiêu quảng bá thương hiệu quốc gia của ngành mỹ thuật ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó cần thể hiện tính duy nhất, biểu tượng cao, cô đọng, sáng tạo, không trùng lặp với bất cứ sản phẩm nào khác. Màu sắc không quá 4 màu, phù hợp để in ấn, chạm khắc… trên các chất liệu.