Những năm tháng ấy của tôi

GD&TĐ - Trong mắt chúng tôi, cô luôn là một người khó hiểu. Cô lúc nào cũng thơ mộng lắm, hễ thấy loa phát thanh trường có nhạc là cô lại đu đưa theo, có khi còn xoay vòng khẽ nhảy múa, lũ chúng tôi chỉ biết phì cười, rồi cô đùa bảo đáng ra trước đây cô phải là vũ công rồi cơ nhưng dòng đời lại xô đẩy cô vào đây với chúng tôi.

Những năm tháng ấy của tôi

Nhưng không sao, cô thích thế vì cô ngưỡng mộ cái tuổi 17 của chúng tôi, lúc nào cũng ngu ngơ ngốc nghếch, chẳng biết chùn bước trước điều gì. Nhưng, sao tôi chẳng thấy cái tuổi này có gì đáng để ngưỡng mộ cả, lúc nào cũng phải chăm chăm cầm quyển vở trên tay, sợ hễ bỏ ra là sẽ trượt đại học mất. Cái tuổi ẩm ương chưa lớn hẳn, khẽ vì chuyện cỏn con là lại giận dỗi nhau.

Cái tuổi chỉ biết ích kỉ vì bản thân, cái tôi còn quan trọng hơn cả những mối quan hệ quý giá, cái tuổi dại khờ cứ đâm đầu vào những chuyện dở hơi chẳng có kết quả. Thế mà cô lại bảo, cái chuyện dở hơi mà chúng tôi bất chấp đâm đầu vào đấy lại chính là những ước mơ mà chúng tôi cần trân trọng. Và trong những ngày tháng bấp bênh chẳng biết đời mình sẽ trôi dạt về đâu ấy, chúng tôi đã gặp được cô, quả là một điều may mắn hay cũng là một đặc ân.

Tôi và Thanh Thanh là những học sinh chẳng mấy nổi bật trong lớp. Chúng tôi chỉ có duy nhất một sở thích, truyện tranh. Tôi thích quan sát và nghĩ ngợi vẩn vơ. Còn Thanh Thanh, nó thích biến những suy nghĩ của tôi thành các trang vẽ. Có lẽ đấy chính là lí do mà chúng

tôi chơi thân được với nhau. Tôi nghĩ tuổi trẻ như vậy, thật tốt. Thế mà, bố mẹ hay người thân, chẳng ai động viên chúng tôi lấy một câu, đơn giản vì vẽ vời đối với mấy đứa trẻ chẳng bao giờ là chuyện có thể đi được đến đâu cả. Nhưng đó là trước khi chúng tôi gặp được cô. Chỉ có cô mới hiểu, chúng tôi vẽ không phải chỉ vì thích thú nhất thời, chúng tôi vẽ vì ước mơ.

Cô nói rất nhiều mà lại nói đúng những thứ chúng tôi muốn nghe nên chúng tôi nghe ngay. Vậy là Thanh Thanh quyết định gửi bản thảo truyện tranh của chúng tôi tới các nhà xuất bản. Lúc ấy, cô vui lắm, cô còn vui hơn cả chúng tôi nữa vì chúng tôi có cái dũng cảm mà đầy người không dám có. Thế nhưng, cuộc đời chẳng màu hồng như những đứa trẻ ngây dại chúng tôi vẫn tưởng.

Mấy ngày sau, tôi nhận được hồi âm từ một nhà xuất bản, đó không chỉ là một lời khen mà còn là một lời từ chối. Họ nói sản phẩm của chúng tôi rất có tiềm năng nhưng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để được công nhận. Vẫn nghĩ không còn cơ hội này thì vẫn có cơ hội khác, nhưng những câu trả lời chúng tôi nhận được đều là không. Điều này khiến Thanh Thanh bắt đầu suy sụp và không còn thích vẽ vời như trước nữa, còn tôi thì bắt đầu có những suy nghĩ vẩn vơ tiêu cực.

Thế là từ đấy, Thanh Thanh chẳng buồn vẽ vời gì nữa, vì nó buồn và tôi cũng buồn. Đôi khi đam mê và dũng cảm chẳng mang lại kết cục như ta vẫn mong muốn. Ngày 20/11 đến, lớp chúng tôi phải chuẩn bị một tờ báo tường. Và thật không may là Thanh Thanh nó chẳng muốn vẽ vời gì cả. Sau những nỗ lực thuyết phục Thanh Thanh không thành, cô quyết định vào cuộc. Cô đưa chúng tôi tới nhà của cô, một nơi thoáng mát và nhiều cây xanh. Tôi quan sát hết xung quanh một lượt, không phải soi mói hay gì đâu, chỉ là quan sát kĩ quá chút thôi.

Và từ bên trong cánh cửa tủ kính, tôi phát hiện ra một bức ảnh, nó cũ kĩ nhưng được đóng khung rất cẩn thận (chắc vì chủ nhân phải trân trọng nó lắm). Trong bức hình là một cô gái trẻ, cười rất tươi. Trên tay cô là một tấm bằng khen “Giải Nhất cuộc thi bước nhảy thiếu niên”. Tôi lại tiếp tục quan sát kĩ thêm chút nữa, cô gái này thật giống với cô giáo của tôi. Vậy là sau khi lục lọi hết những suy nghĩ trong đầu, tôi bắt đầu sửng sốt. Cô giáo của chúng tôi chưa từng nói đùa, cô nói đáng ra trước đây cô từng làm vũ công là sự thật. Như vậy, điều gì đã đưa đẩy cô vào đâu làm giáo viên của chúng tôi?

- Là do một tai nạn - Cô nói.

Câu nói này còn khiến tôi sửng sốt hơn cái sửng sốt ban nãy, khi biết cô từng là vũ công. Vậy là hóa ra, cô hay đu đưa theo nhạc vì nó làm cô nhớ đến ngày xưa, cô hay đau chân khi chuyển mùa cũng là do di chứng tai nạn. Vậy là, cuộc đời và tuổi trẻ của cô còn tối tăm và xám xịt hơn chúng tôi nhiều. Tôi và Thanh Thanh lại nhìn nhau.

Chúng tôi bắt đầu cảm thấy buồn tủi, buồn cho cô hay cũng buồn cho chúng tôi bây giờ. Rồi từ buồn, cảm xúc ấy bắt đầu chuyển qua cảm thông, rồi tiếp tục đến xót xa và cuối cùng dừng lại ở xấu hổ. Thật đáng xấu hổ, mới chỉ bị một vết xước nho nhỏ do bị ngã trên con đường ước mơ thôi mà chúng tôi đã chùn bước.

Theo thói quen, tôi chăm chú quan sát gương mặt cô. Cô không hề khóc, mặt cũng không hề vương một nét buồn tủi nào. Cô nói, sau tai nạn, cô đã mất đi rất nhiều thứ, tổn thất lớn nhất là không còn có thể nhảy múa trên đôi chân của mình được nữa. Ông trời cướp đi cái gì thì sẽ bù đắp cho mình thứ khác, có thể sẽ không tốt bằng, nhưng nó khiến mình phải học cách chấp nhận. Ông trời, không cho cô cái quyền được theo đuổi ước mơ của mình nhưng lại ban cho cô sứ mệnh để hoàn thành ước mơ của người khác, có lẽ đó cũng chính là sứ mệnh của những người lái đò. Và chúng tôi là một trong những người may mắn được hưởng cái quyền lợi ấy.

Cô lặng lẽ rút một tập thư ra và đưa cho chúng tôi, đó là một lời khen từ trường đại học nghệ thuật. Cô đã bí mật mang sản phẩm của chúng tôi đi tham gia cuộc thi của trường và dù chỉ đạt một giải nhỏ thôi nhưng cũng giúp chúng tôi được cộng điểm thưởng nếu thi tuyển vào trường đại học này. Vậy là cảm hứng vẽ vời của Thanh Thanh và những suy nghĩ tích cực của tôi đã quay trở lại.

Năm ấy, báo tường lớp tôi đạt giải Nhất và 3 năm sau đó, chúng tôi tự hào được xuất bản cuốn truyện tranh đầu tiên của mình, tự hào được kí tặng những fan hâm mộ đầu tiên. Và người đã mang lại những điều tốt đẹp nhất cho tuổi trẻ của chúng tôi những năm ấy chính là cô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.