Quả xoài tượng tặng cô

GD&TĐ - Đối với những ai đang bước qua cái tuổi trung niên như tôi, cái tuổi sâu sắc nhất cuộc đời, thì người ta hay hoài niệm về kí ức cuộc đời mình… Thoảng đưa hương hoa xoài trong khí trời hơi se lạnh của những ngày cuối tháng 11 âm lịch.

Quả xoài tượng tặng cô

(Kính tặng cô Trần Thị Mỹ - GVCN lớp nhì niên khóa 1973 - 1974)

Bên khung cửa sổ, gió khẽ đung đưa, vang vọng âm thanh trầm ấm của chiếc chuông gió gỗ… lộp cộp… bất chợt tôi nhớ về cô - Cô Trần Thị Mỹ - và kí ức trong tôi bỗng ùa về trong trí nhớ….

Năm 1973, tôi là một cậu học sinh lớp nhì (lớp 4 hiện nay) của Trường Tiểu học tư thục Tin Lành ở quận lỵ Cần Đước, tỉnh Long An. Thuở ấy, tôi là một đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên cùng lũ trẻ chung xóm ngày ngày cắp sách đến trường, tuổi thơ tôi êm đềm trôi qua như một dòng sông. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng tôi vẫn lớn lên trong sự yêu thương và chăm sóc của ba má. Rồi, từ giã vùng quê nghèo, tôi vào trường sư phạm. Khát khao thoát khỏi cái nghèo, mang con chữ đến với đàn em, mong mỏi một tương lai xán lạn hơn đã thôi thúc tôi cố gắng thật nhiều. Bây giờ tôi đã là giáo viên của một trường trung học phổ thông, có lẽ cái nghiệp nó đã ăn sâu vào tâm trí tôi nên lúc nào tôi cũng nặng tình với những thầy cô giáo cũ và niên khóa 1973 - 1974 là niên khóa mà tôi luôn nhớ mãi!

Ngày đó, tôi là một học sinh cần mẫn chăm ngoan nhưng học lực chỉ vào loại trung bình; cô giáo chủ nhiệm của tôi là người rất nghiêm khắc nhưng thật trìu mến. Người mà tôi đang nhắc đến là cô Trần Thị Mỹ.

Tôi còn nhớ như in, buổi học ngày hôm ấy, một buổi học bình thường như bao buổi học khác. Chúng tôi vẫn đến trường, vẫn vô tư ríu rít như đàn chim sẻ nơi cây còng trước sân. Tiếng trống trường đã điểm, đám con gái thu dọn đống đá nhỏ trên nền sân đất, bỏ lại chỏng chơ bàn cờ ô quan rồi nhanh chóng vào lớp. Đám con trai chúng tôi còn chạy ù ù ngoài sân, đánh đấm thêm vài cái nữa mới dùng dằng vào sau.

Dư âm trò chơi con nít vẫn còn vương vấn, cả lớp vẫn xôn xao, nhì nhằng vì trò chơi bị cắt đứt vì tiếng trống trường. Một lúc sau, tiếng ồn ào bỗng nhiên im bặt vì chúng tôi chợt nhớ ra, cô chưa đến lớp. Nhưng cũng không được bao lâu, âm thanh ồn ã lại bắt đầu. Mười lăm phút, ba mươi phút, rồi một tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn chưa thấy dáng cô, một số đứa tỏ ra lo lắng, cái lo lắng hiện lên trên gương mặt ngây thơ trông đáng yêu đến tội, nhiều đứa con trai tinh nghịch thì lại mừng rỡ hẳn lên, tôi nghe trong số đó có tiếng xì xào to nhỏ: “Hên quá, cô bệnh rồi tụi bây ơi!”.

Rồi lát sau, thầy giám học đến lớp thông báo: “Hôm nay cô Mỹ bị bệnh không đến lớp được, các trò giữ trật tự nhé!”. Cả lớp la hét vui mừng vì được nghỉ, tiếng vỗ tay, tiếng đập bàn vang lên như tiếng pháo nổ. Những giây phút ồn ào nhanh chóng trôi qua, không khí im lặng bỗng bao trùm cả lớp. Vài đứa con gái “mít ướt” đã bắt đầu thút thít vì sợ không ai dạy chúng nó nữa. Một ý kiến lóe lên trong đầu thằng Quang lớp trưởng, nó đứng lên la to: “Chúng mình đi thăm cô đi!”. Ý kiến nhanh chóng được tán thành.

Nhà trọ của cô cách trường vài trăm mét, ngôi nhà vách lá đơn sơ và thật trống trải. Những cơn gió mang theo hơi lạnh đầu đông nhẹ luồn vào nhà, len lỏi đến bên cạnh giường cô. Cô nằm đó, phủ kín chăn từ cổ đến chân, thỉnh thoảng lại run bật lên vì căn bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Nghe có tiếng động, cô cố gắng ngẩng đầu lên. Nhìn thấy học trò của mình đến, cô bật dậy như một liều thuốc kỳ diệu nào đó. Cô tỉnh hẳn.

Thằng Quang như giấu giếm một thứ gì đó sau lưng, nó tiến lại gần chỗ cô Mỹ và rụt rè nói: “Cả lớp biếu cô một quả xoài tượng để cô bồi dưỡng”. Tôi thầm nghĩ: “Bệnh mà ăn xoài à?” nhưng trong lòng cũng cảm thấy phục nó sát đất vì không biết nó tìm đâu ra quả xoài trong khi đi với chúng tôi đến nhà cô? Cô cười dịu dàng và nói: “Cảm ơn các em đã đến thăm cô, cùng chia sẻ với cô cơn bệnh này, cô hết bệnh ngay”. Một vài tiếng nói của đứa con gái nào đó vang lên: “Cô đừng bỏ tụi em nha cô!”, “khi nào cô đi dạy lại cô?”. Cô khẽ gật đầu và đáp: “Ngày mai cô sẽ đi dạy lại”. Cả lớp không ai bảo ai, đồng loạt vỗ tay vui mừng. Những gương mặt trẻ thơ bỗng tươi tỉnh hẳn lên. Những tia nắng ngoài sân cũng dịu dàng hắt qua song cửa sổ - nơi những hoa xoài cuối vụ còn sót lại, nhẹ nhàng đưa hương theo gió ngày đông…

Chỉ những câu nói đơn sơ mà sao thắm thiết quá! Giờ đây tôi vẫn da diết nhớ hoài hình bóng cô. Mỗi năm nhìn thấy hoa xoài nở rộ, hương xoài phảng phất mùi thơm trong

luồng gió tết, tôi lại nao nao nhớ lại vị xoài của Quang và vị muối ớt mặn nồng mà cô mang ra cùng chúng tôi chia nhau món quà biếu cô “để cô bồi dưỡng”. Mấy mươi năm nay trôi qua tôi chưa một lần gặp lại cô Mỹ, lòng se thắt lại khi nhớ về những kỷ niệm ngày xưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ