Bắp bò ngâm mắm chống ngán ngày Tết
Nguyên liệu:
- 1kg bắp bò, chọn phần bắp hoa hoặc lõi rùa nhiều gân sẽ ngon hơn (bắp bò lọc hết phần mỡ bám quanh)
- Nước mắm ngon
- Dấm gạo
- Đường trắng
- Nước lọc
- Một ít hoa hồi, thảo quả, quế, gừng, tỏi, ớt chỉ thiên
- Ngoài ra bạn cần chuẩn bị một lọ ngâm bằng thủy tinh, khổ vừa miếng bắp bò chứ đừng quá to sẽ tốn nước mắm mà không ngập được mặt thịt khi ngâm
Thực hiện:
Bước 1: Đong nước mắm, đường, dấm, nước lọc theo tỷ lệ: 2:2:1: ½. Tức là 2 thìa nước mắm, 2 thìa đường, 1 thìa dấm gạo và ½ thìa nước lọc cho vào nồi để đun. Lượng mắm pha nhiều hay ít sẽ phù hợp với thể tích lọ và lượng bò ngâm.
- Vị mặn nhạt của mỗi loại nước mắm có khác nhau nên khi pha hỗn hợp này bạn có thể điều chỉnh chút xíu sao cho vừa miệng. Dùng một nửa số tỏi và ớt bạn chuẩn bị, tỏi= thái lát, ớt đập hơi dập để đun cùng với mắm, một nửa còn lại để nguyên để cho vào khi ngâm.
- Khi đun hỗn hợp mắm bạn để ý lửa vì mắm sôi rất dễ trào. Mắm sau khi sôi, đường tan hết bạn tắt bếp và để cho mắm thật nguội rồi mới tiến hành dùng để ngâm bắp bò.
Bước 2: Cho bắp bò đã làm sạch vào nồi, thả vào nồi một miếng gừng bằng đốt ngón tay cái đập dập, 2-3 nhánh hoa hồi và thảo quả đập dập, miếng quế và một xíu muối tinh và đổ nước ngập mặt thịt để luộc.
Bước 3: Luộc bắp bò nhanh hay chậm tùy thuộc vào độ dày của miếng bắp bò nhưng luộc khoảng 30 phút bạn dùng đũa sâm vào miếng thịt bò không thấy chảy ra nước hồng tức là bò đã chín, không cần luộc bò nhừ. Cho bắp bò thả vào bát đá lạnh để bắp bò nguội mà không bị thâm phía ngoài.
Bước 4: Bắp bò và mắm phải thật nguội bạn mới tiến hành cho vào lọ để ngâm. Lọ phải tráng sạch bằng nước sôi để ráo. Sau đó cho bò vào lọ, đổ hỗn hợp mắm pha cho ngập mặt chỗ bắp bò, thả nốt phần tỏi và ớt tươi bạn chuẩn bị vào lọ. Nếu bò nổi lên trên bạn dùng que tre để ấn giữ hoặc dùng đĩa sứ, miếng nam tre chèn lên trên, bò ngập trong mắm mới không bị hỏng.
Bước 5: Đậy kín lọ và ngâm bò từ 5-7 ngày là có thể dùng được. Khi dùng bạn dùng dao sắc và thái bò thành những lát thật mỏng. Lựa phần bắp nhiều gân sẽ làm cho những lát bò khi ăn vừa có độ dai mà lại thấm vị mặn ngọt rất thú vị.
Với cách làm bắp bò ngâm mắm này, đảm bảo bạn sẽ có một món ăn ngon đãi khách. Trong những ngày Tết bạn có thể đem ra ăn kèm khi uống bia, rượu đãi khách.
Ba chỉ cuộn rau củ
Khi đã ngấy với các món chiên xào nhiều dầu mỡ, bạn có thể thực hiện món ba chỉ cuộn rau củ vô cùng đơn giản nhưng ngon miệng.
-Thịt ba chỉ luộc chín, cắt lát mỏng.
- Cà rốt, su hào luộc chín, cắt sợi; dưa leo cắt thanh dài, hành lá trụng nước sôi cho mềm.
- Quấn miếng thịt ba chỉ quanh cà rốt, su hào, dưa leo, sau đó dùng cọng hành buộc chặt lại.
Bạn đã có một món ăn hấp dẫn cả về màu sắc lẫn mùi vị. Chấm cuốn thịt với nước mắm chua ngọt pha sệt, vị béo của thịt ba chỉ hòa lẫn vị ngọt mát của rau củ sẽ khiến bạn cảm nhận ngay hương vị độc đáo của món ăn này.
Thịt đông đúng vị ngày Tết
Món thịt đông là một lựa chọn không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết.
Để làm món thịt đông ngày Tết bạn cần chuẩn bị nguyên liệu:
- 500g thịt chân giò
- 100g da lợn
- 100–200g phi-lê thịt gà
- 300g chân gà
- 10 tai nấm đông cô loại nhỏ
- 10g mộc nhĩ
- 1 củ cà-rốt
- 1 chút tiêu, muối, nước mắm.
Sau khi đã có nguyên liệu các bạn cần chế biến theo các bước sau:
- Thịt chân giò, gà phi-lê, da lợn rửa sạch, xắt miếng vừa ăn. Ướp chung với 1 muỗng cà-phê tiêu, 1 muỗng cà- phê muối, 1 muỗng súp nước mắm, một ít tiêu sọ (nếu thích). Để 30 phút cho thịt thấm đều gia vị.
- Cho hỗn hợp trên vào nồi, thêm chút dầu ăn và xào trên lửa lớn cho thịt săn và thơm. Cho nước vào nồi với tỷ lệ nửa kg thịt giò lợn/1,5l nước.
- Thêm chân gà vào nồi để tạo độ đông cho món ăn. Khi nước sôi, để lửa liu riu và thường xuyên hớt bọt để món ăn được trong.
- Khi dùng đũa xăm, nếu thấy chân giò mềm thì cho cà-rốt, nấm đông cô và mộc nhĩ vào nồi. Đun thêm 15 phút thì tắt bếp.
- Vớt chân gà và thịt gà ra.
- Múc hỗn hợp và nước dùng ra tô, trang trí với thịt gà thái sợi.
- Chờ món ăn thật nguội bạn hãy cất vào tủ lạnh qua đêm là dùng được.