Nhu cầu, thói quen khó bỏ
Với một số người, thịt chó, mèo được coi như là món khoái khẩu. Thậm chí, ở một số địa phương, thịt chó, mèo trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu mỗi dịp lễ, hội. Bởi thế, hiện nay việc kinh doanh, buôn bán thịt chó, mèo vẫn là một thị trượng sôi động.
Anh Nguyễn Trung Dũng (Đống Đa – Hà Nội), một thực khách trung thành của món thịt chó, cho biết: Hầu như tháng nào tôi cũng ăn thịt chó. Thịt chó với tôi vừa ngon, vừa bổ thì tại sao lại khuyến cáo người dân không ăn?
“Tôi nghĩ, ăn thịt chó, mèo cũng như ăn thịt bò, trâu, lợn, gà... chứ có gì khác? Việc ăn uống là do nhu cầu và thói quen của mỗi người, mỗi vùng khác nhau. Đôi khi nó trở thành một phong túc, tập quán, nét văn hóa chứ không thể nói ăn thịt chó, mèo là không hay, không nên. Vậy những nước theo đạo Hồi họ không ăn thịt lợn, người Ấn Độ theo đạo Hindu không ăn thịt bò... mình cũng cấm người dân không được ăn thịt lợn, thịt bò vì họ đến thăm và làm việc tại nước mình sao?” - anh Dũng chia sẻ.
Chung quan điểm với anh Nguyễn Trung Dũng, chị Phan Hà Thu, chủ một cửa hàng kinh doanh, buôn bán thịt chó tại Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Đã bao năm nay tôi làm nghề buôn bán thịt chó, việc kinh doanh buôn bán của tôi cũng phát đạt nhờ hàng ngày có một lượng khách hàng tương đối ổn định. Nay tôi được tin Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn thịt chó, mèo, đồng nghĩa với việc những chủ cửa hàng kinh doanh thịt chó như tôi phải đóng cửa, việc này khiến tôi suy nghĩ nhiều đến chuyển đổi ngành nghề buôn bán”.
Chị Thu cho rằng, kinh doanh buôn bán thịt chó, mèo cũng như buôn bán thịt trâu, bò, lợn, gà... Con vật nào khi đem ra chợ bán cũng cần phải giết mổ. Vì vậy, không thể nói: “...Gây hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại" để hướng tới việc hạn chế mặt hàng này.
"Chỉ khi nào người dân "Tẩy chay” thịt chó, mèo thì khi đó chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm chỉnh, không kinh doanh, buôn bán thịt chó, mèo nữa. Còn không, khi người dân vẫn coi thịt chó, mèo là món ăn khoái khẩu nếu không mua được ở Hà Nội, họ sẽ về Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Binh... để thưởng thức - chị Thu nêu quan điểm.
Bài toán thay đổi nhận thức
Một bạn có tên Thắng Nguyễn tâm sự trên Facebook rằng: “Mấy hôm nay đọc nhiều bài viết, bình luận liên quan đến “Cây còn”. Theo trào lưu, mình cũng nhặt nhạnh thêm vài ý. Có câu “Khuyển thủ dạ, kê tư thần”, nghĩa là con chó thức đêm canh cho con người, con gà gáy sáng báo thức, thì con người mới sớm khuya an giấc. 2 con vật này quá thân thiết với con người. Cớ sao lại thịt chúng?
Vì vậy, sau trào lưu không ăn thịt chó, báo chí và những người yêu chó phải mở đợt tuyên truyền phản đối việc ăn thịt gà. Không được nhất bên trọng, nhất bên khinh”.
- Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại thành phố Hà Nội có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo (15 cơ sở kinh doanh chó, mèo cảnh). Riêng các quận nội thành có 232 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo, 5 cơ sở kinh doanh chó mèo cảnh; Có khoảng 500.000 con chó, mèo, trong đó trên 87% nuôi với mục đích giữ nhà, còn lại nuôi làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm.
Thật ra, cách đây vài năm tôi vẫn ăn thịt chó mỗi khi bạn bè rủ vào những ngày cuối tháng hay những ngày trời mưa. Nhưng nay, khi tự mình nhận thấy không thích ăn thịt chó nữa vì trong nhà cũng nuôi “chó cưng”. Vậy nên, theo tôi nghĩ, chính quyền và cộng đồng nên có cách tuyên truyền tốt, làm sao đánh trúng tâm lý, nhận thức về con chó là “thú cưng”, tự khắc mọi người sẽ xa lánh món “khoái khẩu” này, anh Thắng Nguyễn tâm sự.
TS Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng chia sẻ: “Việc Hà Nội khuyến cáo người dân không nên ăn thịt chó, mèo nhìn ở góc độ văn hóa tôi ủng hộ. Tuy nhiên, không thể thực hiện được ngay trong một sớm, một chiều mà phải có thời gian.
Việc ăn thịt chó, mèo đã trở thành thói quen khó bỏ của không ít người Việt Nam như thế hệ chúng tôi. Hơn nữa, đây cũng là một món ăn ngon, món ăn “khoái khẩu” của nhiều người... Cho nên, muốn người dân thực hiện được điều này trước hết chúng ta phải có biện pháp tuyên truyền tích cực nhất là với lớp trẻ, làm sao giúp họ nhận thức ngay từ đầu rằng, chó, mèo là con vật nuôi, là “thú cưng” gần gũi với con người, không nên ăn thịt chúng... Như vậy, phải mất một khoảng thời gian khá dài để thay đổi nhận thức cho mọi người.
Tuy nhiên, một điều nữa cũng khiến tôi suy nghĩ: Khi người dân không ăn thịt chó, méo nữa, số lượng chó, mèo sẽ ngày càng nhiều hơn, khi chúng già rồi chết đi, vậy chúng ta chôn cất chúng ở đâu? Tính đến xây nghĩa trang cho chó, mèo là một bài toán khó.
Trong khi, ở một số nước phương Tây, chó được coi là con thú cưng, khi chúng chết người ta thường đem đi chôn. Ở đó, người ta có hẳn “nghĩa trang để chôn cất chó, mèo”.