Cấm ăn thịt chó có được không?

GD&TĐ - Dư luận đang bàn tán khá sôi nổi về việc TP Hà Nội có văn bản khuyến cáo người dân không ăn thịt chó, mèo nhằm hạn chế lây lan bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô trong mắt người nước ngoài... Nhiều người cho rằng mục tiêu, ý định cuối cùng của TP Hà Nội hướng đến là cấm hoàn toàn người dân ăn thịt chó!  

Thịt cầy vẫn được không ít người xem là “quốc hồn, quốc túy”
Thịt cầy vẫn được không ít người xem là “quốc hồn, quốc túy”

Dưới góc độ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc có nên cấm hoàn toàn việc ăn thịt chó hay không? Trước hết, có thể nói trong thời điểm hiện nay, việc cấm người dân ăn thịt chó, mèo là rất khó khả thi, khó triển khai hiệu quả trên thực tế.

Bởi lẽ, thói quen ăn thịt chó đã tồn tại từ xa xưa đối với người dân Việt Nam, phổ biến nhất là ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Ngoài ra, thịt chó cũng là thực phẩm có chất dinh dưỡng cao nên cấm ăn thịt chó thì người dân mất đi một nguồn thực phẩm vừa ngon, bổ và giá cả phải chăng. Đặc biệt đối với một số người thì thịt chó món khoái khẩu đã trở thành thói quen, nét ẩm thực.

Vì vậy, nếu ban hành quy định cấm ăn thịt chó hoàn toàn, cứng nhắc thì không ít người sẽ phản đối, không dễ dàng được người dân chấp nhận và rất khó khả thi. Trường hợp cấm kinh doanh, giết mổ thì người dân cũng sẽ tự làm thịt để ăn, cũng rất khó ngăn cản, xử lý.

Chúng ta hãy thử nhìn lại một số quy định cấm thời gian qua như: Cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm xả rác bừa bãi, cấm quảng cáo, vẽ bậy... tất cả đều không đi vào thực tế cuộc sống, không được thi hành nghiêm túc trên thực tế. Thậm chí, một số quy định mới chỉ là ý tưởng, đề xuất như cấm bán rượu cho trẻ em, cấm uống rượu sau 22 giờ... đã có nhiều ý kiến trái chiều, phản đối. Một số quy định cấm chỉ tồn tại trên giấy, không khả thi còn trở thành đề tài trào phúng, pha trò cho dân gian vì không khả thi, chưa phù hợp với thực tế xã hội!

Do đó, thay vì ban hành quy định cấm ăn thịt chó nên tăng cường sử dụng biện pháp tuyên truyền về tác hại của việc ăn thịt chó và vận động người dân hạn chế, tiến tới không ăn thịt chó. Bên cạnh đó, cần có biện pháp xử lý triệt để tình trạng chó thả rông, tổ chức tiêm phòng để phòng ngừa dịch bệnh cũng như kiểm tra chặt chẽ quy trình giết mổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Các quy định cấm đi ngược lại thói quen, nếp sống đã hình thành lâu đời của người dân cần được cân nhắc thận trọng, chặt chẽ. Bởi lẽ, việc cấm người dân ăn thịt chó là có thể trở thành hình thức và chỉ gây thêm phản ứng, ức chế mà không giải quyết được vấn đề cơ bản là phòng ngừa dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ