Hộp kín online
Mô hình “Hộp kín online” là sáng tạo của Trường ĐH Kinh tế TP HCM. Trường đã thành lập chuyên mục “Hộp kín online” trên website. Sinh viên có những vấn đề về tâm lý, sức khỏe sinh sản cần chia sẻ, trao đổi hoặc tư vấn thì gửi câu hỏi vào hộp thư điện tử.
Thành viên điều hành chuyên mục là cán bộ làm công tác quản lý sinh viên của trường sẽ các câu hỏi được gửi đến. Với những vấn đề chuyên môn, nhà trường phối hợp với đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên ngành để trả lời cho sinh viên.
“Hộp kín online” đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhiều sinh viên trong trường khi phải đối mặt với những sức ép từ việc học tập và cuộc sống.
Đây cũng là công cụ quản lý sinh viên hữu hiệu trong việc kịp thời nắm bắt những diễn biến tình cảm, biểu hiện tâm sinh lý cần có sự can thiệp sớm từ phía nhà trường, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục và rèn luyện sinh viên
Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản cho học sinh sinh viên
Mô hình “Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản cho học sinh sinh viên” được thành lập bởi Trường ĐH Y dược TP HCM. Mục đích của Trung tâm nhằm tư vấn cho toàn thể học sinh, sinh viên trên địa bàn TP HCM bằng nhiều hình thức: Tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, email hoặc thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề.
Trung tâm do các sinh viên y khoa trực tiếp tham gia, đã trở thành môi trường thực hành chuyên môn và rèn luyện y đức cho các thầy thuốc tương lai ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học.
Đây là mô hình thực hành kỹ năng có sức lan tỏa rộng lớn, đồng thời cũng là mô hình đặc thù tiêu biểu trong việc thực hiện triết lý giáo dục, rèn luyện chuẩn mực đạo đức “Hai người thầy” - thầy giáo, thầy thuốc cho cả giáo viên và sinh viên ngành y trong môi trường sư phạm.
Mô hình phối hợp giữa nhà trường - xã hội
Mô hình phối hợp giữa nhà trường - xã hội trong quản lý sinh viên ngoại trú tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An) phát huy hiệu quả rất tích cực.
Với mô hình này, Trường ĐH Vinh đã thực hiện 4 nguyên tắc trong công tác phối hợp nhà trường – xã hội quản lý sinh viên ngoại trú, đó là:
Thường xuyên duy trì tổ chức hội nghị liên tịch giữa nhà trường và địa phương; Lập danh sách và thường xuyên cập nhật thông tin về sinh viên ngoại trú; Phối hợp với tổ dân phố, công an phường thành lập đường dây nóng;
Xây dựng đội ngũ nòng cốt là nhóm trưởng của nhóm sinh viên ngoại trú, có nhiệm vụ phối hợp kiểm tra sinh viên ngoại trú thường xuyên và định kỳ, thu thập phiếu trắc nghiệm, tố giác của sinh viên, có quyền thông tin cho cha mẹ sinh viên, là đầu mối cung cấp nhận xét của Ban quản lý ký túc xá.
Nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy chế quản lý sinh viên ngoại trú; thành lập các tổ sinh viên tự quản tại các khối dân cư do khối trưởng chỉ đạo chung, mối khối dân cư có 1 tổ sinh viên tự quản khoảng 10 – 15 sinh viên và 1 sinh viên làm nhóm trưởng.
Định kỳ hàng tháng, khối tổ chức họp các tổ trưởng tổ sinh viên tự quản 1 lần và nhà trường cử cán bộ đến từng khối để nắm tình hình sinh viên.
Mỗi học kỳ, nhà trường chủ trì tổ chức hội nghị giao ban giữa các khối phố, tổ chức nhận xét học sinh, sinh viên ngoại trú và đưa vào tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên.
Sau mỗi năm học, tổ chức hội nghị tổng kết về công tác quản lý sinh viên ngoại trú giữa nhà trường với công an, UBND các phường, xã, khối trưởng các khối dân cư.
Mô hình này đã phát huy tác dụng tích cực trong quản lý sinh viên thông qua việc phát huy vai trò tự quản của sinh viên, vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố, chính quyền và công an địa phương phối hợp cùng nhà trường và gia đình. Đây là mô hình cần được nghiên cứu, nhân rộng trong các trường đại học, cao đẳng.
Chương trình phát triển cá nhân
Trường ĐH FPT là trường duy nhất trong các trường được khảo sát đã hình thành riêng một chương trình độc lập để rèn luyện sinh viên một cách toàn diện theo nghĩa phát triển cá nhân cả về thể chất và tinh thần.
Chương trình phát triển cá nhân là một sáng kiến giáo dục của Trường ĐH FPT nhằm giúp người học có thêm cơ hội khám phá bản thân, phát triển các giá trị và đam mê của mỗi người.
Chương trình được thiết kế nhằm hướng tới xây dựng con người hội tụ đủ 4 yếu tố để phát triển về thể chất và tinh thần, một người học tập suốt đời, biết chung sống và làm việc hiệu quả với người khác; trở thành công dân Việt Nam tốt và hiểu biết về khái niệm công dân toàn cầu.
Chương trình này được điều phối và thực hiện bởi phòng Chương trình phát triển cá nhân, gồm 4 bộ phận: Nhóm giảng dạy chính khóa môn kỹ năng mềm, nhóm dự án mới, nhóm giáo dục thể chất và nhóm văn hóa sự kiện.
Chương trình phát triển cá nhân được lồng ghép vào toàn bộ hệ thống và trở thành một trong những triết lý giáo dục và sứ mệnh đào tạo tại Trường ĐH FPT. Chương trình đã thu hút rất nhiều sinh viên tham gia, mang lại hiệu quả rất thiết thực, giúp sinh viên của trường phát triển toàn diện và trang bị cho người học một vốn sống quý giá trước khi ra trường.
Sinh viên tự quản
Mô hình sinh viên tự quản được thực hiện khá thành công tại Trường ĐH dân lập Hải Phòng. Tại Khách sạn sinh viên của trường, nguyên tắc sinh viên tự quản lý ký túc xá được đặt ra.
Theo đó, các sinh viên sẽ luân phiên bầu ra những vị trí đảm nhiệm nhiệm vụ trưởng phòng, tổ tự quản để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nội quy, quy chế của trường đối với các hoạt động học tập và sinh hoạt của sinh viên trong ký túc xá.
Đây là một trong những mô hình tiêu biểu về xây dựng ký túc xá hiện nay, đồng bộ cả về cơ sở vật chất và hệ thống dịch vụ bổ trợ nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người học hướng đến một lối sống văn minh và cộng đồng trách nhiệm.