Những lưu ý trước giờ thi Ngữ văn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chỉ còn ít ngày trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Đình Thị Thủy, giáo viên Phenikaa School chia sẻ một số lưu ý cần tập trung với môn Ngữ văn.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Yêu cầu chung về kiến thức kỹ năng

Thứ nhất: nắm rõ kỹ năng làm bài, kỹ năng trả lời từng loại/kiểu câu hỏi. Khi nắm chắc kỹ năng, phần trả lời câu hỏi của thí sinh sẽ đảm bảo trúng trọng tâm, đúng, đủ ý.

Thứ hai: tổng hợp lại các phạm trù, vấn đề có thể ra trong phần viết đoạn nghị luận xã hội, rà soát hệ thống ý, dẫn chứng có thể xuất hiện cho từng loại phạm trù/vấn đề.

Thứ ba: rà soát kiến thức cơ bản, trọng tâm của các tác phẩm văn học trong chương trình. Giai đoạn này không đặt nặng việc tìm tòi những cách diễn đạt mới lạ, công phu, những ý mở rộng nâng cao (điều này các em cần tích lũy trong năm học).

Thí sinh có thể mở sách, vở ghi, lật từng từng bài, điểm lại trong đầu hoặc gạch ra giấy giá trị nội dung tư tưởng, nghệ thuật, phong cách nhà văn được thể hiện trong tác phẩm.

Thêm nữa, các em có thể dự đoán và chuẩn bị trước phần “mở rộng” (phần yêu cầu phụ) có thể xuất hiện trong đề (khi giảng bài, các cô giáo hẳn đã khơi gợi và hướng dẫn).

Chuẩn bị trước ở đây nghĩa là các em phác thảo, thậm chí có thể luyện viết dưới dạng một đoạn hoàn chỉnh để khi vào phòng thi ta hoàn toàn chủ động, nhạy bén hơn trong viết bài, đạt hiệu quả cao hơn.

Lưu ý với phần đọc hiểu

Phần đọc hiểu, thí sinh cần đọc kỹ ngữ liệu, câu hỏi, xác định đúng yêu cầu của câu hỏi. Câu trả lời cần đầy đủ, không cụt lủn. Ví dụ, phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là…; tác giả cho rằng… vì…

Câu 3, 4 thường là câu 0,75 hoặc 1 điểm, thí sinh trả lời trong khoảng 5 -10 dòng, trả lời đúng, trúng, đủ, sâu sắc, trọn vẹn.

Với dạng câu hỏi “hiểu như thế nào”, thí sinh giải thích, nêu ngắn gọn nhận thức của bản thân (thông điệp mà tác giả gửi gắm).

Dạng câu hỏi “đồng tình hay không?”, vì thường ít khi tuyệt đối đúng nên với vấn đề tích cực, thí sinh có thể trả lời theo hướng đồng ý với ý kiến trên (nhận định trên), song chúng ta cũng cần có cái nhìn toàn diện (bổ sung cái nhìn toàn diện).

Với vấn đề tiêu cực, thí sinh có thể trả lời theo hướng ý kiến trên đã phản ánh một thực tế (của đối tượng nào đó mà đề phản ánh), song cách nhìn nhận còn phiến diện (bổ sung cái nhìn toàn diện).

Việc đồng tình hay không cũng cần căn cứ vào văn bản và theo nhiều khía cạnh: cá nhân, cộng đồng, khách quan, chủ quan, xưa - nay…

Dạng câu hỏi “biện pháp tu từ”, thí sinh nêu được3 tác dụng (nhấn mạnh nội dung, tạo tính thẩm mỹ, bộc lộ thái độ của tác giả với đối tượng nói đến với người đọc).

Cô giáo Đình Thị Thủy.
Cô giáo Đình Thị Thủy.

Lưu ý với phần nghị luận xã hội

Với yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội, thí sinh hãy đọc kỹ yêu cầu của đề, xác định trọng tâm vấn đề, gạch hệ thống ý cần triển khai ra giấy nháp trước khi viết.

Mở đoạn phải nêu được vấn đề nghị luận. Thân đoạn phải đủ: giải thích - phân tích - bàn luận (phê phán hoặc ngợi ca, tính 2 mặt…). Kết đoạn nêu được bài học (phải có đủ nhận thức và hành động).

Thí sinh cần lưu ý luôn có dẫn chứng cho phần phân tích và bàn luận. Dẫn chứng nên đảm bảo tính chất: cá nhân - cộng đồng; xưa - nay; lĩnh vực khoa học; kinh tế - nghệ thuật… để tạo tính sinh động, thuyết phục.

Lưu ý với bài nghị luận văn học

Với bài nghị luận văn học có thể chia làm 2 trường hợp.

Trường hợp phân tích, cảm nhận để thấy… cộng yêu cầu phụ, thí sinh cần bảo đảm cấu trúc 3 phần (mở - thân - kết).

Mở bài nêu được vấn đề nghị luận. Thân bài, khái quát chỉ khoảng 10 dòng (chủ yếu hoàn cảnh sáng tác và một vài giá trị nội dung, nghệ thuật tiêu biểu); sơ lược phần trước ngữ liệu trong đề (5 đến 15 dòng - nếu có); nghị luận về phần văn bản trong đề - chú ý hướng vào yêu cầu của đề (lưu ý, luận điểm - ý trọng tâm, nổi bật nên đặt ở đầu đoạn văn, nếu tiểu kết được thì nên tiểu kết dạng đoạn tổng phân hợp); yêu cầu phụ; đánh giá nghệ thuật, phong cách nhà văn.

Trường hợp phân tích hai đối tượng (hai đoạn thơ, hai đoạn văn, hai chi tiết trong một tác phẩm hoặc trong 2 tác phẩm khác nhau):

Giải quyết đối tượng 1, thí sinh phân tích bình thường như đề đơn lẻ, xoáy vào vấn đề mà đề thi yêu cầu.

Giải quyết đối tượng 2: luôn đặt trong mối liên hệ với đối tượng 1. Ví dụ, “nếu như ở đoạn 1 là... thì ở đoạn 2 cũng thể hiện…;nếu như ở đoạn 1 là… thì ở đoạn 2 lại…”.

So sánh, đánh giá: điểm giống, điểm riêng biệt của hai đoạn văn.

Nguyên nhân của điểm giống, điểm riêng biệt: hoàn cảnh sáng tác, phong cách, đối tượng phản ánh.

Kết bài, nêu ý nghĩa của đối tượng với tác phẩm, tác giả, nền văn học; tác động đến nhận thức, tình cảm của bản thân.

Yêu cầu về trình bày, tâm lý trong phòng thi

Thí sinh cần ghi rõ các phần, mục, câu; căn lề phẳng, đẹp, hạn chế tối đa việc gạch xóa. Khi ngắt đoạn nên lùi đầu dòng khoảng 2cm

Thí sinh cần giữ tâm lý bình tĩnh, tập trung nghe chỉ dẫn của giám thị; tập trung và tỉnh táo trong đọc yêu cầu của đề.

Không áp lực về điểm số: đến thời điểm này, các em cần giải phóng áp lực, nhất là khi vào phòng thi, không đặt nặng về một số điểm cụ thể, hãy chủ động, tự tin và thăng hoa; hãy viết bằng nhiệt huyết, sự chân thành và vốn kiến thức mình đã ôn luyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.