Nâng cao hiệu quả ôn tập Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ -  Giáo viên Hà Tĩnh chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân giúp học trò 12 ôn tập hiệu quả môn Ngữ Văn trong giai đoạn nước rút. 

Nâng cao hiệu quả ôn tập Ngữ văn cho học sinh 12
Nâng cao hiệu quả ôn tập Ngữ văn cho học sinh 12

Xác định trọng tâm môn học

Chỉ còn khoảng một tháng nữa kì thi THPT 2023 sẽ chính thức diễn ra. Đây là giai đoạn mà thí sinh phải hệ thống đầy đủ kiến thức của mình để có một kì thi như mong muốn, đặc biệt đối với môn Ngữ văn.

Theo cô Trần Thị Thanh Nga (GV Ngữ Văn trường THPT Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nhằm nâng cao chất lượng ôn tập môn Ngữ văn, trong quá trình ôn tập, giáo viên cần xác định 3 trọng tâm đó là: giúp HS nắm vững cấu trúc đề thi và đáp án/ Hướng dẫn chấm của Bộ hàng năm; Hệ thống hóa kiến thức cơ bản về Đọc hiểu, viết đoạn văn Nghị luận xã hội, viết bài văn nghị luận văn học; Tăng cường rèn luyện kĩ năng làm từng phần trong cấu trúc đề thi và làm bài thi.

Cô giáo Trần Thị Thanh Nga - GV Ngữ Văn (Trường THPT Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Cô giáo Trần Thị Thanh Nga - GV Ngữ Văn (Trường THPT Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Thời điểm này được xem là “giai đoạn nước rút” quan trọng trong quá trình ôn luyện của học sinh. Hiện nay, đa số các GV đều hướng dẫn HS rèn luyện kĩ năng làm bài, bằng việc thực hành các đề luyện tập. Quá trình ôn luyện, để tránh sự nhàm chán trong quá trình học, GV cần đa dạng hóa các hình thức, vừa đảm bảo kiến thức được củng cố vừa tạo hứng thú và dễ ghi nhớ cho HS.

Trong số các môn thi tốt nghiệp, duy nhất môn Ngữ văn thi bằng hình thức tự luận. Cấu trúc bài thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT bao giờ cũng có 3 phần: Đọc hiểu - Nghị luận xã hội - Nghị luận văn học.

Phần Đọc hiểu là một phần quan trọng bởi chiếm 30% tổng số điểm của bài thi, tuy nhiên nhiều em chưa nắm vững kỹ năng làm bài ở phần này. Với phần Đọc hiểu, GV cố gắng tìm ngữ liệu về các vấn đề gần gũi trong cuộc sống, cần thiết với giới trẻ như ước mơ, bản lĩnh, sự tự tin, lòng tự trọng, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước…

Từ việc Đọc hiểu ngữ liệu, HS tìm thấy những thông điệp có ý nghĩa trong cuộc sống, bồi đắp tâm hồn bằng những giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc. Nguồn ngữ liệu tốt sẽ kích thích được sự sáng tạo của các em trong quá trình ôn tập.

GV cần đa dạng hóa các hình thức tạo hứng thú và dễ ghi nhớ cho HS trong quá trình ôn tập.
GV cần đa dạng hóa các hình thức tạo hứng thú và dễ ghi nhớ cho HS trong quá trình ôn tập.

Một trong những trọng tâm của ôn tập là rèn luyện cho HS kĩ năng làm bài văn nghị luận văn học. Để hệ thống hóa kiến thức các văn bản được học trong chương trình Ngữ văn 12, GV có thể sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp phương pháp thuyết trình, để các em làm chủ kiến thức cơ bản theo cách của mình.

Ngoài ra, GV có thể sử dụng mô hình hóa trong yêu cầu lập dàn ý cho mỗi đề luyện tập, theo đáp án của Bộ. GV cần thu thập, lựa chọn và sử dụng kênh hình, các video bài giảng để HS tham khảo;. Trong quá trình chấm bài, GV thực hiện nhận xét, chữa bài cho HS sau khi có sản phẩm.

Nắm vững kiến thức cơ bản

Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Giang (GV Ngữ Văn, trường THPT Hồng Lĩnh), để có thể đảm bảo kiến thức và làm bài thi tốt, trong giai đoạn nước rút, các em học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản và có kỹ năng làm bài tốt.

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Giang - GV Ngữ Văn trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Giang - GV Ngữ Văn trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh.

Cụ thể: Ở phần Đọc hiểu gồm 4 câu hỏi với 3 mức độ nhận thức: Câu 1, câu 2: mức độ nhận biết; Câu 3: mức độ thông hiểu; Câu 4: mức độ vận dụng.

Giáo viên cần đưa ra các dạng câu hỏi minh họa cho từng mức độ và hướng dẫn học sinh cách trả lời từng câu. Ví dụ như mức độ nhận biết có thể là dạng câu hỏi “Xác định phương thức biểu đạt” hay “Xác định thể thơ”, “Tìm thông tin trong đoạn trích”,… giáo viên hướng dẫn học sinh hệ thống hóa kiến thức cơ bản, căn cứ vào ngữ liệu để xác định.

Các câu hỏi ở mức độ thông hiểu và vận dụng, giáo viên lưu ý học sinh cần bám sát vào ngữ liệu; dựa vào kiến thức trong thực tiễn cuộc sống để lí giải. Đây là phần sẽ giúp học sinh có khả năng dành được điểm số cao.

Cùng với việc ôn tập, GV cần thường xuyên động viên, quan tâm tạo tâm lý thoải mái cho sĩ tử trước mùa thi.

Cùng với việc ôn tập, GV cần thường xuyên động viên, quan tâm tạo tâm lý thoải mái cho sĩ tử trước mùa thi.

Cùng với củng cố kiến thức, trong quá trình ôn luyện, GV thường xuyên quan tâm, động viên HS nhằm giảm căng thẳng, áp lực cho sĩ tử trước kỳ thi.

Cô Nga cho rằng, áp lực không hoàn toàn là xấu, vì nó tạo động lực để các em cố gắng đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, nếu áp lực quá lớn mà không được giải tỏa thì lại có thể gây ra nhiều hệ lụy không tốt về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Chính vì thế, trong giai đoạn thi cử căng thẳng, GV và phụ huynh cần có sự phối hợp, đồng hành để giúp con em mình giảm tải áp lực, vượt qua mùa thi một cách nhẹ nhàng.

GV chia sẻ kinh kinh nghiệm ôn tập môn Ngữ văn tại Hội nghị tập huấn do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức,

GV chia sẻ kinh kinh nghiệm ôn tập môn Ngữ văn tại Hội nghị tập huấn do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức,

Ngoài ra, sĩ tử không nên đặt ra mục tiêu học quá cao so với thực tế bản thân để không tạo áp lực lớn, tham gia nhiều lò ôn luyện, khiến bản thân quá tải thời gian.

“GV cần cũng định hướng thời gian biểu hợp lý cho các môn học, khuyên học trò dành thời gian tự học nhiều hơn là ôn luyện ở ngoài; trao đổi cùng phụ huynh đôn đốc trò. Kiến thức trong đề nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mà thí sinh đã học trong nhà trường. Do đó, chỉ cần nắm chắc kiến thức trong chương trình, thí sinh có thể làm được bài”, cô Nga nhấn mạnh thêm.

Nâng cao hiệu quả giảng dạy HS khối 12, đặc biệt tập trung cho công tác ôn thi tốt nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu ở các trường THPT. Để công tác ôn thi có hiệu quả, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã triển khai tập huấn cho tất cả GV giảng dạy lớp 12, ở các môn,các đơn vị có HS tham gia thi tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ