Những lưu ý quan trọng đào tạo giáo viên Tin học đáp ứng yêu cầu mới

GD&TĐ - Một trong những vấn đề quan trọng, đảm bảo cho việc đổi mới giáo dục phổ thông thành công là nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học, trong đó có giáo viên Tin học.

Những lưu ý quan trọng đào tạo giáo viên Tin học đáp ứng yêu cầu mới

Các sở giáo dục và đào tạo và các trường sư phạm phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần chuẩn bị thật tốt ngay từ bây giờ và phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên Tin học đáp ứng yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới.

Đó là nội dung kết luận của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại hội thảo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông được tổ chức mới đây.

Xác định nội dung cốt lõi cần đổi mới

Với các trường sư phạm, Thứ trưởng giao nhiệm vụ cần tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy bộ môn Tin học theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng và số lượng, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực.

Yêu cầu giảng viên phải tích cực, chủ động tự học, tự bồi dưỡng và học tập thông qua các hoạt động chia sẻ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. Chú ý bồi dưỡng một số năng lực giảng viên đang còn thiếu như: Năng lực tiếp cận các vấn đề xã hội, năng lực tổ chức các hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ.

"Các trường sư phạm cũng cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm, xu thế của các nước về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Tin học; tham khảo mô hình, chương trình đào tạo của các nước để áp dụng phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới giáo dục của Việt Nam" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
Bên cạnh đó, cần xác định được các yêu cầu về phẩm chất và năng lực giảng viên sư phạm để định hướng phấn đấu cho giảng viên Tin học, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của nghề nghiệp.

Các trường sư phạm trên phạm vi toàn quốc cần có sự phối hợp chặt chẽ để xác định nội dung cốt lõi cần đổi mới và triển khai xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Tin học theo định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hợp tác lực lượng, chia sẻ tài nguyên về chương trình, giáo trình và học liệu;

Xây dựng chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo giáo viên Tin học phù hợp Chuẩn nghề nghiệp giáo viên và đặc thù môn Tin học, theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Trong đó, chú trọng đến các năng lực thiết yếu như: phát triển chương trình, dạy tích hợp, năng lực ngoại ngữ...

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất việc đào tạo một giáo viên ở tiểu học, trung học cơ sở có thể dạy nhiều môn học trong đó có môn Tin học.

Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên giữa các trường sư phạm với các cơ quan quản lí giáo dục các cấp để nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy Tin học ở tiểu học và trung học cơ sở. Từ đó, xác định nhu cầu tuyển sinh hàng năm.

Chương trình bồi dưỡng cần được xây dựng theo hướng mở và được quản lí theo quá trình phát triển, cho phép bổ sung, cập nhật thường xuyên những vấn đề mới, định trước và không định trước từ đòi hỏi của thực tiễn giáo dục, cũng như đặc thù bộ môn Tin học.

Đồng thời, phải phát huy thế mạnh của tự học và nhu cầu học tập suốt đời, mọi nơi, mọi lúc.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, từ đó thiết lập hệ thống kết nối, chia sẻ giữa các trường sư phạm nòng cốt và của cả mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Xây dựng lộ trình tuyển đủ giáo viên Tin học thực hiện chương trình mới

Với các Sở GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố bố trí đủ số lượng giáo viên Tin học cho các trường, đặc biệt là các trường tiểu học và THCS (có thể bố trí theo hướng linh hoạt, một giáo viên dạy ở một số trường cùng địa bàn với qui mô nhỏ…).

Chỉ đạo thật tốt việc xây dựng Đề án vị trí việc làm hàng năm ở từng trường, trong đó đặc biệt chú ý về việc xây dựng kế hoạch, lộ trình để tuyển đủ số giáo viên Tin học thực hiện chương trình, sách giáo hoa mới từ năm học 2018-2019 và các năm tiếp theo.

"Đối với môn Tin học cần điều chỉnh, bổ sung kịp thời các ứng dụng mới của công nghệ thông tin trong chương trình để nội dung dạy học không lạc hậu, góp phần nâng cao chất lượng dạy học" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
Thứ trưởng cho biết: Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng 4 tháng cho giáo viên tiểu học có nền tảng công nghệ thông tin tốt của một số tỉnh khó khăn để dạy môn Tin học trong các trường tiểu học dạy học cả ngày.

Đây là cách làm sáng tạo, linh hoạt nên các Sở GD&ĐT trong quá trình thực hiện chủ trương tinh giản và tiết kiệm biên chế, cần xem xét, nghiên cứu và chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên chọn cử những giáo viên đương chức có khả năng về Tin học hoặc tuyển dụng các sinh viên sư phạm được đào tạo các môn học khác tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng để dạy môn Tin học ở tiểu học và THCS để đảm bảo có đủ giáo viên dạy môn Tin học, nhất là các trường vùng miền núi, biên giới, hải đảo và các trường vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, xác định lộ trình cụ thể và nội dung, hình thức bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho số giáo viên giảng dạy môn Tin học hiện có; phối hợp chặt chẽ với các trường sư phạm để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, chú trọng việc tự học, tự bồi dưỡng và học tập thông qua các hoạt động chia sẻ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ;

Đẩy mạnh việc tự học, tự bồi dưỡng thông qua trang mạng “Trường học kết nối”; chú ý bồi dưỡng các năng lực về công nghệ thông tin cần có để có thể dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sử dụng linh hoạt 30 tiết dành cho địa phương trong quy định về bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, chú trọng những yêu cầu cần bổ sung để nâng cao năng lực của giáo viên các môn đặc thù, trong đó có giáo viên dạy Tin học.

Chỉ đạo các nhà trường trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực cần chú ý những đặc thù riêng của từng môn học.

Năng lực công nghệ thông tin của học sinh phải được ứng dụng và nâng cao ở tất cả các môn học, lĩnh vực giáo dục. Tăng cường phối hợp giữa giáo viên Tin học và các giáo viên khác để thông qua đó thường xuyên nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên và học sinh.

Đầu tư nguồn lực bằng ngân sách nhà nước, xã hội hóa để bổ sung, tăng cường và cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin ở các trường để đảm bảo đủ điều kiện dạy môn Tin học ở các cấp học theo chương trình mới.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục và các Chương trình, Dự án thuộc Bộ GD&ĐT theo chức năng nhiệm vụ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung trên.

Trước mắt cần nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy Tin học ở tiểu học (tạm thời), có thể sử dụng đội ngũ giáo viên Tin học ở cấp học trên xuống dạy cấp học dưới, đào tạo nối tiếp các sinh viên ngành Tin học, Công nghệ thông tin đã tốt nghiệp ra trường có nguyện vọng làm giáo viên Tin học trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ