Giảm áp lực thi vào lớp 10: Phụ huynh nên giảm kỳ vọng?

GD&TĐ - Trong khi phụ huynh tại một số địa phương bày tỏ lo âu khi đến thời điểm này chưa có kế hoạch thi vào lớp 10, thì nhiều giáo viên cho rằng áp lực không đến từ số môn thi mà từ kỳ vọng của phụ huynh...

Năm 2021, thí sinh tại Hà Nội phải thi 4 môn vào lớp 10 THPT công lập không chuyên.
Năm 2021, thí sinh tại Hà Nội phải thi 4 môn vào lớp 10 THPT công lập không chuyên.

Tập trung ôn tập và ổn định tâm lý học sinh

Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết, theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, địa phương này tuyển khoảng 70% số học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022 vào các trường THPT công lập trong tỉnh. Sở GD&ĐT xây dựng chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị. Thời gian hoàn thành công tác tuyển sinh trước ngày 31/8.

Mỗi thí sinh phải làm đủ 3 bài thi gồm: Toán và Ngữ văn cùng thi trong 120 phút theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận, trong đó phần thi trắc nghiệm chiếm 20%, phần thi tự luận chiếm 80% tổng số điểm bài thi. Với bài thi môn Ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận, phần thi trắc nghiệm chiếm không quá 50% tổng số điểm bài thi, thời gian làm bài 60 phút. Thí sinh có thể chọn đăng kí dự thi một trong ba thứ tiếng: Anh, Nga hoặc Pháp. 

Nội dung thi nằm trong chương trình THCS hiện hành do Bộ GDĐT quy định, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9; đề thi có độ phân hoá, có câu hỏi mở, gắn với thực tiễn. Theo tìm hiểu, vào các năm học trước, tỉnh Nam Định cũng cho thí sinh thi vào lớp 10 THPT với 3 bài thi Toán, Ngữ văn và bài thi tổng hợp. Trong đó, bài thi tổng hợp dưới dạng trắc nghiệm gồm các lĩnh vực Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Ngoại ngữ; thời gian làm bài trong 90 phút. 

Hiện tại, Hà Nội chưa đưa ra phương án thi vào lớp 10 THPT năm 2022 khiến nhiều phụ huynh thấp thỏm, lo lắng.
Hiện tại, Hà Nội chưa đưa ra phương án thi vào lớp 10 THPT năm 2022 khiến nhiều phụ huynh thấp thỏm, lo lắng.

"Qua quan sát và đánh giá thực tế, lứa học sinh thi đầu vào lớp 10 thi nhiều phân môn thì chất lượng có phần nhỉnh hơn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mang tính tương đối vì còn phụ thuộc quá trình các em phấn đấu, nỗ lực trong thời gian học THPT. Chúng ta lấy thi để góp phần thay đổi cách dạy và học chứ không phải tạo áp lực cho các em. Dù thi theo phương thức nào thì ngành giáo dục cũng đều có sự cân nhắc, tính toán kỹ theo hướng đảm bảo quyền lợi cho học sinh", vị lãnh đạo này nói. 

Cô Nguyễn Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) cho hay, địa phương này vẫn chưa công bố kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022. Tuy nhiên, năm 2021, tỉnh Hà Nam đã yêu cầu thí sinh làm ba bài thi gồm Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để thi vào lớp 10. Nhà trường sẽ có kế hoạch ôn tập cụ thể khi Sở GD&ĐT công bố phương án thi vào lớp 10 trong thời gian tới. 

"Toàn trường có 170 học sinh khối 9, các thầy cô vẫn đang tranh thủ thời gian dạy trực tiếp để cố gắng dạy bài mới đến đâu thì củng cố kiến thức, rèn kĩ năng đến đó chứ chưa ôn luyện theo chuyên đề, chủ đề thi vào lớp 10. Khi nào cũng vậy, muốn vượt vũ môn thành công thì các em phải hết sức nỗ lực, cố gắng. Điều kiện dịch bệnh nên mất một thời gian  học online, học sinh càng phải phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập. Có gì vướng mắc gì thì cần mạnh dạn chia sẻ, hỏi han cùng thầy cô giáo, bạn bè trên nhóm học" - cô Tươi chia sẻ. 

Làm sao giảm áp lực cho học sinh?

TP Hà Nội đang là một trong những địa phương chưa "chốt" phương án thi vào lớp 10 THPT năm 2022. Có con gái đang học lớp 9 ở huyện Gia Lâm, chị Lê Thị Hồng bày tỏ lo lắng khi chỉ còn ít thời gian nữa, cô con gái sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng đến nay vẫn chưa biết môn thi thứ 4 là môn nào. 

Đứng trước mỗi kỳ thi quan trọng, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT thì áp lực là điều nhiều thí sinh gặp phải.
Đứng trước mỗi kỳ thi quan trọng, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT thì áp lực là điều nhiều thí sinh gặp phải. 

"Tôi tìm hiểu thì được biết, nhiều tỉnh đã quyết định cho các cháu lớp 9 thi vào lớp 10 chỉ với ba môn để giảm áp lực như Phú Thọ, Thái Nguyên. Các con ở Hà Nội đã phải học online trong phần lớn thời gian của năm học này để phòng tránh dịch Covid-19. Năm 2020, Hà Nội cũng bỏ môn thứ 4 và chỉ thi 3 môn vào lớp 10 thì tại sao năm nay lại không tính đến phương án đó để giảm áp lực?", chị Hồng đưa ra kiến nghị.

Thừa nhận áp lực với học sinh là có khi phải thi 4 môn trong bối cảnh dịch. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Trường - phụ huynh có con học lớp 9 tại quận Nam Từ Liêm lại cho rằng, dù có thể thành phố cho thi môn thứ 4 nhưng thường là môn "gỡ điểm" cho học sinh. Anh này cho biết, thời gian qua học trực tuyến, bố mẹ đều theo sát và động viên cậu con trai của mình nên học đều các môn và phân bổ thời gian học, chơi hợp lý để sẵn sàng cho mọi kịch bản của kỳ thi quan trọng sắp tới. 

Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lômônôxốp (Nam Từ Liêm) cho biết, ở góc độ nhà quản lý, khi tổ chức thi 4 môn vào lớp 10 sẽ có nhiều thông số để đánh giá việc dạy và học 4 năm THCS của thành phố. Để kết luận việc thi 3 môn hay 4 môn tốt hơn thì chưa có nghiên cứu khoa học nào để kết luận. Trước đây, dù thi 3 môn thì những trường tốp đầu vẫn chọn được học sinh Khá, Giỏi.

Năm nay, có lẽ việc thi 3 môn sẽ phù hợp với học sinh hơn. Bởi lẽ, học sinh lớp 9 chịu 3 năm học liền ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian đến trường chỉ đạt khoảng 50%. Học trực tuyến không tránh được một số môn phải học “gạo”, học “thuộc lòng”, việc “nhìn-chép” bài là khá nhiều nên sẽ giảm sự sáng tạo của học sinh. Học sinh tập trung vào 3 môn thi sẽ tốt hơn, thời gian còn lại sẽ dành cho việc nghỉ ngơi và hoạt động ngoại khóa, hàn gắn những “tổn thương tâm lý” một cách vô hình của dịch bệnh lên học sinh với thời gian ở nhà quá dài. 

Là giáo viên có nhiều năm theo dõi về công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, thầy Vũ Khắc Ngọc quan điểm, thực tế áp lực cho học sinh cuối cấp không hẳn đến từ việc thi 3 hay 4 môn, mà chính nằm ở sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình. Những năm học THPT là giai đoạn quan trọng giúp học sinh hình thành nhân cách để chuẩn bị bước vào bậc đại học. 

Thầy Ngọc dẫn chứng thực tế cho thấy, từ bậc học THCS trở xuống thì sự can thiệp của bố mẹ vào việc học của con nhiều hơn rõ rệt so với bậc THPT. Do đó, sự kỳ vọng của phụ huynh vào con trẻ là rất lớn đã biến thành những áp lực với các em khi đặt mục tiêu vượt quá thực lực của con mình. Trước đây khi thành phố chỉ cho thi hai môn vào lớp 10 là Toán và Văn thì ngoài việc học trên lớp, nhiều bố mẹ vẫn ép con học ôn chỉ hai môn đấy vào một khung giờ cố định trong ngày. Và nếu thi 3, 4 môn thì vẫn tương tự như vậy. 

Việc phụ huynh động viên và không nên kỳ vọng quá lớn vào con sẽ giúp các em giảm được áp lực.
Việc phụ huynh động viên và không nên kỳ vọng quá lớn vào con sẽ giúp các em giảm được áp lực.

"Ngoài ra, có những lần thi 4 môn thì môn thứ 4 các em lại đạt điểm rất cao và thành môn gỡ điểm cho thí sinh. Tâm lý lo lắng cho con đã phải học online quá lâu vì dịch rồi phải thi 4 môn của nhiều bậc phụ huynh là có thật. Nhưng, chắc chắn các nhà quản lý giáo dục của Thủ đô cũng nghĩ tới điều này và nắm bắt thực tiễn hoạt động dạy học bị ảnh hưởng ra sao. Từ đó, sẽ lựa chọn môn thi phù hợp và nội dung yêu cầu trong điều kiện thực tế. 

Về bản chất của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là lấy điểm từ cao xuống thấp, khó thì khó chung mà dễ thì dễ chung. Nếu đề thi vẫn như thế thì điểm chuẩn sẽ thấp hơn và ngược lại. Phụ huynh và học sinh không nên lo lắng quá mà tự gây áp lực cho mình. Hơn nữa, thực tế những năm trước khi các em thi hai môn thì đa số các em học lệch ngay từ THCS. Khi lên THPT, các em rất khó khăn để theo được, nhất là các môn tự nhiên, đa số các em thi khối D. Khi đó, sẽ không có lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực của thành phố", thầy Ngọc phân tích.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ bắt đầu áp dụng với lớp 10 ở cấp THPT từ năm học 2022-2023. Theo đó sẽ tăng cường dạy học tự chọn theo năng lực, sở thích của học sinh, giảm số môn học bắt buộc. "Vậy thì tuyển sinh lớp 10 năm học tới đây nên có bao nhiêu môn thi và cụ thể những môn thi nào, việc phải thi nhiều môn để tuyển sinh vào cấp học mà có thể các em sẽ không chọn môn đó để học tiếp có phù hợp không?", thầy Khang đặt câu hỏi. Theo quy định, các em khối 10 năm tới có thể không lựa chọn học 4 trong 6 môn Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Do đó, kỳ thi vào lớp 10 sắp tới có nên chọn các môn này không? Việc dạy học thay đổi theo hướng tự chọn nên việc tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học tới trở đi và tuyển sinh vào đại học sau 3 năm nữa buộc phải thay đổi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt ở THPT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ