Đề tham khảo môn Sinh, Hóa: Độ khó tăng dần ở những câu cuối

GD&TĐ -Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, theo các giáo viên, đề Hoá học, Sinh học ổn định về mặt cấu trúc, bám sát kiến thức cơ bản, độ khó tăng dần ở những câu cuối.

Thí sinh tại TP.HCM dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh hoạ P.Nga
Thí sinh tại TP.HCM dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh hoạ P.Nga

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Hoá học đang giảng dạy tại Quận 7, TP.HCM cho hay, nhìn chung đề tham khảo với kiến thức đảm bảo mục đích của kì thi 2 trong 1: tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH.

Đa số kiến thức trọng tâm phân bố ở chương trình Hóa học lớp 12, có khoảng 2 câu thuộc lớp 11 (phần Phân bón Hóa học và Đại cương hữu cơ), mức độ đề khó hơn so với năm trước.

Đề thi đảm bảo không cho các nội dung trong phần tinh giản mà Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn trong công văn hướng dẫn điều chỉnh dạy học.

Các câu hỏi trong đề  đa số tăng tính thực tiễn cuộc sống, liên quan kiến thức thực hành thí nghiệm ...

Với đề thi này,  học sinh phải ôn tập  kỹ lý thuyết chủ đạo và toán cơ bản sẽ dễ dàng giải quyết triệt để 75- 80% đề thi.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Học sinh cần rèn luyện tư duy đọc nhanh nhưng phải cẩn thận với các câu lý thuyết đếm phản ứng, đếm phát biểu đúng sai vì rất dễ nhầm lẫn cho kết quả không chính xác.

Phần bài tập toán vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 15- 20% đề thi rơi vào các dạng quen thuộc trong các đề thi THPT quốc gia những năm trước của Bộ GD-ĐT, nên  học sinh khi được thầy cô ở trường ôn luyện và rèn kỹ năng làm bài sẽ dễ dàng giải quyết triệt để.

Học sinh cần lưu ý rằng đây chỉ là đề thi tham khảo với mức độ khó của các câu vận dụng cao chỉ để tham khảo, vẫn còn một số nội dung khác như: Cấu tạo phân tử hợp chất hữu cơ, Bài tập điện phân, đại cương kim loại.... chưa thể hiện trong đề, nên không phải chỉ ôn những dạng này.

Học sinh cần rà soát lại những nội dung học tập dưới sự dẫn dắt của thầy cô, có thể các em tự mình thi thử có canh giờ với đề thi này, cọ xát với thực tế xem mình đạt tầm điểm số bao nhiêu, kiến thức nào chưa vững để ôn luyện kỹ càng hơn nhằm đạt kết quả cao nhất trong kì thi sắp tới.

Đánh giá về đề Sinh học, thầy Nguyễn Minh Trung, giáo viên Sinh học-Trường THPT Gia Định (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay,  cấu trúc đề thi ổn định như những năm trước nên thuận lợi cho giáo viên, học sinh trong quá trình ôn tập.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Tôi nhận thấy, đề minh hoạ năm nay phần nâng cao có nâng độ khó lên một chút so với năm 2020. Điều này đảm bảo cho việc xét tuyển ĐH, nhất là với các trường Y Dược.

Ví dụ như tăng cường các câu lí thuyết đếm. 2 câu tiến hóa mức vận dụng, 1 câu sinh thái vận dụng đều ở dạng lý thuyết đếm.

10 câu cuối của đề là những câu phân hoá rõ học sinh để xét tuyển vào ĐH. Đề này để đạt 7-8 điểm cũng không hề dễ. Vì vậy, các em phải chú ý ôn tập tốt, tích cực làm các dạng đề tương tự và nhất là những câu hỏi vận dụng cao.

Đề minh họa thường làm căn cứ để giáo viên soạn nội dung ôn tập, soạn đề thi thử ở các dạng câu hỏi, cấu trúc, dạng bài tập…

* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.