Đề khảo sát môn Toán lớp 11 tại Hà Nội có độ phân hóa cao

GD&TĐ - Theo đánh giá, đề khảo sát môn Toán theo Chương trình GDPT 2018 của học sinh khối 11 tại Hà Nội có độ phân hóa cao, khó có "mưa điểm 10".

Ảnh minh họa: Đình Tuệ.
Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Chiều 12/3, khoảng 100.000 học sinh khối 11 của Hà Nội đã hoàn thành bài khảo sát môn Toán theo Chương trình GDPT 2018.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán tại Hà Nội chia sẻ, ngày 29/12/2023, Bộ GD&ĐT đã giới thiệu cấu trúc đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tiếp đó, ngày 8/3 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã "chốt" cấu trúc và định dạng đề thi này.

Theo cấu trúc mới, đề thi môn Toán (và các môn trắc nghiệm) gồm có 3 phần:

Phần I: Trắc nghiệm nhiều lựa chọn, như dạng đề trắc nghiệm truyền thống. Thí sinh làm 12 câu, tổng là 3 điểm.

Phần II: Trắc nghiệm đúng sai. Thí sinh lựa chọn đáp án đúng hoặc sai. Phần này điểm được tính cộng gộp tùy theo số câu đúng, tối đa mỗi câu là 1 điểm, tối đa phần II là 4 điểm.

Phần II: Trắc nghiệm trả lời ngắn. Thí sinh điền đáp số cho mỗi bài. Có 6 bài, làm đúng mỗi bài được 0,5 điểm, điểm tối đa phần này là 3 điểm.

Đề thi theo cấu trúc mới này khắc phục được một số nhược điểm của trắc nghiệm nhiều lựa chọn mà chúng ta tổ chức nhiều năm qua. Để được điểm cao, học sinh cần học chắc, hiểu sâu, có kĩ năng vận dụng tốt.

Ngày 12/34, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kỳ kiểm tra khảo sát theo các cụm cho toàn bộ học sinh khối 11 với hai môn: Sáng kiểm tra Văn (120 phút), chiều kiểm tra Toán (90 phút).

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội.

Thầy Trần Mạnh Tùng cho biết, điều này thể hiện sự chủ động của ngành Giáo dục Thủ đô, một trong những đơn vị tiên phong khảo sát cho khối 11, lứa học sinh đầu tiên của Chương trình GDPT 2018 và sẽ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Việc làm này giúp các nhà trường làm quen với công tác tổ chức thi, các giáo viên đổi mới phương pháp dạy và học đồng thời giúp học sinh tiếp cận dần với đề thi theo định dạng mới.

Đánh giá về đề thi môn Toán, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, đề có tính phân hóa cao.

Đề thi môn Toán mã đề 101.

Đề thi môn Toán mã đề 101.

Mã đề 101

Phần I: 12 câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn (3 điểm)

Phần này các câu hỏi ở dạng cơ bản, chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu (3 câu hình và 9 câu đại số, lượng giác).

Phần II: 5 bài trắc nghiệm đúng sai, mỗi bài 4 ý (tối đa 5 điểm).

Phần này có 2,5 điểm mức nhận biết, thông hiểu; 2,5 điểm mức độ vận dụng. Câu khó được nhiều điểm hơn, khắc phục sự không công bằng của trắc nghiệm truyền thống.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã dành cho phần này 5 bài (thay vì 4 bài theo cấu trúc của Bộ GD&ĐT). Vì đây là dạng thức mới nên cần nhấn mạnh để học sinh được học và rèn luyện nhiều hơn.

Phần III: 4 bài trắc nghiệm điền đáp số (2 điểm)

Phần này phân hóa khá mạnh với 0,5 điểm mức thông hiểu; 1,5 điểm mức vận dụng. Học sinh làm tốt phần này đòi hỏi phải nắm vững kiến thức, có khả năng suy luận, vận dụng và tính toán. Với dạng thức thứ 3 này, để tô phiếu trả lời trắc nghiệm đúng thì học sinh cần phải được hướng dẫn, thực hành tốt từ trước đó.

Mỗi phòng thi với 24 thí sinh làm 24 mã đề khác nhau (trộn từ một đề gốc).

Theo đánh giá của thầy Tùng, với đề thi Toán này: Học sinh trung bình đạt khoảng 5 – 6 điểm. Học sinh khá giỏi đạt 7 – 8 điểm. Số điểm từ 9 trở lên sẽ không nhiều (dưới 7%). Điểm thi nói chung sẽ không cao, do đề phân hóa khá mạnh, nội dung câu hỏi bao quát và chủ yếu nằm trong học kì 1, cấu trúc đề thi mới và học sinh có ít thời gian để ôn.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, kết quả khảo sát là căn cứ để Sở cũng như các trường có định hướng trong chỉ đạo, tổ chức dạy, học, đặc biệt là giúp học sinh có thêm kênh tiếp cận, làm quen dần với cấu trúc định dạng đề thi theo chương trình mới, từ đó sẵn sàng tâm thế, kỹ năng đáp ứng tốt với yêu cầu mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.