Dưỡng cây
Theo kỹ sư nông nghiệp Đặng Công Dự, với các loại cây trồng chậu như mai, đào, quất, đỗ quyên... sau khi mua từ chợ hoa Tết về, bạn cần có một giai đoạn dưỡng cây. Mục đích là để cho cây được phục hồi sau qúa trình vận chuyển.
Cụ thể, trong vòng 3-4 ngày đầu, nên để cây ở nơi khô ráo, râm mát, tránh gió và ánh nắng trực tiếp đồng thời cần tưới nước bổ sung ngay khi mới đem về nhà và duy trì với tần suất 1 ngày/ lần.
Chăm sóc cây sau thời kỳ dưỡng
Dấu hiệu cho thấy cây đã hoàn toàn hồi phục là lúc cây đã có sức trương, các cành và lá đã dựng lại như cũ. Lúc này ta chuyển sang giai đoạn chăm sóc bình thường. Kỹ sư Dự nhấn mạnh: “Trong giai đoạn này với mỗi loại cây cảnh lại cần áp dụng một cách chăm sóc riêng”.
Vị trí đặt cây
Với những loại hoa như mai, đào, cúc, đỗ quyên... bạn nên đặt ngoài trời nơi có ánh nắng để hoa có thể đạt trạng thái đẹp nhất trước khi đem vào nhà trưng trong mấy ngày Tết. Tuy nhiên với hoa lan mà đặc biệt là địa lan hay lan hồ điệp lại cần đặt ở nơi tránh nắng và tránh gió trực tiếp thì hoa mới lâu tàn.
Các loại cây nội thất như vạn niên thanh, kim phát tài, đại phú gia... nên được đặt ở trong nhà bởi ánh sáng mạnh của mặt trời sẽ làm lá cây bị cháy, chuyển vàng. Tránh đặt cây với mật độ dày đặc ngay cả ở ngoài trời bởi sẽ dễ khiến các loại sâu bệnh hại còn tồn dư lan truyền từ cây này sang cây khác.
Nước tưới
Anh Dự cho biết: “Chế độ tưới nước là cực kỳ quan trọng bởi nước giúp cho qúa trình trao đổi chất diễn ra bình thường, các thành phần trong cây được vận chuyển, lưu thông ổn định, cung cấp được năng lượng cho cây nở hoa kịp thời”.
Sau thời kỳ để cây phục hồi ta cần giảm tần suất tưới. Từ 1 ngày/lần xuống còn 1-2 ngày/lần (Các loại hoa cảnh nhiều lá như đỗ quyên, cúc...), 2-3 ngày/lần (quất, bưởi, cam) hay thậm chí là 5-7 ngày/lần (mai, đào). Bên cạnh đó Vào thời điểm hoa trên cây đã bung nở cần tăng lượng nước tưới lên một chút so với lúc cây còn nụ.
Việc đảm bảo cho cây một chế độ tưới nước hợp lý sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí nước mà cây vẫn bền đẹp và phát triển tốt.
Trong trường hợp tưới qúa nhiều sẽ làm úng rễ và phát sinh mầm bệnh ngoài ra còn khiến hoa nhanh tàn. Ngược lại cây bị thiếu nước thì hoa, cành và lá sẽ không được căng mọng và những nụ hoa non cũng khó có thể nở bình thường.
Chơi cây Tết đừng để rước bệnh vào người
Các hộ trồng hoa, cây cảnh nhất là cây cảnh Tết thường có thói quen lạm dụng hoá chất để phòng trừ sâu bệnh và giúp cho cây trở nên đẹp hơn.
Hoa cây cảnh lại là những loại không được kiểm soát nghiêm ngặt trong qúa trình sản xuất như thực phẩm cho nên khả năng lượng hóa chất độc hại còn tồn dư vượt ngưỡng cho phép là rất cao.
Vì vậy kỹ sư Đặng Công Dự khuyên các gia đình khi trưng cây cảnh Tết đặc biệt chú ý không đặt cây quá gần vị trí con người như bàn ăn, bàn học, bàn uống nước, giường ngủ.
Ngoài ra cũng nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp như dùng tay ngắt hoa, bẻ cành hay ngửi sát bông hoa.