Những lợi ích khi trẻ đi học đúng giờ

GD&TĐ - Đi học đúng giờ mang đến cho trẻ phong thái bình tĩnh và chỉn chu. 

Trẻ đi học đúng giờ sẽ có cảm xúc tốt hơn. Ảnh minh họa.
Trẻ đi học đúng giờ sẽ có cảm xúc tốt hơn. Ảnh minh họa.

Với người lớn, đúng giờ không chỉ thể hiện tính chuyên nghiệp và năng lực tổ chức của bản thân, mà còn là sự tôn trọng với tổ chức, cấp trên và các đồng nghiệp. Vì thế, với trẻ nhỏ, cần được dạy về thói quen đi học đúng giờ.

Lề mề, chậm chạp vì thường xuyên trễ giờ

Đi học đúng giờ mang đến cho trẻ phong thái bình tĩnh và chỉn chu. Con bạn chắc chắn sẽ không giống như những đứa trẻ với vẻ ngoài lôi thôi đang vội vã chạy đến trường vì đi học muộn.

Cô Nguyễn Thị Thương (giáo viên Trường THCS Thuận Thành, Bắc Ninh) chia sẻ, đến lớp đúng giờ giúp bé có thời gian chuẩn bị tư thế và kiến thức trước giờ vào học. Hãy thử nhớ lại những người bạn học cùng chúng ta đã xộc xệch và lúng túng làm sao khi đến lớp muộn chưa kịp chuẩn bị gì. Họ còn rất hoang mang khi thầy cô gọi lên trả lời bài cũ.

Theo cô Thương, việc trẻ đến lớp đúng giờ sẽ khiến người xung quanh dễ mến hơn. Giả sử, bạn là một giáo viên và phải làm việc với một lũ trẻ lộm nhộm trong lớp học. Quy định là 7 giờ vào lớp, nhưng 7 giờ 15 phút có một đám trẻ chạy xộc vào lớp. Ngày nào chúng cũng vậy. Liệu điều đó có khiến bạn yêu quý chúng không?

Còn nếu bạn là học sinh ngồi cạnh những người hay đi muộn thì sao? Chắc chắn việc họ vào lớp muộn cũng sẽ làm đứt mạch tập trung vào bài giảng của thầy cô và ảnh hưởng đến chất lượng học tập của bạn.

Ngược lại, nếu con bạn luôn đi học đúng giờ, không làm ảnh hưởng tới ai và có học lực tốt, chắc chắn bé sẽ rất được thầy cô và bạn bè tôn trọng và yêu quý.

Chưa kể, đi học muộn ảnh hưởng rất lớn tới kết quả học tập của chính trẻ. Học sinh khó học tốt được khi đi học muộn khiến bỏ lỡ nhiều kiến thức, khó hòa nhập với mạch bài giảng và không được thầy cô, bạn bè quan tâm giúp đỡ.

“Nhiều thống kê cho thấy, hầu hết trẻ em học kém đều có thói quen đi học muộn. Do vậy, đây là lợi ích của việc đi học đúng giờ phụ huynh nên đặc biệt quan tâm và dạy trẻ”, cô Thương nói.

Cũng theo nữ giáo viên, việc thường xuyên đi học muộn thể hiện một năng lực tổ chức và quản lý thời gian yếu kém ở trẻ. Nếu không được cải thiện nó sẽ lây lan sang các việc làm khác và ảnh hưởng lớn đến công việc sau này. Lớn lên, trẻ có thể lề mề, chậm chạp, không biết cách sắp xếp trong học tập và cuộc sống.

Thói quen đi học đúng giờ của bé sẽ để lại cái nhìn và suy nghĩ rất tích cực trong mắt thầy cô và bạn bè.

Cô Thương cũng cho rằng, đi học muộn khiến tâm trạng trẻ không tốt vì luôn lỡ việc, khó hoàn thành tốt các công việc.

Cách điều chỉnh

Để điều chỉnh thói quen đi học đúng giờ cho trẻ, phụ huynh có thể tính toán trước quãng đường từ nhà đến cơ quan sẽ mất bao nhiêu lâu. Cùng với đó phải tính được trẻ đi bằng phương tiện gì, cần làm những việc gì trước giờ đến lớp… Từ đó, cha mẹ lên thời gian báo thức cho trẻ, giờ để trẻ ăn sáng và làm các việc khác và thời gian phải ra khỏi nhà để đi học.

Ngoài việc lên kế hoạch đi học đúng giờ, cha mẹ cũng cần có kế hoạch dự đoán những rắc rối có thể xảy ra và khiến trẻ đi học muộn như tắc đường, ăn sáng chậm, hỏng xe, trễ xe buýt… Phụ huynh nên dặn trẻ cách giải quyết với những tình huống bất ngờ trước. Việc dự đoán trước, có phương án giải quyết và thời gian dự trữ sẽ tăng tỉ lệ trẻ đi học đúng giờ hơn.

“Chuẩn bị quần áo, giày, cặp sách sẵn sàng vào tối hôm trước sẽ giúp buổi sáng đi học thư thả hơn, giảm bớt căng thẳng và nháo nhào của cả mẹ và con. Thay vì phải chạy đi tìm quần áo, tập bút thì con có thể tranh thủ đủ thời gian để ăn sáng từ từ, thời gian đến trường cũng giãn ra thoải mái hơn chứ không phải tình trạng chạy hụt hơi sợ trễ giờ”, cô Thương cho biết.

Là phụ huynh, ai cũng muốn con duy trì kỷ luật tốt trước mặt thầy cô. Vì vậy, cha mẹ thường nhắc nhở con khi dậy muộn hoặc đưa con đến trường nếu trễ xe buýt hoặc muộn giờ. Nhưng nếu vậy, các em sẽ không học được thao tác đúng giờ và có xu hướng ỷ lại vào sự giúp đỡ của cha mẹ.

Thay vào đó, hãy để con chịu kỷ luật của nhà trường cho hành động đi trễ. Những hậu quả tự nhiên là cách trực tiếp, thẳng thắn nhất giúp trẻ nhận ra sai lầm của mình và tự ý thức thay đổi.

Một điều khác cha mẹ có thể làm, đặc biệt với trẻ nhỏ, là tính phí cho sự chậm trễ của chúng. Hãy nói với con: “Mỗi phút bố mẹ phải đợi con, con mất đi 5 phút xem chương trình con thích”.

Cách này hiệu quả vì dạy cho bé bài học phải chịu trách nhiệm và trả giá khi để cho người khác muộn giờ. Trẻ sẽ nhận thức được giá trị của thời gian.

Không có vấn đề gì khi để trẻ lỡ các buổi học kể cả chính khóa hay ngoại khóa. Nếu con bạn không thể sẵn sàng để đúng giờ, trẻ phải chép bài, học bù, tự tìm hiểu bài học đã bị bỏ lỡ… Điều này sẽ khiến trẻ hiểu, việc nghỉ học gây ra sự phiền toái lớn.

“Việc giúp con có trách nhiệm tuân theo thời gian biểu rất quan trọng. Trẻ lớn hơn, bạn thực sự phải rất cứng rắn trong việc này, vì trong tương lai khi con đi làm hay vào đại học, không ai cằn nhằn hay trừ điểm của con nữa mà chúng phải trả giá cho sự chậm trễ của mình. Nếu trẻ không hiểu được sự cần thiết phải tuân theo giờ giấc và tôn trọng điều đó, rất có thể chúng sẽ tụt hậu và không thể hoàn thành trách nhiệm của mình”, cô Nguyễn Thị Thương - giáo viên Trường THCS Thuận Thành, Bắc Ninh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ