Những ích lợi khi trẻ biết cách từ chối

GD&TĐ - Thay vì thất vọng khi con mình nói “không” lần thứ 10, cha mẹ hãy tự hào vì ít nhất, trẻ là người quyết đoán.

Trẻ nhỏ hai tuổi thường có xu hướng nói “không” thẳng thừng.
Trẻ nhỏ hai tuổi thường có xu hướng nói “không” thẳng thừng.

>>> Đặt ra tình huống để dạy con biết cách nói 'không'

>>> Học cách từ chối và nói 'không' là kỹ năng cần thiết

Biết cách nói “Không” được coi là vô cùng cần thiết khi trẻ bước ra ngoài xã hội.

Trao quyền cho trẻ

Một nghiên cứu được đăng tải trên “Child Development” đã chỉ ra rằng, trẻ cần học kỹ năng từ chối. Trong những năm đầu đời và khi mới học mầm non, trẻ em có xu hướng tranh cãi với cha mẹ từ 3,5 đến 15 lần một giờ. Con số này được cho là rất nhiều. Chắc hẳn, không ít phụ huynh cần hít thở thật sâu để cố gắng lấy lại bình tĩnh khi rơi vào tình huống này.

Tuy nhiên, thực tế nghiên cứu chỉ ra rằng, khi tranh luận với cha mẹ, trẻ em được học cách thương lượng và biện minh cho chính kiến của mình. Những kỹ năng này sau đó được trẻ ứng dụng trong việc tranh luận với bạn bè.

Ông John Sargent - bác sĩ tâm thần trẻ em, Giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Trường Đại học Y khoa Baylor (Mỹ) - bày tỏ sự đồng tình với kết quả của nghiên cứu này.

“Trẻ em ở độ tuổi này đang nhận ra rằng, chúng có thể khẳng định bản thân. Vì vậy, tranh luận với cha mẹ là một cách để trẻ có được sự tự tin”, ông Sargent cho biết.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi rằng, làm thế nào để có thể dạy trẻ về kỹ năng từ chối một cách lịch sự? Theo các chuyên gia, ở những năm đầu đời, việc tạo cho trẻ có tiếng nói về cách chúng ăn hoặc mặc là một động lực tuyệt vời để tăng cường sự tự tin. Phụ huynh cũng có thể trao quyền cho con mình để đưa ra lựa chọn về cách trẻ sử dụng thời gian cá nhân, cũng như người mà bé muốn chơi cùng. Điều này cũng có nghĩa là cha mẹ tôn trọng mong muốn của trẻ, ngay cả trong trường hợp bé không muốn ôm một người thân nào đó.

Điều đó cũng có thể đồng nghĩa với việc, cha mẹ không nên kỳ vọng rằng, trẻ sẽ chia sẻ tất cả mọi món đồ với người xung quanh. Các cha mẹ cần đối mặt với sự thật là: Chia sẻ không hề dễ dàng, hoặc thậm chí là không cần thiết trong mọi tình huống. Những đứa trẻ có thực sự cần chia sẻ mọi thứ? Hay, trẻ có thể nói: “Không, con không muốn”? Thay vì khuyến khích con mình từ bỏ xích đu vì một người bạn, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ từ chối lịch sự như: “Tôi sẽ rất vui khi bạn chờ tôi hoàn thành lượt chơi”.

Trẻ mầm non có xu hướng tranh cãi với cha mẹ từ 3,5 đến 15 lần một giờ.

Trẻ mầm non có xu hướng tranh cãi với cha mẹ từ 3,5 đến 15 lần một giờ.

Bày tỏ nhu cầu cá nhân

Simone Marean - đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Girls Leadership, một tổ chức hướng dẫn trẻ em gái sử dụng sức mạnh tiếng nói của mình - cho biết, chúng ta cần giúp con mình truyền đạt mong muốn cá nhân tốt hơn. Là một người mẹ, khi thấy con mình có những bất đồng trong sân chơi, thật khó để không vào cuộc và khắc phục tình hình.

Tuy nhiên, bà Marean cho rằng: “Cách duy nhất để trẻ có được những kỹ năng này là cha mẹ lùi lại và để con luyện tập”. Nếu luyện tập đủ, đến khi có những lựa chọn lớn, trẻ sẽ tự tin để nói lên suy nghĩ của mình.

Tất cả những thực hành nói “không” này có thể khó khăn đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng, khi dạy trẻ từ chối lịch sự, có nghĩa là cha mẹ đang cung cấp cho con mình những kỹ năng cần thiết để chúng lên tiếng và đưa ra lựa chọn dựa trên những gì trẻ muốn. Dưới đây là những cách từ chối trẻ thường có xu hướng áp dụng:

Từ chối đơn giản

Nhiều trẻ em thành thạo kỹ năng này vào khoảng hai tuổi. Thậm chí, trẻ ở tuổi này có khả năng sử dụng kỹ năng từ chối rất hiệu quả. “Không!”; “Con không muốn!”. Đây là cách từ chối đơn giản và hiệu quả.

Nếu trẻ còn rất nhỏ, kiểu giao tiếp này có thể gây khó chịu. Tuy nhiên, đó là một cách thay thế rất tốt cho việc trẻ đánh người lớn hoặc la hét. Khi trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể vẫn sẽ tiếp tục nghe kiểu từ chối này. Song, đó có thể là điểm khởi đầu của một cuộc trò chuyện. Đó không phải là câu trả lời tốt nhất, nhưng chắc chắn không phải là tệ nhất.

Không tuân thủ thụ động

Đó là kiểu từ chối yên lặng nhất. Nếu cha mẹ chỉ nghe thấy chính mình nói: “Con có nghe thấy mẹ nói không? Mẹ đang nói chuyện với con”, thì khi đó, trẻ có thể đang sử dụng cách không tuân thủ thụ động.

Trẻ nhỏ thường sử dụng chiến thuật này để từ chối. Tuy nhiên, khi lớn hơn, trẻ nhận thấy rằng, việc phớt lờ thường không có tác dụng lâu. Do đó, cha mẹ có thể dạy trẻ cách quyết đoán hơn trong việc truyền đạt nhu cầu và mong muốn cá nhân, nếu muốn từ chối.

Thách thức trực tiếp

Không có gì khó hiểu về kiểu giao tiếp này. Đó là tiếng thét chói tai, thậm chí là hành vi khó được chấp nhận. Sự thách thức trực tiếp ở trẻ không chỉ đơn thuần là một lời từ chối. Cách từ chối này ở trẻ thường khiến việc thảo luận giữa cha mẹ và con trở nên khá khó khăn.

Khi lớn hơn, trẻ có xu hướng ít sử dụng cách từ chối này. Bởi, đây là cách từ chối không nhận được phản hồi tích cực từ người khác. Tuy nhiên, đối với những trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh cảm xúc và nhìn nhận quan điểm của người khác, kiểu từ chối quá nặng nề này có thể dẫn đến những tình huống bất lợi cho trẻ ở nhà và trường học.

Đàm phán

“Tại sao không?”, “Còn năm phút nữa thì sao?”. Một số trẻ em là chuyên gia đàm phán! Có thể một ngày nào đó, những trẻ này sẽ có sự nghiệp rực rỡ với tư cách là luật sư hoặc giám đốc. Nếu trẻ đang khiến phụ huynh đau đầu khi đàm phán, thì đây là tin tốt. Bởi, trẻ thực sự đang thực hành cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, tự điều chỉnh cảm xúc và quan điểm.

Các nhà nghiên cứu thậm chí còn gọi đây là một “hình thức không tuân thủ khéo léo”. Trước sự lựa chọn giữa đàm phán, nói “không”, một lời xúc phạm thách thức hoặc sự im lặng đột ngột, chắc hẳn, phương pháp đầu tiên sẽ mang lại lợi ích hơn cả.

Theo Simplemost; Ameliabehaviour

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.