Từ chối đem lại an toàn
Theo Tiến sĩ tâm lý Trần Thu Hương, để cảm xúc không muốn trở thành kỹ năng biết từ chối, cha mẹ cần giúp cho trẻ hiểu đó là nghệ thuật, khéo léo trong giao tiếp. Con cái cần được học cách từ chối mà khiến đối phương không cảm thấy khó chịu mà vẫn rất tôn trọng ý kiến của trẻ.
Đây không phải là việc dễ dàng, bởi người lớn đôi khi còn khó thực hiện được. Tuy nhiên, với trẻ, việc từ chối trong nhiều trường hợp đem lại sự an toàn cho con.
Tiến sĩ Trần Thu Hương cho hay, nhiều cha mẹ lo lắng rằng nếu cứ dạy con nói “không” sẽ thành thói quen mà trở thành đứa trẻ không biết nghe lời. Thế nhưng, lo lắng đó có thể không cần thiết. Bởi trẻ cần học được cách đương đầu và giải quyết tình huống quan trọng.
Trẻ cũng học được kỹ năng từ chối nhờ cách giao tiếp, tương tác với cha mẹ. Vì thế, khi đưa ra yêu cầu, người lớn cần cho con thời gian suy nghĩ về lời đề nghị đó. Mọi đề nghị cần phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng. Vì thế, thái độ của người đưa ra yêu cầu mang tính bắt buộc, mệnh lệnh mà không thuộc khả năng của trẻ thì cũng có quyền từ chối.
Theo Tiến sĩ Trần Thu Hương, người lớn phải cực kỳ nghiêm túc trò chuyện với con về cách từ chối trong nhiều trường hợp, nhất là với trẻ ở độ tuổi đang trưởng thành. Những tư vấn của cha mẹ sẽ giúp con nhận diện được hành vi, biết tôn trọng cảm xúc của chính bản thân nhưng đồng nghĩa với sự tôn trọng cảm xúc của người khác.
Khi nào trẻ cần từ chối và từ chối như thế nào là một vấn đề quan trọng thường gặp trong cuộc sống nhưng các bậc phụ huynh lại ít chú ý đến. Dạy con biết cách từ chối chính là cách mẹ bảo vệ con tránh khỏi việc bị dụ dỗ khi không có bố mẹ ở bên.
Cô giáo Nguyễn Thị Trường, (Trường THCS Bình Ba, Phú Thọ) chia sẻ, từ chối là một kỹ năng người lớn luôn luôn phải tập cho trẻ đồng thời với việc dạy chúng biết cảm ơn. Thậm chí, từ chối còn khó hơn rất nhiều so với cảm ơn vì ngay cả với nhiều người lớn thì từ chối cũng không hề đơn giản.
Giáo viên và cha mẹ học sinh phải lưu ý, giải thích cho trẻ những trường hợp cần từ chối. Bởi, trẻ có thể không tự biết những lúc nào phải từ chối. Do vậy cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu và giúp trẻ định nghĩa về những việc có thể và không thể. Từng bước, thông qua các tình huống khác nhau, trẻ sẽ dần dần học được cách nhận biết tình huống nào nên nhận lời tình huống nào nên từ chối.
Cần đặt ra nhiều tình huống
Cô Trường cho rằng, cha mẹ cần đặt ra nhiều tình huống khác nhau để giúp trẻ xử lý linh hoạt. Nó giống như một đợt tập dượt để trẻ tự tin trong cuộc sống. Trong đó, có những trường hợp cần lưu ý như người lạ nhờ giúp đỡ, được tặng món quà đắt tiền với lời đề nghị của người khác mà không rõ nguồn gốc hoặc chưa có sự đồng ý của cha mẹ. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần hiểu về thực trạng bắt cóc, dụ dỗ trẻ em của kẻ xấu,…
Với những tình huống cha mẹ không đi cùng, hãy cảnh báo con về những nguy hiểm có thể xảy ra khi chấp nhận yêu cầu của người lạ mà không được sự đồng ý của cha mẹ.
Một kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em khác mà cha mẹ không nên bỏ qua. Đó là dạy cho trẻ cách nhận biết những hành vi xâm hại tình dục. Đồng thời biết cách ứng phó trong những tình huống bất lợi. Cha mẹ nên trò chuyện và dạy trẻ cách xử lý như tuyệt đối không đồng ý ngồi cùng kẻ xấu để xem phim hay hình ảnh đồi trụy, dạy trẻ về ranh giới tiếp xúc cá nhân, không cho người xấu chạm vào vùng kín của mình, kể với cha mẹ về những sự việc mà mình phải trải qua...
Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà trẻ sẽ phải đối mặt với những tình huống khác nhau. Điều quan trọng nhất là cha mẹ nên cùng trẻ đóng vai và thực hành về những tình huống có thể xảy ra. Hãy bắt đầu bằng cách hỏi xem trẻ sẽ làm gì nếu bị yêu cầu làm một việc mà chúng không thích. Điều này sẽ giúp trẻ tiếp thu nhanh và ghi nhớ rất lâu.
Một khi con trẻ đã học được kỹ năng từ chối, sẽ cư xử khéo léo hơn và biết cách bảo vệ mình trong những trường hợp không có cha mẹ bên cạnh. Từ chối là bài học quan trọng mà các cặp cha mẹ không nên coi thường. Giáo dục nhân cách và đạo đức cho trẻ thông qua việc dạy trẻ cách từ chối sẽ giúp trẻ tự tin hơn, biết từ chối những yêu cầu của người lạ. Đây là một yếu tố đảm bảo sự an toàn cho trẻ khi không có cha mẹ hay người lớn đi kèm.
Ngoài ra, cha mẹ cũng dạy cho trẻ cách từ chối lịch sự nên đề cập đến lời “cảm ơn”. Vì thế, người lớn cần phải dạy trẻ biết ghi nhận lòng tốt của người đề nghị. Đây là việc rất đơn giản nhưng không phải ai cũng nhớ. Việc cảm ơn sẽ giúp người bị từ chối không cảm thấy phật ý. Muốn vậy, trẻ không nên nhận xét, chê bai về món quà và không tỏ thái độ phản cảm khi nhận quà.
Cô giáo Nguyễn Thị Trường gợi ý một số tình huống trẻ cần biết để đối phó với yêu cầu của người lạ mặt:
Nếu người lạ đòi mở cửa khi bé ở nhà một mình, thì bé tuyệt đối không nên mở. Bé phải chốt cửa thật chặt, rồi giả vờ gọi bố mẹ thật to trong nhà. Kẻ xấu tưởng bố mẹ ở nhà, sẽ sợ và bỏ đi ngay.
Nếu người lạ nói là người sửa chữa bếp gas, đường ống nước, đồ điện trong nhà hoặc là nhân viên thu tiền điện thoại... bé cũng không được mở cửa cho họ. Cần hẹn họ khi khác có bố mẹ ở nhà rồi đến sau.
Nếu người lạ bảo là đồng nghiệp, người làm cùng hay quen với bố mẹ, còn biết cả tên bé nữa, bé cũng phải cảnh giác, không mở cửa ngay. Bé hãy hỏi họ có việc gì cần, rồi ghi lại và bảo với bố mẹ sau.
Nếu người lạ ngồi lì trước cửa không chịu đi, bé hãy gọi điện cho bố mẹ hoặc hàng xóm, cũng có thể gọi điện thoại 113 báo cảnh sát.
Khi bố mẹ không có nhà, bé cũng bật tivi, bật đài lớn tiếng, để kẻ xấu tưởng trong nhà có người, chúng sẽ không dám quấy rối bé.