Thuốc trường sinh bất tử là khái niệm có thể được tìm thấy trong những ghi chép của Đạo giáo. Nổi tiếng nhất chính là truyền thuyết về Hằng Nga. Sách Hoài Nam Tử, phần Lãm minh huấn có lẽ là ghi chép đầu tiên và có hệ thống về câu chuyện của Hằng Nga.
Truyền thuyết Hằng Nga - là tài liệu để các nhà Giả kim thuật Trung Quốc cổ đại tin vào thuốc trường sinh.
Một ngày kia, 10 người con trai của Ngọc Hoàng biến thành 10 mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Thất bại trong việc ra lệnh cho các con mình ngừng phá hủy mặt đất, Ngọc Hoàng triệu Hậu Nghệ (chồng Hằng Nga) đến cứu giúp. Hậu Nghệ, bằng tài bắn cung của mình, đã bắn hạ chín con trai của Ngọc Hoàng, chỉ để lại một người duy nhất làm mặt trời.
Ngọc Hoàng rõ ràng không thể hài lòng với giải pháp của Hậu Nghệ trong việc cứu mặt đất và các sinh linh trên đó: chín con trai của ông đã chết. Như là một sự trừng phạt, Ngọc Hoàng đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới sống trong thần xác con người.
Cảm nhận sự đau khổ của Hằng Nga vì mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ.
Vào cuối cuộc hành trình, Hậu Nghệ gặp được Tây Vương Mẫu. Bà đồng ý cho Hậu Nghệ một viên thuốc, và dặn rằng mỗi người chỉ cần uống nửa viên để trở thành bất tử.
Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Trước mỗi lần ra khỏi nhà, chàng thường dặn Hằng Nga không được mở chiếc hộp. Nhưng Hằng Nga là một người tò mò, nàng mở chiếc hộp và nhìn thấy viên thuốc. Đúng lúc ấy nàng cảm nhận được tiếng bước chân chồng đang ở rất gần.
Sợ rằng Hậu Nghệ có thể nhìn thấy mình đang lục lọi chiếc hộp, Hằng Nga đã giấu viên thuốc trong miệng và vô tình, nàng nuốt chửng nó. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời do thuốc quá mạnh.
Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi hạ xuống Mặt Trăng. Đây được gọi là truyền thuyết Hằng Nga bôn nguyệt. Trên cung trăng, Hằng Nga kết bạn với một thỏ ngọc đang chế thuốc trường sinh.
Nấm Linh chi - một thành phần không thể thiếu trong "thuốc trường sinh".
Dựa trên các tài liệu tham khảo như vậy, các nhà giả kim Đạo của Trung Quốc cổ đại đã tìm cách tự sản xuất ra thứ thuốc tiên mà Tây Vương Mẫu đã trao cho Hậu Nghệ thuở nào.
"Công thức" cho các loại thuốc này liên tục thay đổi và mỗi người mỗi khác. Nhưng thường có 1 điểm chung: thành phần thuốc bao cả thực vật hữu cơ và các vật liệu vô cơ (kim loại và khoáng chất).
Một ví dụ về thực vật thường có trong thành phần thuốc là Linh chi, từng được gọi là "Nấm bất tử". Nấm này có ở rất nhiều nơi tại Đông Á và đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc trong hơn hai thiên niên kỷ. Một số văn bản cổ viết rằng sử dụng thường xuyên nấm Linh chi sẽ giúp trẻ mãi không già. Tất nhiên, khoa học hiện đại đã bác bỏ hoàn toàn tính khả thi của ghi chép này.
Đối với các chất vô cơ được sử dụng bởi các nhà giả kim Trung Quốc cổ đại trong việc sản xuất thuốc trường sinh, được biết đến nhiều nhất, chính là Thủy ngân. Khi Thủy ngân bị nóng chảy ở dạng lòng, nó có sự thu hút đặc biệt với các nhà giả kim.
Do đặc điểm độc đáo này của thủy ngân, kim loại này được cho là có ý nghĩa bất diệt - được xem là chìa khóa cho sự trường sinh.
Vì vậy, thủy ngân thường được sử dụng như là một thành phần trong thuốc trường sinh của Trung Quốc cổ đại. Ngoài thủy ngân, các kim loại và khoáng chất quý với các đặc tính vật lý độc đáo, như bích ngọc hay hồng ngọc, cũng được sử dụng để để luyện đan.
Và... thủy ngân - 1 chất cực độc - được các nhà giả kim Trung Quốc coi là chìa Khóa của sự bất tử
Thủy ngân, tất nhiên, cũng là một chất cực độc. Tác hại chính của Thủy ngân bao gồm giảm chức năng nhận thức, gây suy thận, suy nhược cơ thể và dẫn tới tử vong.
Tuy nhiên, bất chấp việc tiếp xúc với thủy ngân là bất lợi cho sức khỏe, thực tế đó không ngăn cản những đàn ông quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc tìm kiếm sự bất tử thông qua việc uống các tinh chất được chiết xuất từ thủy ngân.
Theo các ghi chép lịch sử, nhiều hoàng đế từ các triều đại khác nhau của Trung Quốc đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến việc dùng thuốc trường sinh. Như Đường Vũ Tông (triều đại nhà Tống), Hoàng đế Minh Thế Tông (nhà Minh) hay Ung Chính (triều đại nhà Thanh). Và tất nhiên, vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất – Tần Thủy Hoàng
Trong những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng bị ám ảnh với việc có được sự bất tử, ông viếng thăm đảo Chi Phù tới ba lần để hi vọng tìm được thuốc trường sinh.
Tần Thủy Hoàng từng phái một con tàu chở hàng trăm đồng nam và đồng nữ tìm kiếm núi Bồng Lai thần bí. Nhiều thủ hạ của ông cũng được gửi đi để tìm An Cơ Sinh, một người bất tử 1.000 tuổi mà Tần Thủy Hoàng đã gặp trong một chuyến vi hành.
Những người này không bao giờ trở lại, có lẽ bởi vì biết rằng nếu quay về mà không có thuốc trường sinh, họ chắc chắn sẽ bị xử tử hình
Tần Thủy Hoàng - hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa thống nhất - chết trong nỗi ám ảnh bất từ và vì sử dụng quá nhiều "thuốc trường sinh" được chế xuất từ thủy ngân.
Việc đốt sách, ở một góc độ khác, được hiểu là nỗ lực của Thủy Hoàng để tập trung tâm trí các học giả giỏi nhất của ông trong việc nghiên cứu giả kim thuật.
Một số học giả bị tử hình là những người không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng về khả năng siêu nhiên của họ. Điều này có thể coi là cách cuối cùng để Tần thủy Hoàng kiểm tra khả năng các học giả xuất chúng: nếu bất kỳ người trong số họ có sức mạnh siêu nhiên, họ chắc chắn sẽ cải tử hoàn sinh.
Tần Thủy Hoàng mất năm 210 TCN, ở tuổi 49, sau 11 năm ở ngôi Hoàng đế trong nỗi ám ảnh về sự bất tử. Sử liệu ghi lại rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Tần Thủy Hoàng là do ông sử dụng quá nhiều "thuốc trường sinh" được chế xuất từ thủy ngân.