Gary McKinnon
McKinnon tuyên bố chỉ muốn tìm kiếm các thông tin liên quan tới việc giải phóng năng lượng bị ức chế và các thông tin bị che đậy về UFO (vật thể bay không xác định), nhưng theo các nhà chức trách Mỹ, hacker này đã xóa sạch số lượng lớn các dữ liệu quan trọng từ hệ điều hành khiến 2.000 máy tính không thể hoạt động trong suốt 24 giờ.
Cùng với việc xóa đi các dữ liệu quan trọng từ hệ điều hành, McKinnon còn giỡn mặt quân đội Mỹ khi đăng lên màn hình của các máy tính này dòng chữ: “An ninh của các bạn thật vớ vẩn”.
Sau các cuộc tấn công ngày 11/9/2001, McKinnon đã xóa đi các dữ liệu lưu trữ vũ khí của Kho vũ khí Hải quân Earle khiến mạng lưới 300 máy tính tê liệt khiến cho việc điều khiển, cung cấp vũ khí cho Hạm đội Đại Tây Dương hoàn toàn bị ngưng trệ.
McKinnon cũng bị cáo buộc đã sao chép các mật khẩu, dữ liệu và tập tin tối mật vào máy tính của mình. Các hoạt động xâm nhập trái phép của McKinnon đã gây thiệt hại 700.000 USD.
Trong khi vẫn khăng khăng không thừa nhận những tội danh đã gây thiệt hại lớn, thì McKinnon lại công khai để lại trên màn hình máy tính những đoạn văn khá nhạy cảm: “Ngày nay, chính sách đối ngoại của Mỹ chẳng khác gì chính phủ này đang ủng hộ cho chủ nghĩa khủng bố… Tôi là SOLO, tôi sẽ tiếp tục phá hoại ở mức cao nhất…”.
Theo các nhà chức trách Mỹ, mặc dù McKinnon đã cố gắng tự bào chữa, nhưng những thiệt hại mà hacker này cố ý gây ra cho quân đội Mỹ là vô cùng nghiêm trọng.
Là người Scotland và hoạt động ở Anh nên McKinnon đã có cơ hội để trốn tránh khỏi chính phủ Mỹ trong một thời gian. McKinnon bị cảnh sát thẩm vấn lần đầu vào ngày 19/3/2002. Sau lần thẩm vấn này, máy tính của hacker này đã bị thu giữ.
Ngày 8/8 cùng năm, McKinnon lại tiếp tục được thẩm vấn, lần này cuộc thẩm vấn do Đơn vị quốc gia Tội phạm Công nghệ cao của Anh phụ trách.
Tháng 11/2002, McKinnon chính thức bị Tòa án Tối cao kết tội với 7 tội danh liên quan tới tội phạm máy tính, mỗi tội danh có thể bị án tù tới chục năm.
McKinnon đã kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền châu Âu, nhưng các kháng cáo này bị phủ quyết. Ngày 23/1/2009, McKinnon được Tòa án Tối cao Anh chấp thuận một phiên tòa xét xử để chống lại việc dẫn độ.
Ngày 31/7 cùng năm, nhóm tư vấn pháp lý của McKinnon gồm luật sư Karren Todner và luật sư Ben Cooper đã đề nghị xem xét lại sự từ chối các bằng chứng y tế của Bộ trưởng Nội vụ Anh.
Văn bản mà Bộ trưởng Nội vụ Anh phủ quyết có viết rằng trong khi tòa án có thể xét xử McKinnon một cách dễ dàng ở Anh thì việc dẫn độ tội phạm này về Mỹ là một hành động “không cần thiết, vô nhân đạo, gây căng thẳng hơn do việc buộc anh ta phải rời bỏ quê hương, gia đình cũng như phải tách khỏi mạng lưới y tế hỗ trợ”.
Hiện nay, hacker này vẫn chưa bị dẫn độ về Mỹ. Nếu việc dẫn độ thành công, McKinnon có thể phải chịu án tới 70 năm tù giam.