Hà Nội: Hàng trăm giáo viên hợp đồng tiếp tục kêu cứu

GD&TĐ - Ngày 4/6, hàng trăm giáo viên hợp đồng đang công tác tại một số huyện trên địa bàn thủ đô có mặt ở trụ sở Thành ủy và UBND TP Hà Nội gửi đơn cầu cứu đến lãnh đạo TP xem xét giải quyết các vấn đề liên quan đến việc họ bị chấm dứt hợp đồng.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng mong chờ phán quyết của lãnh đạo TP Hà Nội.
Hàng trăm giáo viên hợp đồng mong chờ phán quyết của lãnh đạo TP Hà Nội.

Dưới thời tiết oi nóng, hàng trăm giáo viên hợp đồng (GVHĐ) đến từ các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức và Thị xã Sơn Tây có mặt tại trụ sở tiếp công dân của UBND và Thành ủy Hà Nội để nộp đơn kiến nghị mong muốn TP xét tuyển đặc cách họ vào viên chức giáo dục trong kì thi tuyển giáo viên năm 2019 của TP Hà Nội.

Nhiều giáo viên tâm trạng buồn bã khi sắp bị chấm dứt hợp đồng
Nhiều giáo viên tâm trạng buồn bã khi sắp bị chấm dứt hợp đồng 

Trong đơn gửi đến lãnh đạo TP Hà Nội, những GVHĐ đang công tác tại các trường học trên địa bàn T.X Sơn Tây cho biết, trước đó, tháng 4/2019, những giáo viên này đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan từ địa phương đến trung ương về những nội dung sau: “Tiến hành thanh tra và đưa ra kết luận về chế độ pháp lý đối với 91 giáo viên được tuyển bổ sung, sử dụng không qua thi tuyển tại Sơn Tây. Đặc biệt, là các giáo viên được tuyển bổ sung, sử dụng trước khi Pháp lệnh cán bộ, công chức có hiệu lực cũng như Luật viên chức có hiệu lực”.

Công nhận những giáo viên được tuyển bổ sung, sử dụng không qua thi tuyển tại ngành giáo dục Sơn Tây trước khi Pháp lệnh cán bộ, công chức có hiệu lực là công chức và được chuyển đổi thành viên chức theo luật định. Áp dụng chế độ chuyển tiếp theo quy định đối với những người đã được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003. Vận dụng chế độ xét tuyển đối với những giáo viên đủ điều kiện theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.

Tuy nhiên, sau gần 2 tháng, UBND TP Hà Nội vẫn chưa trả lời những nội dung nêu trên mà giáo viên hợp đồng tại T.X Sơn Tây kiến nghị. Do vậy, ngày 4/6 họ tiếp tục nộp đơn kiến nghị mong muốn lãnh đạo TP có câu trả lời sớm nhất đối với họ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Viết Tiến – GVHĐ tại trường THCS Xuân Sơn, T.X Sơn Tây, bày tỏ: “Sau lần nộp đơn này, chúng tôi kì vọng TP sớm ra một quyết sách thấu tình đạt lý, một quyết định mang tính nhân văn. Đã gần 3 tháng kể từ khi TP ban hành kế hoạch thi tuyển viên chức giáo dục đến nay, TP vẫn chưa có kế hoạch và quyết định để cho GVHĐ yên tâm. Chúng tôi mong lãnh đạo TP hãy lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của những GVHĐ đó là xét tuyển đặc cách cho những GVHĐ có đủ tiêu chuẩn vào viên chức theo tinh thần Nghị định số 29/2012/NĐ-CP”.

Tương tự như những đồng nghiệp tại Sơn Tây, bà Vũ Thị Thơm – GVHĐ đang công tác tại huyện Sóc Sơn, thắc mắc: “Tại sao không giải quyết cho chúng tôi? Tại sao lại để những người công hiến có thật, thành tích là thật bị chấm dứt hợp đồng. Chúng tôi cần một câu trả lời bằng văn bản chỉ đạo cụ thể của TP về trường hợp 256 GVHĐ ở Sóc Sơn sẽ như thế nào”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.