Sức hút mạnh mẽ từ Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” có sức hút mạnh mẽ với các nhà báo. Nhiều tác phẩm chân thực, lay động lòng người.

Nhiều câu chuyện cảm động

"Đáng chú ý, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành. Nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc. Các tác giả có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện".

Ông Trần Thái Sơn.

Theo ông Trần Thái Sơn - Phó Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2022 – cho hay, năm nay, số đơn vị tham gia Giải rất đa dạng; trong đó có nhiều tác giả đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lượng tác phẩm đoạt giải của các địa phương cũng tăng nhiều so với những năm trước.

Ông Sơn chia sẻ, ở những lần tổ chức trước, tác phẩm tham dự giải đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành. Cùng với đó là những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc.

Năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm đã phản ánh chân thực, khách quan hơi thở cuộc sống. Nhiều bài có tính chất phản biện mạnh mẽ.

“Từ các mảng đề tài trong các tác phẩm tham dự Giải, bức tranh giáo dục được truyền tải và lan tỏa những giá trị tích cực đến với toàn xã hội” – ông Sơn nhấn mạnh.

Minh chứng cho nhận định của mình, ông Sơn viện dẫn hai nhân vật được lựa chọn để đề xuất Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải: Tấm gương học sinh Hoàng Thị Mũ trong tác phẩm “Không gục ngã” - VOV4 Đài Tiếng nói Việt Nam. Em là người dân tộc Mông ở Bảo Lâm (Cao Bằng).

Năm 2010, mất mẹ do lũ cuốn trôi, khi đó em mới 7 tuổi nhưng em đã thay mẹ nuôi 2 em còn “khát sữa”. Lên 10 tuổi cha mất, em lại phải làm “trụ cột” gia đình. Vậy mà em vẫn thực hiện được ước mơ đi học. Em còn là học sinh giỏi nhiều năm và được nhận học bổng của Học viện Quảng Tây, Trung Quốc. Hiện em đã lo cho 2 em trưởng thành, có công ăn việc làm. Em thực sự là tấm gương vượt khó vươn lên.

Hay như thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - Trường Tiểu học Kim Đồng (Trà My, Quảng Nam) trong tác phẩm Chuyện “Vỹ khùng” - Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam. Với 22 năm gắn bó với giáo dục miền núi Nam Trà My, thầy Vỹ đã đem con chữ cho trẻ em nơi đây.

Đặc biệt, thầy đã kết nối, vận động xây dựng được 60 điểm trường, nhà ở cho học sinh và giáo viên. Thầy còn kêu gọi 18.000 phần quà cho người dân vùng cao. Tổng số tiền thầy kêu gọi giúp người dân là hơn 100 tỷ đồng.

Ông Trần Thái Sơn, Phó Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu.
Ông Trần Thái Sơn, Phó Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu.

Tái hiện sinh động bức tranh toàn diện về ngành giáo dục

Khẳng định, các tác phẩm dự thi đã phản ứng những hoạt động, đổi mới của ngành giáo dục trong thời gian qua; ông Nguyễn Đức Lợi - Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải - cho biết: Có nhiều tác phẩm kể về gương người tốt việc tốt. Một số nhà báo đi sâu vào những vấn đề khó. Đây là trách nhiệm lớn của các nhà báo thể hiện qua từng tác phẩm. “Năm nay, Giải có nhiều tác phẩm chất lượng được Hội đồng đánh giá cao. Qua góc nhìn của nhà báo, bức tranh toàn diện của ngành giáo dục đã được tái hiện sinh động” – ông Lợi bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Đồng Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải – ghi nhận: Các tác phẩm đã thể hiện được những vấn đề mà ngành giáo dục đang đối mặt; trong đó có vấn đề đổi mới và đời sống của giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực về tự chủ đại học, học phí, chính sách giáo viên…

“Nhà báo đã lăn lộn cùng những hoạt động của ngành giáo dục. Từ đó, phát hiện ra những vấn đề để có tiếng nói phản biện, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm giúp ngành giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn” – ông Hùng nhấn mạnh.

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được tổ chức thường niên, thể hiện sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đối với các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước. Đây là giải thưởng có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Thành công của Giải cho thấy, vai trò của báo chí đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà và vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục, đào tạo với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Trần Thái Sơn nhận định, nhìn chung, chất lượng tác phẩm đồng đều, khoảng cách giữa báo chí trung ương và báo chí địa phương được thu hẹp. Nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên và có tính lan tỏa cao trong xã hội. Đặc biệt, năm nay, loại hình Phát thanh - Truyền hình có số lượng tác phẩm tăng nhiều hơn so với các năm trước, chất lượng cao hơn cả về nội dung và hình thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.