Những đứa trẻ "vô hình"

GD&TĐ - Các chuyên gia trên khắp châu Á đã cảnh báo do đại dịch Covid-19, giáo dục dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt đã tụt lùi so với giáo dục cho trẻ em phổ thông.

Trẻ mắc chứng ADHD khó tập trung khi học trực tuyến.
Trẻ mắc chứng ADHD khó tập trung khi học trực tuyến.

Khi đại dịch dần được kiểm soát, nhiều nước như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Singapore… đang tìm cách hỗ trợ nhóm đối tượng đặc biệt này.

Bóng đen bủa vây

Tính hiệu quả của phương pháp giáo dục trực tuyến đã nhiều lần được đem ra thảo luận. Một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất của phương pháp này là tác động đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Đơn cử, khó khăn lắm một đứa trẻ bình thường mới có thể tập trung khi học trực tuyến trong khi trẻ mắc chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) gần như không thể tập trung.

Các chuyên gia giáo dục tại châu Á – Thái Bình Dương cảnh báo sau dịch, học sinh có nhu cầu đặc biệt sẽ ngày càng tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứa và mất đi những kỹ năng xã hội vốn được dày công bồi đắp.

Tại Hồng Kông, nơi trường học tiếp tục phải đóng cửa vào tháng 2/2022 do làn sóng Covid-19 thứ 5, số lượng trẻ em sử dụng dịch vụ dành cho người có nhu cầu đặc biệt tăng mạnh.

Trước đại dịch, Hồng Kông có khoảng 57.000 học sinh có nhu cầu đặc biệt gồm khó khăn trong học tập, ADHD, rối loạn phổ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, khiếm thính… Con số này đang tăng lên do học trực tiếp liên tục bị gián đoạn.

Bà Bree Crokett, Giám đốc điều hành Trung tâm Dịch vụ dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt SPOT, Hồng Kông, nhận định học trực tuyến không phù hợp với những trẻ có nhu cầu đặc biệt cần giám sát cao.

Nhiều em cần giáo viên hỗ trợ để duy trì kết nối với bài giảng, lớp học nhưng học trực tuyến yêu cầu tự học nên các em không thể theo kịp. Để giải quyết vấn đề này, bà Crokett khẳng định trường học phải mở cửa trở lại.

Lỗ hổng do học trực tuyến gây ra đặc biệt lớn tại Philippines, nơi mọi vấn đề thường đan xen cùng nghèo đói và định kiến. Đầu tháng 2, một cậu bé 12 tuổi mắc chứng tự kỷ tại Philippines đã cố gắng tự tử 3 lần liên tục. Khi đến trường, em bị bạn bè cùng lớp bắt nạt nhưng khi học trực tuyến, em bị các thành viên trong gia đình mắng mỏ thậm tệ.

Bà Mona Veluz, Chủ tịch Hiệp hội Tự kỷ Philippines, cho biết, đại dịch đẩy những người có nhu cầu đặc biệt đến “vách đá” vì họ không có bạn bè, không được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ và không có khả năng làm giàu.

Bà Veluz cảnh báo nhiều trẻ có nhu cầu đặc biệt cũng đang nằm trong số này. Sau thời gian nghỉ học kéo dài, các em không còn duy trì được những kỹ năng học tập cần thiết. Thay vào đó, học sinh có nhu cầu đặc biệt trở thành những đứa trẻ vô hình, nằm trong góc khuất của hệ thống giáo dục mà đôi khi bị chế giễu công khai.

Bà Anita Prasad, Hiệu trưởng Trường dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt Step by Step, Ấn Độ, cho biết: Với trẻ có nhu cầu đặc biệt, tâm lý lo lắng và thất vọng đang rất phổ biến. Các em thu mình lại, ở lỳ trong phòng, không nói chuyện với bất kỳ ai và từ chối học trực tuyến. Các em cảm thấy cô đơn, nhớ bạn bè và gặp khủng hoảng nghiêm trọng.

Tại Malaysia, nhà tâm lý học trẻ em Katyana Azman, cho biết việc thay đổi liên tục mô hình học tập vốn đã gây khó khăn cho học sinh bình thường trong việc làm quen với môi trường. Nó càng trở nên khủng khiếp hơn với trẻ có nhu cầu đặc biệt, những em thường mất nhiều thời gian để thích nghi với môi trường mới.

Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Họ không có thời gian nạp lại năng lượng do liên tục phải để ý, hỗ trợ con học tập và sinh hoạt, từ đó, nếp sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn và dần chuyển sang bế tắc.

Phụ huynh trở thành giáo viên khi con học trực tuyến.
 Phụ huynh trở thành giáo viên khi con học trực tuyến.

Ánh sáng khi trường học mở cửa lại

Tác động của việc đóng cửa trường học với trẻ có nhu cầu đặc biệt cũng khác nhau tùy theo điều kiện cá nhân. Tuy nhiên, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ tự kỷ vì gặp khó khăn với kỹ năng xã hội, giao tiếp, mối quan hệ cá nhân hay việc điều chỉnh bản thân. Việc học qua màn hình máy tính cũng gây thất vọng lớn.

Hiểu rõ những thách thức, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đang nỗ lực ngăn cản tác động của đại dịch đối với giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt; đồng thời, bù đắp những gián đoạn khi các em trở lại trường.

Nhằm hỗ trợ phụ huynh trong nuôi dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt, tại Singapore, TS Lim Hong Huay, nhà dịch tễ học kiêm bác sĩ nhi khoa đã thành lập nhóm chăm sóc CaringSG. Dự án gồm các bác sĩ, nhà trị liệu, nhà tâm lý học tình nguyện hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt trong giai đoạn Covid-19.

Tại các quốc gia khác, những người có chuyên môn đang nỗ lực kêu gọi phụ huynh tham gia vào quá trình giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt. Xuất phát từ việc hỗ trợ các em học trực tuyến, phụ huynh dần nắm quyền kiểm soát, quản lý việc học tập của con. Nhờ đó, phụ huynh hiểu rõ hơn về điểm mạnh, yếu của con và cải thiện mối quan hệ gia đình.

Ngoài ra, các chuyên gia giáo dục cũng nhận thấy Internet đã giúp nhiều học sinh có nhu cầu đặc biệt tiếp cận bài học dễ dàng hơn như video bài giảng dành cho người khiếm thính, tệp âm thanh dành cho người khiếm thị. Một số trẻ có nhu cầu đặc biệt cũng cảm thấy học trực tuyến hiệu quả hơn do không thích tương tác cùng bạn bè và xã hội.

Marcus Antonio J. Palomares, 23 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Diliman, Philippines là một ví dụ. Mắc chứng tự kỷ, Marcus cảm thấy học trực tuyến thoải mái hơn vì có thể tự do hoạt động trong phòng, không phải ngồi yên một chỗ như ở trên lớp.

“Tôi dễ bị phân tâm, ghét những nơi ồn ào. Trong lớp, các bạn nói và cười đùa rất nhiều nên tôi thích học trực tuyến hơn vì có thể tập trung vào bài học”, Marcus bày tỏ.

Trường học đang dần mở cửa lại. Phụ huynh cùng giáo viên đang tích cực phối hợp nhằm đưa trẻ có nhu cầu đặc biệt trở lại trường, làm quen gần như lại từ đầu với thầy cô, bạn bè và môi trường. Song sự trở lại này đang mang theo niềm tin khi phụ huynh và nhà trường đã tìm thấy tiếng nói chung.

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực không nhiều. Các chuyên gia giáo dục tiếp tục cảnh báo rằng đại dịch đã nới rộng thách thức đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt và khiến các em tụt lại phía sau.

“Đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt, tác động về mặt giáo dục, xã hội và tình cảm trong hai năm qua còn nghiêm trọng hơn nhiều nếu so với bạn bè đồng trang lứa. Những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt cùng với những nhiệm vụ trong tương lai là rất lớn”, bà Anita Prasad bày tỏ.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.