Những đứa trẻ có thiện cảm

GD&TĐ - Những đứa trẻ biết quan tâm, chia sẻ luôn mang lại sự ấm áp và thiện cảm đối với mọi người.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT.
Ảnh minh họa. Nguồn: IT.

Việc thiện chẳng ở đâu xa mà ở ngay những việc làm rất nhỏ quanh mình, ảnh hưởng và thấm nhuần từ chính cái nôi yêu thương của gia đình từ khi còn nhỏ.

Giúp trẻ có một tâm hồn đẹp

Cha mẹ là người thầy đầu tiên, tấm gương về phong cách, đạo đức và lối sống cho con cái noi theo. Một đứa trẻ sống trong gia đình có ông bà, cha mẹ thể hiện sự quan tâm, sẻ chia với các thành viên trong nhà và xóm giềng sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến ứng xử và tính cách khi trưởng thành.

Là một nhà giáo thường xuyên đầu tàu và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, bà Hứa Thu Huyền (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên, Hà Nội), cho rằng: “Trong giáo dục trẻ nói chung, dạy chúng làm điều thiện là một trong những việc vô cùng quan trọng, giúp trẻ có tâm hồn đẹp, có tinh thần sẻ chia với những hoàn cảnh xung quanh mình. Việc làm này cần bắt đầu càng sớm càng tốt trong cái nôi gia đình.

Khi trẻ được sống trong suối nguồn yêu thương, được ảnh hưởng tích cực từ những thành viên trong gia đình, khi trưởng thành chắc chắn sẽ nhiều cơ hội trở thành người tử tế, hướng thiện và ấm áp”.

Trong gia đình, ông, bà, bố mẹ, anh chị em ruột... là những người gần gũi và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Gia đình nền nếp, sống lương thiện thì trẻ được quan tâm, chăm sóc và giáo dục tốt hơn, vì thế việc dạy trẻ làm việc thiện ngay từ nhỏ là rất quan trọng.

Trẻ em sinh ra, trước tiên được bố mẹ yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ sau mới được đến trường đi học, được thầy cô giáo dạy dỗ. Vì thế gia đình chính là nơi đầu tiên vun đắp cho trẻ những nhận thức về tình yêu thương.

“Trẻ học từ bố mẹ và người thân trong gia đình trước khi được học từ thầy cô và nhà trường. Không chỉ nuôi con khỏe, chăm sóc cho con đầy đủ về những nhu cầu vật chất, bố mẹ cần phải giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ từ tình yêu và những hành vi chuẩn mực của chính mình, dạy trẻ về lòng nhân ái, về những việc tốt nên làm, việc xấu nên tránh, biết sống hướng thiện.

Việc nuôi dưỡng sự thiện tâm cho trẻ em là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc giúp trẻ mở rộng tầm nhìn, từ thiện còn mang lại cho trẻ em một sự thúc đẩy mạnh mẽ để nhân rộng lòng nhân ái, để trẻ nhận ra rằng có thể giúp đỡ được cho ai đó kém may mắn hơn mình là một việc nên làm, là niềm vui và hạnh phúc”, bà Hứa Thu Huyền nhấn mạnh.

Thiện tâm chính là bí quyết quan trọng để con người có cuộc sống hạnh phúc và mở lối đến thành công. Mang đến điều tốt đẹp cho người khác cũng chính là cách tạo niềm vui cho chính bản thân mình, như câu nói “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT.
Ảnh minh họa. Nguồn: IT.

Việc thiện chẳng cao xa

Giúp con biết cảm thông và chia sẻ là một trong những bài học đầu đời quan trọng mà các bậc cha mẹ cần dạy cho con mình. Bên cạnh việc có những biện pháp giúp con cái tránh xa các hành động bất thiện, bổn phận của cha mẹ còn bao gồm cả việc dẫn dắt con cái hướng đến những việc làm tốt đẹp ngay từ những hành động nhỏ nhất.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, tác giả cuốn sách “Mặt trái của yêu thương”: “Những việc làm thiện với trẻ em không phải là những điều gì đó cao siêu, hay quá khó khăn. Đơn giản những việc làm thiện chỉ là những việc tốt hàng ngày, ngay tại gia đình, hàng xóm. Đó là sự chia sẻ, nhường nhịn, quan tâm...

Bố mẹ có thể dạy con biết nhường đồ chơi cho em bé (dù món đồ chơi đó con rất thích). Hay khi em bé bị ngã, con biết đỡ em dậy, dỗ dành em nín khóc. Có thể chỉ là những việc nhỏ như con biết giúp mẹ nhặt rau, rửa bát, quét nhà. Khi đi xe buýt con biết nhường chỗ ngồi cho cụ già, em nhỏ. Khi con gặp một người tàn tật, ăn xin con biết thương cảm và sẵn sàng chia sẻ một phần quà nhỏ của mình cho họ. Khi ông, bà, bố mẹ bị ốm con biết hỏi thăm, động viên.

Và nhất thiết cha mẹ nên dạy con biết trắc ẩn trước những thảm họa, những hoàn cảnh khó khăn mà con được biết hoặc được chứng kiến...”.

Để làm được những điều tưởng đơn giản trên, cha mẹ cần dạy con biết quan sát xung quanh. Chính sự quan tâm dần dần sẽ hình thành nên sự nhạy cảm cần thiết để con dễ dàng nhận ra những khó khăn mà người khác đang gặp phải để con có thể đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ người khác... Bởi sự đồng cảm luôn cần thiết đối với mỗi người, để có thể sống nhân ái và hoà thuận với nhau.

Sự tử tế và lòng trắc ẩn không phải là món trang sức bề ngoài mà nó toát lên từ trong khí chất tiềm ẩn bên trong mỗi người. Bí quyết để trở thành người tử tế và có tấm lòng lương thiện đó chính là thường xuyên thực hành những việc làm tử tế.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, một đứa trẻ giàu lòng nhân ái và có thói quen bày tỏ lòng biết ơn với người khác sẽ có xu hướng trở nên nhiệt tình, rộng lượng, giàu lòng trắc ẩn và dễ tha thứ, cũng như hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn.

Giúp con trở thành người thiện lương, tử tế là một quá trình thường xuyên và bền bỉ nhưng cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Cha mẹ hãy dạy con giúp người một cách vô tư mà không trông mong báo đáp. Hãy coi việc thiện là một thứ trang sức quý giá có được qua tích luỹ những việc làm tử tế, mang lại hạnh phúc cho người khác cũng là tích luỹ niềm vui cho chính mình.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” nhưng “của cho không bằng cách cho”. Làm thiện nguyện cần xuất phát từ cái tâm, từ lòng nhân hậu. Đừng nghĩ cho không người khác cái gì để họ mang ơn mình, không biết cách cho thì nhiều khi vừa mất tiền vừa mang họa.

Việc cho nhiều hay ít, giá trị lớn hay nhỏ không mấy quan trọng. Điều cần thiết là hãy cho đi bằng cả tấm lòng, nghĩa cử trân trọng và cung kính để người được nhận cảm thấy ấm áp, hạnh phúc, không bị tổn thương. Làm được như vậy, việc thiện sẽ tiếp tục được nhân lên và lan toả, cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ