Những đứa trẻ chơi vơi dưới chân núi Ngọc Linh

GD&TĐ - Ở một nơi xa xôi, dưới chân núi Ngọc Linh, có 1 gia đình đang chới với trong bi kịch. Kể từ khi người cha vào tù, những đứa con cứ thế theo nhau nghỉ học chỉ vì nhà thiếu gạo.

Từ ngày chồng đi tù bà Y Phia trở thành trụ cột chính của gia đình.
Từ ngày chồng đi tù bà Y Phia trở thành trụ cột chính của gia đình.

Mỏi cái chân, đói cái bụng

Ngày cuối năm, làng Ngọc Leang (xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) mờ ảo trong làng sương sớm. Mặc dù, trời đã quá trưa nhưng cái buốt, giá lạnh ở nơi đây khiến người dân tê tái. Những người lớn tuổi tất bật với công việc đồng áng, còn lũ trẻ với 3 – 4 lớp áo cũ nhàu túm tụm chơi ngoài hiên.

Dẫn chúng tôi vào làng để vận động em Y Họ Phương Sai (lớp 5B, Trường Tiểu học xã Đắk Hà) ra lớp, cô Vũ Thị Hiếu Thương tâm sự, em Phương Sai học tốt, nhưng lâu nay “quên” đến lớp. Do đó, hầu như tuần nào giáo viên cũng đến nhà để đưa em ra trường học con chữ.

Cô Thương cho hay, cách đây mấy năm, bố Phương Sai phải chấp hành án tù. Từ đó, một mình mẹ cô bé gồng gánh nuôi 8 người con nhỏ. Nhà đông người, nhiều hôm Phương Sai phải ở nhà trông em để mẹ đi làm trang trải cuộc sống.

Dưới căn nhà ván tuềnh toàng, gió rít qua từng khe hở, Y Họ Phương Sai đang nhặt lại mớ rau dại vừa mới hái về từ ngoài ruộng. Thấy cô giáo đến, Phương Sai ngượng ngùng, cuối mặt nhìn xuống mớ rau.

Khi cô giáo chủ nhiệm hỏi sao hôm nay không lên lớp, cô bé lí nhí trả lời: “Em xin lỗi cô ạ. Nay mẹ em đi làm, không có ai trông em út nên em đành nghỉ học ở nhà. Tranh thủ lúc em ngủ, em ra hái ít rau dại để chiều nấu bát canh ăn cho ấm”.

Cô bé vừa dứt lời, cậu em kế Phương Sai là A Mang Cước (học sinh lớp 3, điểm trường Ngọc Leang - Trường Tiểu học xã Đắk Hà) với bộ quần áo lấm lem bùn đất cùng đôi mắt sưng húp do bị ong đốt trở về. Cũng đã mấy ngày qua, A Mang Cước “quên” đến lớp.

Trên tay cậu bé 8 tuổi là một túi nilon, bên trong gồm cá, tép, cua “tí hon”. Đây là thức ăn chính cho buổi chiều của gia đình 9 người.

“A Mang Cước giỏi lắm cô ạ. Đồ ăn trong nhà như cá, cua, chuột đồng… đều do em ấy bắt cả. Nhà không có gì ăn nên em đi lội ruộng để kiếm. Nhà xa, mỏi cái chân, đói cái bụng nên em quên đến lớp”, Y Họ Phương Sai nói như giãi bày hộ em trai.

Thương cậu học trò đang tuổi ăn, tuổi học đã phải lo cho gia đình, giáo viên chủ nhiệm A Mang Cước đưa em đi tắm rửa, thay quần áo rồi chở đến lớp.

Lúc này, bà Y Phia (mẹ Y Họ Phương Sai) cũng đã trở về sau một buổi quần quật với đồng ruộng. Thấy cô giáo đến nhà, bà Y Phia rửa vội đôi tay lấm lem bùn đất rồi mời mọi người vào nhà ngồi cho ấm. Nhưng trong căn nhà nhỏ cũng chẳng khá hơn tiết trời bên ngoài là bao. Nói là nhà, nhưng xung quanh chi chít kẽ hở. Gió từng cơn cứ thế lùa vào khe ván, nóc nhà vào trong.

Mời khách ngồi trên chiếc giường được ghép lại bằng mấy tấm ván cũ là một tá quần áo của gia đình 9 người. Những chiếc áo ấm đã rách tả tơi được chất thành đống. Người con trai út của bà Y Phia là A Tờ Rang chỉ mới 3 tuổi, không chịu nổi cái lạnh nên vội vàng mặc 3 – 4 lớp áo. Những chiếc áo được khoác lên người cậu bé, chẳng có nổi một cái lành lặn.

Mớ rau dại em Y Họ Phương Sai hái được ngoài ruộng trở thành món chính cho bữa cơm chiều.
Mớ rau dại em Y Họ Phương Sai hái được ngoài ruộng trở thành món chính cho bữa cơm chiều.

Nếu nó không giết con thì…

Nhìn những đứa con nheo nhóc cạnh mình, bà Y Phia trầm ngâm, đưa tay lau khóe mắt. Bà Y Phia trông già hơn so với cái tuổi 41 của mình. Đôi mắt chi chít nếp nhăn, gương mặt đen sạm vì nắng gió.

Ôm đứa con út vào lòng, bà A Phia kể, năm 16 tuổi bà bén duyên cùng chồng là A Hồ (45 tuổi). Sau đó một năm bà hạ sinh người con đầu lòng, cứ cách 2 năm bà lại sinh một đứa. Đến nay, bà có tổng cộng 10 người con cả trai, lẫn gái. Nhà đông con, 2 vợ chồng bà làm quần quật nhưng ngày đói nhiều hơn no. Anh A Hồ từ một người chăm chỉ, hiền lành tìm đến rượu. Những cơn say ngày một nhiều hơn.

Đến một ngày cuối tháng 8/2017, trong men say anh A Hồ đã dùng súng tự chế bắn vào người con trai đầu khi bị can ngăn uống rượu. Một phát đạn khiến chàng trai trẻ ngã gục, tử vong sau đó. A Hồ sau đó bị đưa ra xét xử và tuyên phạt 15 năm tù giam khi chị Y Phia chỉ mới hạ sinh người con út được vài tháng.

Kể từ ngày bi kịch đó, chị Y Phia trở thành trụ cột chính trong gia đình. Con nhỏ, những hôm lên nương Y Phia địu con theo trên lưng. Tần tảo sớm hôm, nhưng mỗi vụ nhà Y Phia chỉ thu được 6 bao gạo. Đến vụ giáp hạt cả nhà lại vay mượn gạo hàng xóm hoặc ăn cháo lót dạ qua ngày. Những người con của Y Phia chưa ai học hết lớp 9 đã đi làm phụ mẹ lo cho các em.

Thương mẹ vất vả, các em lại đông, người con thứ hai của Y Phia là Y Cát lấy chồng từ năm 16 tuổi. Sau 3 năm, đến nay Y Cát đã có 2 mụn con.

“Em cũng thích đi học lắm chứ. Nhưng nhà nghèo, nhà đông người nên em không được đến lớp nữa. Em thấy mẹ vất vả lo cho cả nhà nên gặp được người hợp ý em cưới luôn để đỡ miệng ăn. Em cũng có thể đi làm, lo cho gia đình của mình rồi phụ mẹ được đâu hay đó”, Y Cát lắng giọng nói.

Nhìn đàn con nheo nhóc của mình, bà Y Phia lắc đầu, giọng oán trách: “Nếu nó không giết con thì cuộc sống giờ đã khác. Các con mình có khi đã được đến trường đầy đủ. Oán trách, giận hờn nó đến suốt cuộc đời thì cuộc sống cũng không thể thay đổi được. Giờ đây, mình chỉ mong có sức khỏe, lao động để các con được học cái chữ”, bà Y Phia nói trong nước mắt.

Ông Dương Thái Khoa, Chủ tịch UBND xã Đắk Hà cho biết, gia đình chị Y Phia thuộc diện đặc biệt khó khăn tại địa phương. Do đó, địa phương đặc biệt quan tâm, động viên và hỗ trợ để gia đình ổn định cuộc sống. Vì hoàn cảnh khó khăn nên những người con của bà Y Phia cũng không được ăn học đến nơi đến chốn.

Theo ông Khoa, sau vụ việc A Hồ sử dụng súng tự chế bắn chết con trai, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.