Những dự báo về giáo dục thế giới trong tương lai

GD&TĐ - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa trình bày báo cáo về 4 kịch bản phát triển của hệ thống giáo dục thế giới trong 20 năm tới.

Học sinh châu Âu thời đại dịch Covid-19.
Học sinh châu Âu thời đại dịch Covid-19.

Ủy ban châu Âu cũng thông qua Kế hoạch Hành động giáo dục kỹ thuật số 2021 - 2027. Đây là hai văn bản quan trọng về sự phát triển của nhà trường phổ thông trên thế giới trong giai đoạn tới.

4 kịch bản phát triển

Nhà trường được củng cố - Giáo dục chính quy mở rộng. Kết quả học tập được ghi nhận trong các chứng chỉ và văn bằng. Ngày càng có nhiều người tham gia các khóa đào tạo lại để có thêm kỹ năng và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Các công cụ đánh giá và chương trình dạy học được tiêu chuẩn hóa, nhưng người học có thể lựa chọn nội dung giáo dục của mình. Hoạt động tổ chức dạy học ngày càng phát triển nhờ sự xuất hiện của hàng loạt đổi mới như: Thời khóa biểu linh hoạt, phương pháp dạy học hỗn hợp.

Công việc của người thầy cũng thay đổi: Có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng và các ngành chuyên môn hẹp hơn, nhưng việc kiểm soát các chương trình được thực hiện bởi phần mềm và các nhân viên hành chính. Vấn đề chủ yếu vẫn là nhu cầu tình cảm của học sinh và động cơ học tập của các em.

Nhà trường - Giáo viên không còn là trung tâm giáo dục. Điều kiện chính của kịch bản này là sự tham gia tích cực của các công dân trong xã hội vào việc dạy học. Công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò hết sức quan trọng. Giáo dục phổ thông có thể được thay thế bởi các sáng kiến của ​​tư nhân và xã hội đang cạnh tranh trên thị trường dịch vụ giáo dục. Nhờ có thời gian biểu làm việc mềm dẻo, các bậc phụ huynh có cơ hội tham gia tích cực hơn vào việc giáo dục con cái.

Các hình thức dạy học chủ yếu là trực tuyến tại nhà, dạy thêm và dạy theo nhóm nhỏ. Bố mẹ của học sinh tiểu học ngày càng ưa chuộng các dịch vụ giáo dục công hoặc tự tổ chức thành các nhóm lớp học. Nhưng về sau, khi học sinh lớn hơn, các nền tảng dạy học trực tuyến chuyên môn hóa và các dịch vụ tư vấn chiếm vị trí hàng đầu. Các bậc phụ huynh chọn chuyên gia tư vấn tùy thuộc vào kết quả dạy học và khả năng đáp ứng nhu cầu người học của họ.

Trong tương lai, điều kiện học tập sẵn có ở mọi nơi mọi lúc.
Trong tương lai, điều kiện học tập sẵn có ở mọi nơi mọi lúc.

Trong lĩnh vực giáo dục, giáo viên không còn là nhân vật trung tâm. Xã hội đang xuất hiện những nhà giáo dục độc lập, chuyên gia tư vấn về các vấn đề nghề nghiệp, chuyên gia phân tích thị trường kỹ năng nghề nghiệp, chuyên gia giáo dục trên các nền tảng trực tuyến tư nhân...

Các hình thức dạy học truyền thống (ví dụ, tổ chức lớp học theo độ tuổi) đang dần dần biến mất. Điều này cho phép học sinh học theo nhịp độ củamình và kết hợp học chính quy với các hình thức hoạt động khác.

Nhà trường thay đổi theo hướng dạy học thực nghiệm. Nhà trường phổ thông vẫn tồn tại, nhưng thay đổi đáng kể theo hướng phát triển các phương pháp dạy học thực nghiệm và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với xã hội. Hệ thống nhà trường được phân cấp để đạt mục tiêu. Nếu nhà trường liên kết chặt chẽ với xã hội và các tổ chức địa phương, thì nó là một hệ thống mạnh.

Các tiêu chí đánh giá nhà trường cũng có sự thay đổi rõ rệt. Việc dạy học trở nên linh hoạt, mềm dẻo, phạm vi các nguồn dạy học được mở rộng, giáo dục chính quy và không chính quy trên thực tế không còn sự khác biệt. Giáo viên giỏi không những là người có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực của mình mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với các nhóm xã hội khác nhau.

Đó là lý do tại sao nhà trường mở rộng cánh cửa đối với đội ngũ giáo viên, chuyên gia trong các lĩnh vực khác, các nhà hoạt động xã hội và các bậc phụ huynh. Các trường phổ thông sử dụng nguồn lực của các bảo tàng, thư viện, các tổ chức khoa học và công nghệ. Mối quan hệ đối tác bền vững ngày càng được củng cố.

Quá trình dạy học không đơn thuần được tiến hành trong các trường, lớp học. Mục tiêu dạy học phụ thuộc vào nhu cầu thiết thực của học sinh.

Dạy học diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Nhà trường với tư cách là một thiết chế không còn tồn tại, việc dạy học diễn ra ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào do sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường và các công nghệ kỹ thuật số khác. Điều này trở thành hiện thực nhờ sự tiếp cận thoải mái và miễn phí các nguồn tài nguyên giáo dục.

Công nghệ kỹ thuật số cũng tham gia vào việc đánh giá và chứng nhận kiến ​​thức và kỹ năng người học. Không còn rào cản ngôn ngữ đối với việc hợp tác và tiếp cận chương trình dạy học. Nghề giáo viên dần biến mất, vì dạy và học là một quá trình không thể tách rời, còn điều kiện học tập luôn sẵn sàng mọi nơi, mọi lúc. Ai cũng có thể trở thành nhà sản xuất và tiêu thụ các dịch vụ giáo dục. Một số bài giảng và tiết học do con người thực hiện, một số khác do máy móc.

Nâng cao trình độ kỹ thuật số

Song song với báo cáo của OECD, Ủy ban châu Âu cũng thông qua Kế hoạch Hành động giáo dục kỹ thuật số 2021 - 2027. Mục tiêu của nó là “khởi động lại” nền giáo dục cho phù hợp với những thách thức mới của thời đại kỹ thuật số. Văn bản này thể hiện tầm nhìn của Ủy ban châu Âu về một nền giáo dục kỹ thuật số chất lượng, hòa nhập và vừa sức đối với các nước châu Âu.

Đến cuối năm 2021, Ủy ban sẽ đưa ra các khuyến nghị về dạy học trực tuyến và từ xa cho các trường tiểu học và THCS. Đây là văn bản chung cho tất cả các quốc gia thành viên EU, một tài liệu hướng dẫn về áp dụng dạy học từ xa, dạy học trực tuyến và hỗn hợp một cách hiệu quả và toàn diện. Ủy ban châu Âu cũng đang lập kế hoạch xây dựng một nền tảng trực tuyến chung để trao đổi các chương trình và khóa học trực tuyến chất lượng.

Kế hoạch Hành động giáo dục kỹ thuật số 2021 - 2027 được xây dựng để điều chỉnh kịp thời thực trạng xuống cấp của nền giáo dục châu Âu. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2019, nhiều hộ gia đình không sử dụng máy vi tính và 1/5 thanh niên châu Âu không đạt trình độ cơ sở về kỹ thuật số.

Năm 2018, một khảo sát của OECD cho thấy chưa đầy 40% giáo viên châu Âu sẵn sàng sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong công việc của mình. Các cuộc thăm dò năm 2020 cho thấy trước Covid-19, có 60% số người được hỏi sử dụng các công cụ dạy học trực tuyến và 95% cho rằng đại dịchbiến công nghệ trở thành một phần không thể thiếu của giáo dục.

Theo Zen.yandex.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.