Những dự án của NASA từng bị coi là “ném tiền qua cửa sổ“

Không phải dự án khoa học vũ trụ nào của NASA cũng được coi là "đáng đồng tiền, bát gạo.

Những dự án của NASA từng bị coi là “ném tiền qua cửa sổ“

Bên cạnh những chương trình khoa học "ăn nên làm ra" thì NASA cũng không ít lần "vã mồ hôi hột" vì bị giới khoa học lên án là lãng phí nhân lực và tài chính cho những dự án "ném tiền qua cửa sổ", mặc dù về sau một trong số đó vẫn tạo được dấu ấn trong công cuộc nghiên cứu và khai phá vũ trụ. Ví dụ như kính thiên văn Hubble chẳng hạn.

Vệ tinh theo dõi khí thải CO2 (OCO)

Những dự án của NASA từng bị coi là “ném tiền qua cửa sổ“ ảnh 1

Vệ tinh Orbiting Carbon Observatory (OCO) trị giá 270 triệu USD, được dự định đưa lên quỹ đạo từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California (Mỹ). 

Nó sẽ giúp các nhà khoa học xác định những địa điểm giải phóng CO2 cả tự nhiên và nhân tạo để lập bản đồ về mật độ phân bố khí thải này trên hành tinh và nghiên cứu sự biến động của chúng theo thời gian.

OCO sẽ bay trên quỹ đạo cách mặt đất 705 km và mất 16 ngày để "quét" toàn bộ các khu vực trên địa cầu. Trên mỗi vòng OCO sẽ tiến hành 30.000 phân tích khác nhau. 

Trong khi đó NASA nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của OCO chỉ mang tính thử nghiệm. Vệ tinh trang bị một thiết bị đo quang phổ để phân tích ánh sáng phản chiếu từ bề mặt trái đất. 

Bằng cách tách ánh sáng trắng thành các màu, OCO có thể “nhìn thấy” phần quang phổ được hấp thụ bởi các phân tử CO2. Thông qua việc xác định lượng oxy có trong bầu khí quyển, vệ tinh có thể đưa ra dữ liệu chính xác về mật độ CO2 ở từng khu vực.

NASA phóng vệ tinh theo dõi khí thải CO2 này nhằm vẽ bản đồ về mật độ lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và nghiên cứu quá trình biến đổi của bản đồ này. 

OCO là vệ tinh thu thập dữ liệu về khí thải gây hiệu ứng nhà kính đầu tiên được NASA phóng vào không gian. Tháng 1/2009, Nhật Bản đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phóng vệ tinh này.

Vệ tinh OCO đã được tên lửa đẩy Taurus XL phóng lên quỹ đạo song thất bại ngay sau khi phóng vào ngày 24/2/2009. Cụ thể, tên lửa mang vệ tinh phóng đi đã không phân tách được. 

Thất bại xảy ra chỉ vài phút sau khi phóng tên lửa. Các chuyên gia của dự án phóng vệ tinh theo dõi khí thải CO2 của NASA đã tìm hiểu nguyên nhân thất bại của vụ phóng này. 

Mặc dù bị chỉ trích rất nhiều nhưng năm 2014, NASA vẫn tiếp tục phóng thêm một vệ tinh tương tự mang tên OCO-2 và rất may là cơ quan này đã không gặp phải thảm họa trước đó.

Máy bay không người lái Helios

Những dự án của NASA từng bị coi là “ném tiền qua cửa sổ“ ảnh 2

Helios là một chiếc máy bay không người lái, sử dụng năng lượng mặt trời và được điều khiển từ xa. Nó đã lập kỷ lục sau khi bay ở độ cao 29.000 mét hồi tháng 8/2001. 

Trong lần bay kiểm tra vào tháng 9/2002, Helios đã được sử dụng thử một loại năng lượng mới để chuẩn bị cho một chuyến bay dài theo kế hoạch trong tháng 7 năm đó.

Lúc đó, một đoàn đã được NASA cử đi điều tra bao gồm các quan chức của AeroVironment, một công ty ở California, chịu trách nhiệm sản xuất chiếc Helios theo đơn đặt hàng của NASA. 

“Chiếc Helios đang bay ở độ cao 1.800 mét, phía tây biển Kauai, thì nổ tung” - Phát ngôn viên Trung tâm nghiên cứu bay Dryden của NASA ở California cho biết.

Tai nạn xảy ra đúng vào thời điểm đang có cuộc tranh cãi về tính an toàn của máy bay không người lái. Vào năm 2001, tờ New Scientist đã thông báo rằng một số lượng không nhỏ các công ty thám hiểm vũ trụ và cơ quan không gian, trong đó có NASA và AeroVironment, đang thôi thúc dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng các máy bay không người lái vào mục đích thương mại lúc đó. Tuy nhiên, những người ủng hộ chiến dịch bay an toàn kịch liệt phản đối việc này.

Chiếc Helios, trông giống một bộ cánh cong khổng lồ hơn là một chiếc máy bay thông thường, hoạt động với 14 động cơ. Nó được thiết kế để bay trong thời gian dài, tự nạp năng lượng bằng những bộ pin mặt trời lớn trải trên hai cánh với chiều dài tổng cộng 130m. 

Người ta đã hy vọng rằng loại máy bay này có thể duy trì độ cao trong thời gian không giới hạn, thu năng lượng mặt trời vào ban ngày và tích trữ nguồn năng lượng đó để sử dụng vào ban đêm. 

Nếu thành công, đây sẽ là một biện pháp thay thế có chi phí thấp hơn đối với các giải pháp viễn thông hiện tại, như các vệ tinh quan sát trái đất.

Kính viễn vọng không gian Hubble

Những dự án của NASA từng bị coi là “ném tiền qua cửa sổ“ ảnh 3

Được phóng lên vào ngày 24/04/1990, ban đầu Hubble bị xem là một thất bại. Thấu kính chính của cỗ máy quang học này bị lệch đi khiến nó trở nên "cận thị" khiến NASA mất mặt trước giới truyền thông. 

Ba năm sau, cơ quan hàng không vũ trụ này cố gắng khắc phục lỗi lầm bằng cách thực hiện một chuỗi các nhiệm vụ sửa chữa đầy tham vọng ở ngoài không gian. 

Tại thời điểm đó, đây là một trong những nhiệm vụ phức tạp nhất mà NASA từng phải đối mặt, chỉ sau các nhiệm vụ đưa người lên Mặt Trăng, vì tính rủi ro thất bại rất cao. 

May thay, NASA đã thành công. Đến 1994, Hubble hết bị "cận" và đã bắt đầu "sự nghiệp" của mình. Kể từ đó, Hubble trở thành tượng đài sống để khám phá và tìm hiểu vũ trụ của loài người.

Chưa hết, năm 2005, kính thiên văn Hubble còn bị cắt trợ cấp từ ngân sách tài chính năm 2006 của NASA, trong khi nó rất cần các con quay hồi chuyển mới để duy trì ổn định trong quỹ đạo, cũng như cần các máy phát điện. 

Thậm chí việc này còn dẫn đến một hệ quả khác là vào tháng 6/2006, Viện Khoa học Kính thiên văn vũ trụ (STSI) thuộc NASA đã xác định camera chính của kính viễn vọng Hubble đã ngừng hoạt động trong thời gian hơn 1 tuần. 

Đây là loại camera thế hệ thứ ba được lắp đặt năm 2002, là thiết bị hiện đại và quan trọng nhất của Hubble. Mãi đến năm 2007, NASA mới có thể hoàn tất công việc thay thế các camera này.

Sau vài năm gắng gượng, chắc chắn rồi cũng có ngày Hubble chính thức lùi vào dĩ vãng. Trong thời gian này, các bức xạ từ Mặt Trời chính là kẻ thù lớn nhất khiến cho tuổi thọ của nó giảm dần theo thời gian. 

NASA luôn muốn mang Hubble trở về để lưu giữ trong viện bảo tàng nhưng với kích thước của nó, các tên lửa hiện tại không thể mang nó an toàn về Trái Đất. 

Tuy nhiên, giải pháp ở đây là dùng tên lửa để hướng Hubble thẳng xuống đại dương hoặc cứ để cho nó trôi nổi trong không gian thêm nhiều thế kỷ nữa. 

Đó vẫn là dự tính và NASA sẽ tiếp tục cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng. Trong trường hợp xấu nhất, có thể Hubble bị để cho trọng lực đưa về và nghiền nát khi gặp bầu khí quyển vào năm 2037.

Tàu vũ trụ bơm phồng Genesis

Những dự án của NASA từng bị coi là “ném tiền qua cửa sổ“ ảnh 4

Năm 2001, tàu vũ trụ bơm phồng Genesis I - được xem là nền tảng của mô hình khách sạn không gian trong tương lai - đã được phóng lên thành công từ miền Nam nước Nga. 

Được tên lửa Dnepr (cải tiến từ tên lửa đạn đạo liên lục địa thời Chiến tranh Lạnh) phóng lên, tàu Genesis I dự kiến sẽ đạt đến quỹ đạo cách Trái đất khoảng 550 km, với độ nghiêng 64 độ về phía xích đạo.

Genesis được NASA giao cho nhiệm vụ "cực kỳ quan trọng" là bay vào vũ trụ để thu thập thông tin về hệ mặt trời nguyên thủy. Con tàu này đã bay trong vũ trụ được hơn 2 năm, trong thời gian đó, nó đã thu thập được một lượng nhỏ hyđrô, heli, oxy và các nguyên tử khác khi chúng bay với một vận tốc lớn ra khỏi Mặt trời. 

Do các lớp vỏ bên ngoài của Mặt trời, được cho là vẫn không thay đổi trong 4,5 tỷ năm, nên việc phân tích các nguyên tố này sẽ cho các nhà khoa học biết được đôi điều về việc Hệ Mặt trời đã hình thành như thế nào.

Tuy nhiên, thiết kế của Genesis lại quá mỏng manh để có thể lành lặn trở về sau nhiệm vụ. NASA đã đưa ra một giải pháp là “tóm” vệ tinh này ngay giữa không trung bằng cách gắn một chiếc dù. 

Thế nhưng, mọi nỗ lực đã thất bại, vệ tinh này đã hạ cánh chẳng mấy nhẹ nhàng xuống sa mạc Utah. Sau cú va chạm, các nhà khoa học chỉ tìm được một vài bộ phận của Genesis. Chi phí cho toàn bộ sứ mệnh Genesis là 259 triệu USD.

Hệ thống vệ tinh hồng ngoại (SBIRS)

Những dự án của NASA từng bị coi là “ném tiền qua cửa sổ“ ảnh 5

Hệ thống SBIRS kiểm soát không gian được Lực lượng Không quân Hoa Kỳ kỳ vọng sẽ hỗ trợ họ trong việc hiệu chỉnh các vụ phóng tên lửa đạn đạo. 

Gồm rất nhiều vệ tinh quỹ đạo thấp và cao, SBIRS dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2009, bất chấp việc chi phí dự án vượt quá con số 10 tỷ USD. Thế nhưng, khi bắt đầu triển khai hệ thống thì vệ tinh đầu tiên của SBIRS đã “gãy cánh” chỉ sau 7 giây khi vừa lên tới quỹ đạo.

SBIRS hiện nay bao gồm hai vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo địa tĩnh Trái Đất (GEO), do Lockheed Martin phát triển, hoạt động ở độ cao 35.400 km. 

Vệ tinh đầu tiên là GEO-1 được phóng từ Cape Canaveral tháng 5.2011. Mới đây, Lockheed Martin vừa công bố rằng hãng này đã giành được một hợp đồng trị giá 1,86 tỷ USD để hoàn thành nốt vệ tinh GEO thứ 5 và thứ 6 trong hệ thống SBIRS.

Tàu thăm dò vùng cực Sao Hỏa - Mars Polar Lander (MPL)

Những dự án của NASA từng bị coi là “ném tiền qua cửa sổ“ ảnh 6

MPL là một phần trong nghiên cứu mở rộng năm 1998 về hành tinh đỏ, cụ thể là về khí hậu vùng cực của hành tinh này. Chương trình bao gồm một máy dò đất gắn trên một tàu bộ hành có trang bị hệ thống viễn thông mạnh. 

Thế nhưng, sau khi tiếp đất, NASA đã không nắm được thông tin nào về MPL. Lúc đó, nhóm điều khiển chuyến bay đã không bao giờ liên lạc được với nó sau thời điểm hạ cánh. 

Các nhà điều tra tai nạn xác định rằng động cơ của con tàu đã ngừng hoạt động quá sớm, khiến cho nó đâm xuống bề mặt hành tinh. 

Hiện cơ quan này hy vọng, khi những phi hành gia đầu tiên của họ đặt chân lên sao Hỏa sẽ tìm được MPL và "mai táng" nó một cách trang trọng nhất. Vậy đấy, chương trình trị giá 110 triệu USD của NASA "bốc hơi" chỉ trong nháy mắt.

Tàu thăm dò lòng đất Sao Hỏa - Deep Space 2

Những dự án của NASA từng bị coi là “ném tiền qua cửa sổ“ ảnh 7

Nếu tàu vũ trụ Deep Space 1 là một thành tựu đáng tự hào trong chương trình New Millenium của NASA, với mục đích chính là thử nghiệm các công nghệ mới sẽ được triển khai trong các nhiệm vụ tương lai, thì người anh em của nó - Deep Space 2 - lại là một nỗi xấu hổ của cơ quan này. 

Cũng được gửi tới sao Hỏa trên cùng một tàu vũ trụ như MPL, Deep Space 2 là máy đào đất được thiết kế để chui sâu vào lớp vỏ sao Hỏa và thu thập các dữ liệu về nguồn nước và phân tích thành phần hóa học. 

Nhưng cũng giống với MPL, số phận của Deep Space 2 còn là một bí ẩn. Theo NASA, nguyên nhân thất bại là do cơ quan này đã chế tạo hai vệ tinh theo tiêu chí "nhanh, tốt, rẻ". 

Theo một thống kê không chính thức, vào những năm 1990, số lượng vệ tinh giá rẻ của NASA tỷ lệ nghịch với khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Deep Space 2 được NASA thừa nhận là một thất bại vào ngày 13/3/2000.

Theo genk.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ