Những điều giáo viên chủ nhiệm nên biết và nên làm

GD&TĐ - "Giáo viên chủ nhiệm là cán bộ quản lý lớp cho nên người dạy giỏi và người chủ nhiệm giỏi không nhất thiết là một. Đôi khi có cả sự đồng thuận và sự có lệch pha".

Làm giáo viên chủ nhiệm cũng cần phải có tố chất. Ảnh minh họa/internet
Làm giáo viên chủ nhiệm cũng cần phải có tố chất. Ảnh minh họa/internet

Đó là chia sẻ của cô Phan Thị Ngọc Bích (Trường Tiểu học Lê Văn Tám - Kon Tum).

Tố chất quan trọng của giáo viên chủ nhiệm

Nếu giáo viên chủ nhiệm quá nóng thì rất dễ nảy sinh vi phạm hoặc nếu quá vô cảm sẽ khiến học sinh mất niềm tin vào thầy, cô của mình. Vì vậy theo tôi, phong cách chủ nhiệm có thể khác nhau nhưng nguyên tắc và hiệu quả sẽ là một.

Cô Bích cho biết: Giáo viên chủ nhiệm lớp là người chịu trách nhiệm thực hiện mọi quyết định quản lý của hiệu trưởng đối với lớp mình phụ trách.

Do đó, giáo viên chủ nhiệm phải biết phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong và chính quyền, đoàn thể của địa phương để làm tốt công tác dạy – học – giáo dục học sinh trong lớp.

"Tố chất quan trọng của giáo viên chủ nhiệm là tố chất của một con người hành động. Cũng như hiệu trưởng, chủ nhiệm lớp phải nghiêm túc và cần một bộ óc kế hoạch hóa.

Đặc biệt rất cần ở giáo viên chủ nhiệm có các phẩm chất như: nhiệt tình, sâu sát, cần cù, trí nhớ tốt, quan sát tinh, tâm lý giỏi, có khả năng xây dựng đội ngũ cán bộ học sinh. Phải vừa là thầy, vừa là bạn của học trò" - cô Bích trao đổi.

Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối của học sinh

Giáo viên chủ nhiệm phải là người tập hợp ý kiến, nguyện vọng của từng học sinh phản ánh với hiệu trưởng, với các tổ chức trong nhà trường và với các giáo viên bộ môn.

Theo kinh nghiệm của cô Bích, giáo viên chủ nhiệm phải là cầu nối giữa hiệu trưởng, Ban giám hiệu, giữa các tổ chức trong trường, giữa các giáo viên bộ môn với tập thể học sinh trong lớp.

Nói một cách khác, giáo viên chủ nhiệm là người đại diện hai phía, một mặt đại diện cho các lực lượng giác dục của nhà trường, mặt khác đại diện cho tập thể học sinh.

Do đó, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm truyền đạt tới học sinh trong lớp tất cả yêu cầu, kế hoạch giáo dục của nhà trường tới tập thể và từng học sinh không phải bằng mệnh lệnh mà bằng sự thuyết phục, cảm hóa, bằng sự gương mẫu của mình, để mục tiêu giáo dục được học sinh chấp nhận một cách tự giác, tự nguyện.

"Với kinh nghiệm sư phạm và uy tín của mình, tôi đã biến những chủ trương, kế hoạch giáo dục của nhà trường thành chương trình hành động của tập thể lớp và của mỗi học sinh" - cô Bích chia sẻ.

Và là bạn của học sinh

 Giáo viên chủ nhiệm với tư cách là đại diện cho lớp còn có trách nhiệm bảo vệ, bênh vực quyền lợi mọi mặt học sinh của lớp.

Có ý kiến cho rằng: Để làm tốt điều trên thì đội ngũ tự quản của học sinh có thể làm được không cần đến giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên theo cô Bích, ý kiến đó có phần đúng, nhưng chưa đủ.

Phải thấy được quan hệ, vị trí của giáo viên chủ nhiệm là người thường xuyên tiếp nhận được thông tin từ học sinh để đảm bảo tính khách quan, tính trung thực của dư luận, ý kiến của một tập thể học sinh.

Khi tiếp nhận thông tin, người giáo viên chủ nhiệm lớp xử lý kịp thời ngay thông tin với tư cách là nhà sư phạm, điều đó có tác dụng rất lớn.

Chẳng hạn như: Những oan ức, sự hiểu lầm của thầy, cô giáo vì một lẽ nào đó. Ai là người giúp các em giải tỏa những băn khoăn, vướng mắc trong những quan hệ như vậy, không ai tốt hơn là giáo viên chủ nhiệm. 

Thực tế cho thấy, giáo viên chủ nhiệm là hướng dẫn tổ chức hoạt động tự quản của tập thể học sinh, bởi vì: học sinh tiểu học là lứa tuổi hồn nhiên, hành động theo cảm tính. Xuất phát từ những đặc điểm về tâm lý lứa tuổi, việc định hướng giáo dục đối với học sinh tiểu học là rất cần thiết.

Vì vậy, cô Bích cho rằng, giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm điều chỉnh, định hướng, điều khiển quá trình tự giáo dục của từng học sinh và tập thể học sinh, phát huy vai trò chủ thể tích cực của học sinh trong giáo dục.

Ví dụ: Góp ý kiến một chương trình hoạt động của lớp, hay của một học sinh thì đã diễn ra quá trình vừa điều chỉnh vừa điểu khiển.

"Bên cạnh đó, vai trò tư vấn đối với học sinh phải quán triệt được toàn diện nội dung giáo dục, kế hoạch hoạt động của cá nhân và tập thể lớp chủ nhiệm bao gồm từ việc học tập, rèn luyện đạo đức, sinh hoạt tập thể, diễn ra trong nhà trường và ngoài xã hội.

Giáo viên chủ nhiệm cần tư vấn trong quan hệ ứng xử xã hội, gia đình, cộng đồng và trong tình bạn cho học sinh" - cô Bích trao đổi.

Vai trò và tầm quan trọng của giáo viên chủ nhiệm

Giáo viên chủ nhiệm lớp, trước hết phải quản lý toàn diện lớp học, quản lý học sinh lớp học và cần nắm vững:

- Hoàn cảnh và những thay đổi, những tác động của gia đình đến học sinh của lớp chủ nhiệm

- Hiểu biết những đặc điểm của từng em học sinh (về sức khỏe, sinh lý, trình độ nhận thức, năng lực hoạt động, năng khiếu, sở thích, nguyện vọng, quan hệ xã hội, bạn bè).

- Nắm vững mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục cấp học, lớp học và khả năng thực hiện, kết quả của lớp phụ trách so với mục tiêu giáo dục về mọi mặt (học tập, rèn luyện đạo đức và các hoạt động khác).

- Quản lý toàn diện đặc điểm học sinh của lớp, nắm vững mục tiêu đào tạo, giáo dục cả về mặt nhân cách và kết quả học tập của học sinh, đồng thời nắm vững hoàn cảnh của từng em để kết hợp giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ