Những điều chưa biết về Charles Dickens

GD&TĐ - Charles Dickens là nhà văn nổi tiếng, tác giả tinh hoa thời Victoria, có những đóng góp to lớn cho nền văn học Anh.

Charles Dickens cùng vợ Catherine (ảnh trên), người tình Ellen Ternan và bút tích của ông.
Charles Dickens cùng vợ Catherine (ảnh trên), người tình Ellen Ternan và bút tích của ông.

Những câu chuyện sử thi, những nhân vật sống động và cách miêu tả đầy đủ về cuộc sống đương đại khiến độc giả say mê tác phẩm của ông. Cuộc đời tình ái và sự nghiệp của ông cũng hấp dẫn không kém. 

Làm việc từ khi còn bé

Dickens sinh ngày 7/2/1812 tại miền Nam nước Anh, là thứ hai trong gia đình có 8 người con. Ông có một thời thơ ấu yên bình, thường cùng anh chị em rong chơi nơi thôn dã, thích khám phá những lâu đài bỏ hoang.

Tuy nhiên, do kinh tế không ổn định, thường lâm vào cảnh thiếu thốn nên năm 1822, cha mẹ ông đưa các con đến sống ở London tại một khu dân cư nghèo.

Hai năm sau đó, người cha vào tù vì lâm vào nợ nần không khả năng chi trả, khiến cậu bé 12 tuổi Charles phải bỏ học và đi làm ở nhà máy để phụ giúp gia đình. Sau đó, cha mẹ ông may mắn nhận được một khoản thừa kế đủ để trả hết nợ và Charles giã từ công việc chân tay, trở lại trường học.

Người cha hy vọng con mình sẽ trở thành một luật sư, vì vậy khi còn niên thiếu, Charles Dickens đã dành một năm đi làm thư ký ở một văn phòng luật tại London và học tốc ký. Sau khi thạo việc, ông rời văn phòng và tham gia lĩnh vực báo chí, bước đầu đưa tin về những diễn biến tại Nghị viện cho tờ Morning Chronicle.

Cũng trong thời gian này, ông xuất bản truyện ngắn đầu tiên dưới bút danh “Boz”, một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “The Vicar Of Wakefield”, xuất bản năm 1766. (Dickens say mê tác phẩm này của Oliver Goldsmith và ông đã đề cập đến nó trong tác phẩm “A Tale of Two Cities” của mình). Độc giả rất thích những câu chuyện của Boz nên vào năm 1839, Dickens tập hợp các tác phẩm của ông vào một tuyển tập, mang tên là “Sketches By Boz” và bán rất chạy. 

Lập dị hay mê tín?

Vào thời của mình, Charles Dickens được đánh giá một cách lịch sự là người “lập dị”, nhưng ngày nay, giới y học nghi ngờ ông mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ông có thói quen luôn chạm vào đồ vật ba lần, tin rằng sẽ xui xẻo nếu chỉ chạm vào một, hai lần trước khi dùng, và mỗi ngày chải tóc ít nhất 100 lần mỗi ngày. Ông luôn ngủ với đầu hướng về phía Bắc và cảnh giác với những con dơi vì tin rằng chúng mang lại điềm xấu.

Dickens rất quan tâm đến thế giới vô hình. Ngoài việc tham dự các buổi cầu hồn và thăm viếng các nhà tâm linh, ông còn tham gia Câu lạc bộ linh hồn, chỉ dành cho những người được mời, có cả William Butler Yeats (nhà thơ, nhà soạn kịch người Ireland đoạt giải Nobel Văn học năm 1923) và Sir Arthur Conan Doyle (nhà văn người Scotland nổi tiếng với tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes).

Họ cùng nhau tìm hiểu về hiện tượng ma ám, mà sau này họ cho là trò lừa bịp. Không giống như những điều kỳ quặc khác của Dickens, hoạt động về tâm linh của ông không bị coi là bất thường trong cơn sốt về thuyết duy linh ở Anh thời đó.

Dù tin vào vận rủi nhưng ông có nuôi một con quạ làm vật cưng và đặt tên là Grip. Ông đã đưa nó vào tiểu thuyết “Barnaby Rudge” xuất bản năm 1841 của mình. Đáng buồn là không lâu trước khi quyển sách ra đời, Grip chết do ăn phải một số vụn sơn chì.

Dickens buồn bã không nguôi, thay thế nó bằng nhiều con quạ khác, tất cả đều được đặt tên là Grip. Dickens có một ám ảnh về thú cưng, ông yêu quý con mèo Bob của mình đến mức khi nó chết vào năm 1862, ông đã cắt một trong những bàn chân nó và chế tạo thành tay cầm của dụng cụ mở thư. Hiện bàn chân mèo vẫn đang được trưng bày tại Thư viện Công cộng New York. 

Charles Dickens (ảnh chụp năm 1858).
Charles Dickens (ảnh chụp năm 1858).

Hoạt động xã hội

Charles Dickens là một trong những tiểu thuyết gia đầu tiên của nước Anh thời Victoria sử dụng tác phẩm của mình như một phương tiện để thay đổi xã hội. Những câu chuyện ngụ ngôn của ông về sự bất bình đẳng và lạm dụng quyền lực xã hội đã góp phần vào việc cải cách xã hội ở Anh.

Ngoài ra, ông còn hợp tác với một nữ triệu phú tên là Angela Coutts để mở một ngôi nhà cho những “phụ nữ sa ngã”, cưu mang những bà mẹ đơn thân, phụ nữ vô gia cư.

Dickens đảm nhận vai trò điều hành cơ sở, xử lý công việc, lưu trữ hồ sơ, thuê nhân viên và sàng lọc phụ nữ trước khi họ được nhận vào nhà. Sau đó, những phụ nữ này thường được gửi đến các thuộc địa của Anh ở Canada, Australia, hoặc Nam Phi để họ thay đổi cuộc sống.

Đời sống cá nhân

Dickens kết hôn với Catherine Thomson Hogarth vào ngày 3/4/1836, nhưng bà không được coi là tình yêu của đời ông. Niềm vinh dự đó thuộc về em gái của bà, Mary, người chuyển đến sống với hai vợ chồng ông khi mới 17 tuổi, cùng với em trai của Dickens, Frederick.

Kế hoạch cho Frederick và Mary yêu nhau không thành công, Dickens đã dành tình cảm cho người em vợ của mình. Không may, cô lâm bệnh nặng và qua đời trong vòng tay ông vào năm 1837. Không rõ Mary có đáp lại tình cảm của ông hay không, nhưng Dickens đau buồn vì cái chết của cô đến mức ông đã ngừng viết trong một thời gian, chuyển gia đình ra khỏi ngôi nhà mà cô đã chết.

Hai mươi năm sau, lúc đã 45 tuổi, ông thuê một nữ diễn viên 18 tuổi tên là Ellen Ternan thử vai cho một vở kịch mà ông đồng sáng tác và nhanh chóng phải lòng cô gái xinh đẹp này. Thấy rằng việc ly hôn sẽ để lại nhiều tai tiếng nên Catherine lẳng lặng ra đi, chỉ dắt theo một đứa con, 9 đứa còn lại để cho Dickens nuôi. Ông phải nhờ người em gái khác của Catherine, Georgina, đến để chăm sóc chúng.

Mặc dù Dickens và Ternan không kết hôn nhưng họ sống bên nhau cho đến khi ông qua đời. Tuy nhiên, Dickens vẫn không quên Mary yêu dấu của mình. Trước khi từ giã cõi đời vào ngày 9/6/1870, ông mong muốn được chôn cất bên cạnh người em vợ đã chết từ lâu của mình.

Nhưng vì một lý do nào đó, di nguyện của ông đã không được thực hiện. Thay vào đó, ông được chôn cất ở Góc Nhà thờ tại Tu viện Westminster.

Theo Historydaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ