(GD&TĐ) - "Cảm ơn chị đã gửi đường link bài viết cho em. Nhưng em lại muốn trưng bày bài viết này trong phòng truyền thống của nhà trường để học sinh các lớp sau có thể đọc và noi gương. Trong hè, trường em cắt báo mất rồi - Nếu bài viết được đăng báo giấy thì chị gửi cho em xin một tờ có được không ạ?" - một cô giáo ở một huyện miền núi của Quảng Ngãi qua điện thoại đã ngỏ lời với tôi như vậy sau khi đọc bài viết về một học sinh nhiễm chất độc da cam thi đậu vào hai trường đại học. Lời bộc bạch của cô cũng làm tôi nhớ lại câu chuyện về thư viện trường học trong một chuyến công tác gần đây.
Những thư viện phục vụ cho "sở thích cao quý"
Ông Nguyễn Viết Nguyên, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Nam đã đặt tên cho thói quen đọc sách báo của các thầy cô giáo là "sở thích cao quý". Khi còn là thầy giáo dạy Trường THPT Trần Cao Vân, Tam Kỳ, thầy Nguyên không có một ngày nào không tới thư viện để đọc báo. Tìm được bài nào hay, thiết thực, thầy chép vào sổ tay, sau đó, phổ biến cho cả trường.
Khi về hưu, thầy Nguyên thuê một địa điểm ở trung tâm thị xã mở quầy sách báo với biển tên "Anh Thư", chủ yếu là phục vụ cho các thầy cô giáo. Nhiều GV sau giờ dạy hay ngày nghỉ, ngày lễ lại ghé ngang qua tiệm Anh Thư để đọc sách báo thư giãn, tìm tư liệu. Ai có tiền thì mua báo, ai không có thì thầy bảo cứ đem về mà đọc. Có GV nhớ thì tới tháng lĩnh lương trả tiền báo cho thầy, còn không lại cười trừ và được thầy Nguyên an ủi rằng "không sao"! Mỗi khi người vợ than vãn về việc "ông bán buôn hết cả vốn", thì thầy Nguyên bảo: "bù lại tôi có cả gia tài thư viện đấy thôi!".
Ở Tam Kỳ còn có anh Trần Hồng, luôn được gọi bằng cái tên quen thuộc là "Hồng thư viện" vì có thâm niên tới 26 năm làm công tác thư viện cũng như chỉ đạo thư viện trường học của thành phố. Anh Hồng ở trường nào là trường ấy phong trào đọc sách báo có nề nếp, có khí thế ngay. Ngày còn làm cán bộ thư viện ở Trường THCS Lý Tự Trọng, anh Hồng có cách sắp xếp các loại báo rất ấn tượng; thầy cô giáo nào bước vào phòng là bắt gặp ngay các loại báo cần tìm. Tờ báo được anh ưa thích nhất là Giáo dục & Thời đại. Có bài viết nào liên quan tới phương pháp giảng dạy, hay chế độ chính sách nhà giáo là anh giới thiệu ngay trên tấm bảng đặt giữa phòng Hội đồng để các thầy cô giáo tìm đọc.
Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1998, một lần tới thư viện nhà trường, thấy anh ghi lên bảng thông báo cho GV đọc truyện ngắn có tên Cây sáo trúc trên Giáo dục & Thời đại thì rất ngạc nhiên! Vì lâu nay, chính tôi cũng rất ít quan tâm tới văn chương, thi phú. Đọc xong, thầm biết ơn người cán bộ thư viện có tâm hồn tinh tế, vì câu chuyện đã đánh thức trong tôi những kỷ niệm đẹp đẽ về mái trường, nhắc nhở mỗi người thầy dù gặp hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu cũng phải ý thức về vị trí của mình.
Ngành GD&ĐT Tam Kỳ (Quảng Nam) có 23 đơn vị trường thì có tới 8 thư viện xuất sắc, 11 thư viện tiên tiến, 4 thư viện đạt chuẩn. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho công tác chỉ đạo đầy kinh nghiệm và nhiệt tâm của cán bộ thư viện.
Lại có những CBQL, GV chỉ vì đam mê đọc báo mà trở thành những cộng tác viên "ruột" của báo ngành. Cô giáo Thiên Thu, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Sơn Viên huyện Nông Sơn không ít lần bày tỏ với chúng tôi niềm yêu thích các chuyên mục "Góc nhìn sự kiện" và "Chuyện Làng giáo" trên báo Giáo dục & Thời đại. Cô tâm sự: Một bài báo chỉ ra cái chưa hay, chưa tốt có tác dụng hơn cả nhiều buổi họp kiểm điểm, phê bình ở bên dưới. Thế là em bắt đầu tập viết báo. Từ chỗ "tập" đến bây giờ Thiên Thu đã trở thành người viết có nghề. Tương tự, trường hợp của các cô giáo Trần Thị Hồng Hải (Trường THPT Đakrông, Quảng Trị), cô giáo Thái Lê (Trường THPT Hòa Vang, TP Đà Nẵng), thầy giáo lên Văn Huân (Hiệu trưởng Trường THCS Tam Mỹ, Núi Thành), thầy Đặng Văn Trai (Trường THPT Đào Duy Từ, Quảng Bình) không chỉ là các GV, tổ trưởng chuyên môn tài năng, các cô còn là những cây viết có sức thu hút đối với đông đảo bạn đọc.
Nhiều thư viện trường học chỉ thấy học sinh tới đọc báo mà không có giáo viên |
Văn hóa đọc bắt đầu từ đâu?
Cô Đỗ Thị Lệ Hằng, tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Sư phạm năm 1982; và từ đó tới nay, cô là cán bộ thư viện của Trường THPT chuyên Quốc học Huế. Bằng niềm đam mê nghề nghiệp, cô luôn tìm ra cách thức tốt nhất để giáo viên và học sinh vào thư viện đọc sách báo một cách hiệu quả: Trưng bày báo trên kệ sao cho thứ tự, dễ thấy. Dùng phần mềm tra cứu, lấy mã sách giao cho GV để tìm kiếm sách một cách nhanh nhất, khoa học hóa khâu cho mượn và trả sách. Ngoài 13.000 đầu sách, 46.000 bản sách tham khảo, hiện thư viện Trường THPT chuyên Quốc học Huế có tới 30 loại báo, tạp chí, dẫn đầu tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hẳn bất cứ ai tới Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế) cũng có ấn tượng tốt đẹp về đội ngũ lãnh đạo của nhà trường say mê chuyên môn, nghiệp vụ, yêu nghề, mến trẻ. Chính các tố chất này đã tạo cho nhà trường một không khí rất chuyên môn qua hoạt động của thư viện trường học. Bàn để GV đọc sách báo, kệ sắp xếp báo, tạp chí, tủ sách măng non...tất cả đều vừa ngăn nắp, vừa tiện lợi. Cô Nguyễn Ngọc Minh Trang, Hiệu trưởng nhà trường, từng đạt danh hiệu GV giỏi cấp quốc gia nhiều năm đã cho biết sáng kiến để khắc phục tình trạng bất tiện, tốn kém thời gian cho GV, HS : Ngoài 2 phòng thư viện chính, nhà trường còn trang bị thêm phòng thư viện mini, có tính tiện lợi gần những phòng học ở cách xa thư viện.
Văn hóa đọc trong nhà trường còn thể hiện ở chỗ, người thầy giáo biết cần phải đọc những gì để phục vụ cho chuyên môn và chọn loại sách báo nào để đọc. Không ít cán bộ thư viện phàn nàn về việc GV ngày càng xa rời thói quen đọc sách báo, do bị chi phối bởi tâm lý thực dụng, ngoài giờ lên lớp tranh thủ kiếm thêm thu nhập như dạy thêm, kinh doanh, bị áp đảo về phương tiện nghe nhìn TV, Internet. Thầy Lê Văn Huân (Núi Thành, Quảng Nam) cho biết, mặc dù cơ sở vật chất của thư viện các trường học được trang bị rất đầy đủ, hiện đại nhưng phần đông rất vắng GV tới để đọc sách báo. Nhận xét của anh làm tôi nhớ lại cách đây 2 năm, ngang qua Trường THCS Kim Đồng, một trường đạt chuẩn sớm nhất của huyện Núi Thành: Khó khăn lắm mới tìm thấy phòng thư viện; hiệu trưởng gần như không đọc báo và cũng không quan tâm lắm tới báo chí. Chợt thấy nuối tiếc cái thời GV còn phải ăn bột mì, bo bo, khoai sắn trừ cơm, nhưng mỗi ngày mong tới trường để được nghe điểm báo đầu giờ, được truyền tay nhau những tờ báo ngành đầy ắp những tư liệu lý thú, thiết thực. Thời buổi kinh tế khó khăn, không ngờ việc "liệu cơm gắp mắm", chọn những tờ báo cần thiết để đọc hóa ra lại hay hơn việc bỏ tiền ra mua đủ thứ báo nhưng chỉ để xếp đống "cho oai" mà ít ai đọc hết.
Có bao nhiêu thư viện xuất sắc, thư viện tiên tiến mà CB, GV không chịu đọc báo ngành? Câu hỏi ấy cứ đau đáu trong tôi sau chuyến đi tới các thư viện trường học trở về...
Uyên Phương