Giới thiệu chương trình mới môn Tiếng Anh

GD&TĐ - Ban soạn thảo chương trình môn Ngoại ngữ giới thiệu những nét chung nhất về môn tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giới thiệu chương trình mới môn Tiếng Anh

Đường hướng giao tiếp là chủ đạo

Tiếng Anh là môn học trong chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12. Nội dung cốt lõi của môn học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).

Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với học sinh phổ thông nhằm giúp các em khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp bậc 1; kết thúc THCS đạt được bậc 2; kết thúc THPT đạt bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, gồm:

Hệ thống các chủ đề (khái quát), các chủ điểm (cụ thể) mang tính gợi ý; các năng lực giao tiếp phù hợp với chuẩn năng lực cần đạt; danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) gợi ý phù hợp với việ phát triển năng lực giao tiếp ở cấp độ đã được quy định trong chuẩn đầu ra. Nội dung văn hóa được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm.

Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào năng lực giao tiếp ở 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết). Năng lực giao tiếp của môn Tiếng Anh là khả năng sử dụng kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) để tham gia vào các hoạt động giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) trong những tình huống hay ngữ cảnh có nghĩa với các đối tượng giao tiếp khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp của bản thân hay yêu cầu giao tiếp của xã hội.

Nội dung dạy học cả về năng lực giao tiếp lẫn kiến thức ngôn ngữ đều dựa trên yêu cầu của năng lực giao tiếp bậc 1,2,3 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.

Đường hướng chủ đạp trong chương trình giáo dục phổ thông mới môn Tiếng Anh là đường hướng giao tiếp. Đường hướng này nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Các phương pháp giao tiếp có những điểm tương đồng với đường hướng lấy người học làm trung tâm trong giáo dục học. Đường hướng chủ đạo này quy định các hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh.

Về đánh giá kết quả giáo dục, hoạt động kiểm tra đánh giá cần được thực hiện theo 2 hình thức: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục thông qua các hoạt động dạy học trên lớp. Trong quá trình dạy học, cần chú ý ưu tiên đánh giá thường xuyên nhằm giúp học sinh và giáo viên theo dõi tiên độ thực hiện những mục tiêu đã đề ra trong chương trình.

Để thực hiện chương trình cần đảm bảo đủ số lượng giáo viên để thực hiện đủ số tiết học theo kế hoạch dạy học ở trường phổ thông. Giáo viên phải đạt những yêu cầu theo quy định và có nghiệp vụ sư phạm phù hợp với các cấp học; đồng thời được tập huấn về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong dạy học.

Bên cạnh đó, cần dảm bảo điều kiện, môi trường học tập đa dạng, phong phú để học sinh có thể tham gia vào các hoạt động học tập, sử dụng tiếng Anh có ý nghĩa.

Chương trình làm quen với tiếng Anh lớp 1, 2

Chương trình làm quen với tiếng Anh lớp 1, lớp 2 được xây dựng để chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho học sinh tiểu học học tiếng Anh chính thức từ lớp 3 một cách hiệu quả.

Chương trình được xây dựng cho môn Ngoại ngữ tự chọn lớp 1, lớp 2 ở cấp tiểu học. Việc tổ chức thực hiện môn học này với tư cách là môn học tự chọn trong nhà trường cần phải xét đến những điều kiện thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất và đảm bảo tính liên thông với chương trình môn Tiếng Anh được dạy từ lớp 3 đến lớp 12.

Chương trình được xây dựng tập trung vào 2 kỹ năng nghe và nói, sắp xếp theo mục tiêu năng lực giao tiếp và lựa chọn ngữ liệu, từ vựng tương ứng để phát triển năng lực giao tiếp tương ứng. Đường hướng dạy học chủ đạo là đường hướng giao tiếp.

Kiểm tra, đánh giá tiếng Anh cần được lồng ghép trong các hoạt động dạy học với mục đích giúp học sinh yêu thích môn Tiếng Anh và thúc đẩy chất lượng dạy học. Với mục đích cho học sinh làm quen với tiếng Anh, các hình thức kiểm tra, đánh giá cần nhẹ nhàng, thân thiện, được tiến hành ngay trong các hoạt động học tập của học sinh. Kiểm tra, đánh giá có thể thông qua các bài hát, trò chơi, giúp tìm ra những khó khăn và đề xuất hướng khắc phục thông qua các hoạt động trên lớp.

Để thực hiện chương trình này, các trường phải có phòng học rộng rãi, thoáng mát, ánh sáng phù hợp với học sinh tiểu học lứa tuổi 6, 7; phòng học có đủ trang thiết bị tối thiểu cho việc học tiếng Anh như tranh ảnh, thiết bị đa phương tiện.

Chỉ tổ chức cho học sinh làm quen với tiếng Anh ở lớp 1, 2 trên cơ sở tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh. Khi tổ chức cho học sinh tự nguyện học chương trình làm quen với tiếng Anh, nhà trường phải có giải pháp tổ chức các hoạt động phù hợp cho những học sinh không tham gia.

Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các hình thức nghe, nói, đọc, viết. Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh có thể sử dụng tiếng Anh trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ