Chương trình mới môn Vật lý: Chú trọng vấn đề mang tính ứng dụng cao

GD&TĐ - Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục Vật lý được phân bố ở cả ba cấp học với các mức độ khác nhau, thông qua các môn học: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Khoa học (lớp 4 và lớp 5); Khoa học tự nhiên (THCS); Vật lý (THPT).

Chương trình mới môn Vật lý: Chú trọng vấn đề mang tính ứng dụng cao

Báo Giáo dục và Thời đại trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Khánh - Chủ biên chương trình môn Vật lý - về những điểm đáng chú ý của môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Ông có thể cho biết về nội dung giáo dục của chương trình mới môn Vật lý có gì đáng chú ý?

Ở cấp THPT, trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình môn Vật lý lựa chọn phát triển những vấn đề cốt lõi thiết thực nhất, đồng thời chú trọng đến những vấn đề mang tính ứng dụng cao là cơ sở của nhiều ngành kỹ thuật, khoa học và công nghệ.

Ở bậc học phổ thông, thí nghiệm, thực hành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành khái niệm, quy luật, định luật vật lý. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng các mô hình vật lý và toán học, chương trình môn Vật lý chú trọng thích đáng đến việc hình thành năng lực tìm tòi khám phá các thuộc tính của sự vật, hiện tượng vật lý thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành dưới các góc độ khác nhau.

Chương trình môn Vật lý coi trọng việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng vận dụng tri thức vật lý vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống; vừa bảo đảm phát triển năng lực trên nền tảng những năng lực chung và Năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, vừa đáp ứng yêu cầu định hướng vào một số ngành nghề cụ thể.

Cùng với các nội dung giáo dục cốt lõi có thời lượng 70 tiết/năm học, những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều tri thức vật lý được học thêm 35 tiết chuyên đề/năm học.

Trong các chuyên đề này; một số có tác dụng mở rộng, nâng cao kiến thức và năng lực đáp ứng yêu cầu phân hóa ở cấp THPT; một số nhằm tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng thực tế, giúp học sinh phát triển tình yêu, sự say mê, ham thích tìm hiểu khoa học, định hướng nghề nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh

- Đối với môn học này, phương pháp giáo dục phải đáp ứng các yêu cầu gì và được triển khai dưới hình thức nào?

Các phương pháp giáo dục của môn Vật lý góp phần phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, nhằm hình thành Năng lực tìm hiểu khoa học tự nhiên dưới góc độ vật lý (năng lực vật lý) cũng như góp phần hình thành các phẩm chất và năng lực chung được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Chương trình được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể.

Tùy theo yêu cầu cần đạt, có thể sử dụng một hoặc phối hợp nhiều phương pháp dạy học trong một chủ đề. Các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,...) được sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.

Tăng cường sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tiên tiến đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh (thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án, theo trạm, theo góc...). Các hình thức tổ chức dạy học được thực hiện đa dạng và linh hoạt; kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, học theo dự án học tập, tự học,... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học vật lý.

Để thực hiện mục tiêu phát triển các năng lực thành phần của năng lực vật lý, chương trình tạo điều kiện để giáo viên có thể lựa chọn các phương pháp giáo dục phù hợp, có ưu thế đối với việc phát triển từng năng lực thành phần cụ thể.

- Hoạt động đánh giá kết quả giáo dục có điểm gì đáng lưu ý trong chương trình mới?

Trong nội dung, hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, chương trình môn Vật lý tạo điều kiện để chú trọng tập trung đánh giá các thành phần của năng lực vật lý.

Bên cạnh đánh giá kiến thức, coi trọng đánh giá khả năng đề xuất các phương án thí nghiệm và các kỹ năng thực hành vật lý. Do hình thức trắc nghiệm khách quan không phù hợp cho đánh giá kỹ năng thực hành nên chương trình quan tâm hợp lý đến việc sử dụng cách đánh giá qua các sản phẩm thực hành của học sinh (ví dụ sản phẩm của các dự án học tập) cũng như các đánh giá mang tính tích hợp (ví dụ STEM).

Thông thường, trong các chương trình môn học theo định hướng phát triển năng lực, các nội dung đánh giá kỹ năng (xử lý thông tin, giải quyết vấn đề, kỹ năng thực tiễn, thử nghiệm và tiến hành nghiên cứu) chiếm khoảng 60%, đánh giá về hiểu biết kiến thức chiếm khoảng 40%.

- Ông có lưu ý gì đối với việc thực hiện chương trình nhằm phù hợp với các đối tượng và khu vực khác nhau?

Chương trình môn Vật lý có cấu trúc nội dung cũng như yêu cầu cần đạt về cơ bản là giống nhau cho tất cả các vùng, miền. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện những kỹ năng cơ bản trong tìm tòi, khám phá đối tượng vật lý, giáo viên có thể chủ động tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm và thực hành một số nội dung mang sắc thái riêng của địa phương mình.

Đối với các vùng còn khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị học tập, có thể thực hiện một số yêu cầu cần đạt ở mức độ đơn giản hơn. Ví dụ, với yêu cầu cần đạt: “Mô tả được/thực hiện được thí nghiệm minh họa hiện tượng cảm ứng điện từ”, các trường không đủ điều kiện trang thiết bị học tập có thế chỉ thực hiện việc mô tả mà không tiến hành thí nghiệm minh họa.

Tuy nhiên, để bảo đảm mặt bằng chung, chương trình cũng chỉ đưa ra một cách hạn chế các yêu cầu cần đạt có hai mức như vậy. Các địa phương cần đảm bảo yêu cầu tối thiểu về trang thiết bị học tập được quy định trong chương trình để thực hiện được đầy đủ các yêu cầu cần đạt của chương trình.

- Điều kiện thiết bị thí nghiệm, thực hành để thực hiện chương trình có yêu cầu cụ thể như thế nào?

Việc hình thành khái niệm, quy luật, định luật vật lý không thể thiếu các thí nghiệm, thực hành. Một phần không nhỏ Năng lực vật lý của học sinh được hình thành thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành. Chính vì thế, để đạt mục tiêu phát triển năng lực học sinh, chương trình đã đưa ra các yêu cầu tối thiểu về thiết bị thí nghiệm, thực hành. Ở những nơi có điều kiện, các địa phương, các cơ sở giáo dục có thể phát triển thêm các nội dung phù hợp.

- Xin cảm ơn ông!

Chương trình môn Vật lý một mặt kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành và mặt khác, tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình môn học của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đồng thời tiếp cận những thành tựu của khoa học giáo dục và khoa học vật lý phù hợp với trình độ nhận thức và tâm, sinh lý lứa tuổi của học sinh, có tính đến điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam.

Thiết kế chương trình môn Vật lý chú trọng vào bản chất, ý nghĩa vật lý của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về toán học; tạo điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn.

Các chủ đề được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt; bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.