(GD&TĐ) – Một tuần trôi qua kể từ khi phương Tây can thiệp quân sự vào Libya, một số câu hỏi lớn vẫn treo lơ lửng bên trên chiến dịch trên không của những quốc gia phương Tây.
Câu hỏi đầu tiên là về mục tiêu của việc can thiệp. Ngày 17.3, nghị quyết của Liên hợp quốc đã đặt mục tiêu bảo vệ thường dân Libya bằng tất cả những biện pháp cần thiết, nhưng một cuộc bàn luận căng thẳng đã diễn ra về việc có nên ép buộc một sự thay đổi lãnh đạo tại đây không.
Chỉ ra sự bất đồng ở NATO về việc hành động quân sự này có nên lật đổ nhà lãnh đạo Libya Gaddafi, tiến sĩ Alexis Crow của nhóm chuyên gia phân tích Chatham House tại London, Anh nói rằng khối quân sự phương Tây phải quyết định xem Libya nằm trong “cuộc xung đột kiểu bộ lạc hay là một cuộc chiến vì dân chủ”.
Tuy nhiên, với những cuộc chiến gây tranh cãi ở Afghanistan và Iraq, các chính trị gia Anh khá thận trọng về việc dính líu tới sự thay đổi lãnh đạo tại các quốc gia khác, tiến sĩ Christian Le Miere, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chiến lược ở London, Anh cho biết.
Một dấu hỏi nữa là chuyện gì sẽ xảy ra nếu quân đội của chính phủ Libya trốn trong các thị trấn để tự bảo vệ mình trước các cuộc không kích của liên quân, khi liên minh này loại trừ việc triển khai quân dưới mặt đất tại Libya.
Tiến sĩ Crow nói: “Thật khó nếu bạn không có cái gọi là chiến lược cái búa và cái đe với những binh lính trên bộ bổ sung cho không lực”.
Tiến sĩ Crow đưa ra một câu hỏi khác: Chuyện gì xảy ra nếu có một sự bế tắc, trong đó binh lính của chính phủ bị các đợt không kích kềm chân trong khi lực lượng nổi dậy cũng không thể tiến lên do thiếu vũ khí? Viễn cảnh này có thể biến Libya trở thành một Iraq nữa. Trong khi đó, việc sử dụng lực lượng làm tiêu hao tài chính và nước Anh không chuẩn bị kinh tế để tiếp tục can thiệp quân sự.
Việc chỉ huy và kiểm soát của một hoạt động đa quốc gia cũng là một vấn đề. NATO đã đồng ý đảm nhiệm việc chỉ huy các nỗ lực nhằm vào thực hiện vùng cấm bay và cấm vận vũ khí, nhưng lại đối mặt với bất đồng nội tại về vấn đề chịu trách nhiệm các hoạt động tấn công.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague cho biết ông “rất mong rằng sẽ có một sự chỉ huy của NATO đối với toàn bộ hoạt động, chứ không chỉ vùng cấm bay và cấm vận vũ khí”.
Đại diện của các quốc gia can thiệp và các tổ chức quốc tế sẽ gặp nhau vào tuần tới để vạch ra phương hướng chính trị cho các hoạt động ở Libya.
Phương Hà (Theo Xinhua)