Những dấu ấn đầu tiên trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Bác

Những dấu ấn đầu tiên trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Bác

(GD&TĐ) - 100 năm đã trôi qua, câu chuyện về người thanh niên có tên Văn Ba làm phụ bếp trên chiếc tàu A-mi-ran La-tu-sơ T’rê- vin vẫn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam,…

Đầu thế kỉ XX, hàng loạt phong trào yêu nước, đấu tranh chống chế độ thực dân liên tiếp xảy ra ở nước ta. Nguyễn Tất Thành rất ngưỡng mộ lòng dũng cảm và sự kiên cường của Phan Bội Châu, kính trọng cuộc khởi nghĩa đầy hy sinh của Hoàng Hoa Thám cũng như phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh. Nhưng, anh sớm nhận ra sự cần thiết phải có một con đường khác: phải ra thế giới để quan sát, học hỏi. Ý định ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước độc lập phát triển như thế nào để trở về giúp đồng bào ta, đất nước ta thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ luôn canh cánh trong lòng chàng trai trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành. Anh đã đi bộ từ Phan Thiết, vượt qua những trận mưa rào nhiệt đới, qua bao đợt nắng bỏng rát, nhiều khi lả đi vì đói, vì mệt, vì khát để tới Sài Gòn, tìm cơ hội thực hiện ý định cháy bỏng đó.

Đến Sài Gòn, anh nhanh chóng tìm được một trường kĩ thuật do Pháp quản lí, ở đó thủy thủ Việt Nam được dạy về hàng hải, về giao thông vận chuyển hàng,… Trong con mắt của các viên chức nhà trường, người thanh niên dù gầy gò, có giọng nói Trung Bộ nhưng lại tỏ ra thông minh, nói được tiếng Pháp thành thạo, có thể phù hợp để đào tạo thành một thủy thủ. Nguyễn Tất Thành phải học 3 năm để hoàn thành khóa học. Trong những ngày đó, anh thường xuyên đến bến cảng Sài Gòn. Hình ảnh những chiếc tàu neo bến làm lòng anh không yên.

Bến cảng Nhà Rồng thuở xưa
Bến cảng Nhà Rồng thuở xưa

Trong số những chiếc tàu neo lại trên bến cảng năm 1911 có con tàu A-mi-ran La-tu-sơ T’rê- vin, một chiếc tàu hơi nước chở khách của công ty Pháp Căm-pa-ni đê Sác-giơ Rê-uy-ni. Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu này, tự giới thiệu tên mình là Văn Ba, xin làm phụ bếp, trước những cái nhìn dò xét. Đối với những người trên tàu, anh thanh niên Văn Ba trông giống một học sinh hay một sinh viên hơn là một công nhân. Vị thuyền trưởng hỏi anh có thể làm được gì trong nhà bếp, anh chỉ có một câu trả lời duy nhất: “Tôi có thể làm tất cả những gì ông cần!”.  Ngay ngày hôm sau, anh đã bắt đầu một công việc mà trước đó hoàn toàn xa lạ với anh. Tuy nhiên, quãng thời gian làm học sinh trường hàng hải đã giúp anh một phần,…

Anh tất bật từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối. Một ngày làm việc của anh bắt đầu bằng việc rửa sạch khu bếp, phục vụ cho gần 800 hành khách và thủy thủ trên tàu.

-         Văn Ba, lấy than!

-         Văn Ba, quạt bếp!

-         Văn Ba, mang rau!

-         Văn Ba,…

Ngày nào anh cũng nghe những câu nói ấy và thoăn thoắt làm việc: lấy than, quạt bếp, mang rau, khoai tây, thịt, cá từ kho lên bếp… Và có một công việc gần như ngoài sức tưởng tượng của anh là phải rửa sạch những chiếc nồi đồng to, nặng không thể nhấc lên được. Công việc của anh luôn tất bật, lại thường xuyên đi giữa căn bếp nóng nực và phòng kho lạnh buốt, hoặc khuân vác đồ nặng trên con tàu chòng chành, lên những bậc thang chật hẹp từ kho lên nhà bếp. Nhưng, người thanh niên gầy gò ấy luôn hoàn thành công việc, kể cả những việc hoàn toàn mới mẻ như gọt củ cải, khoai tây, những thứ mà anh chưa nhìn thấy bao giờ.

Thủy thủ và đầu bếp đã bắt đầu nể phục anh không chỉ anh đã hoàn thành công việc hết sức nặng nề mà họ đã khám phá ra một điều rằng, người thanh niên ấy là một người thông minh, hiếu học. Mặc dù đã mệt lả sau một ngày làm việc nhưng anh Ba vẫn không chịu đi ngủ mà còn thức đến 23 giờ khuya hoặc lâu hơn nữa để đọc sách hoặc viết lách. Một số người thủy thủ và phụ bếp mù chữ đã nhanh chóng kết thân với anh. Họ vui mừng khi được anh sẵn sàng viết hộ những bức thư gửi cho người thân và gia đình. Anh còn dạy họ học tiếng Việt. Họ giúp anh rửa rau củ, nói chuyện với anh về nước Pháp, về người dân Pháp. Một kinh nghiệm đầu tiên nhưng quý giá mà anh nhận ra được: cũng có cả những người Pháp tốt bụng. Kinh nghiệm này đã bổ sung cho nhận thức của anh về quan hệ sau này đối với đất nước và con người Pháp.

Con tàu cập bến cảng Mác-xây. Mỗi người Việt Nam trong đội phục vụ trên tàu nhận được 100 đến 200 franc, anh Ba chỉ nhận được 10 franc.

Thành phố Mác –xây hôm ấy đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Bác. Tàu điện - những ngôi nhà biết đi, lần đầu tiên được người bồi bàn gọi mình bằng từ “monsieur” (ông), “Tại Pháp cũng có những người nghèo khổ như ở đất nước mình”,… Đó là những dấu ấn đầu tiên trong nhận thức của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi bắt đầu một thế giới mới.

Hành trình đến với thế giới mới của Bác thật gian nan, vất vả. Và suốt cuộc hành trình 30 năm ấy, Bác đã đặt chân lên 28 quốc gia, 4 châu lục, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau để hoạt động cách mạng. Nhưng, với nghị lực phi thường, lòng yêu nước sâu sắc, quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc đã giúp Bác vượt qua. Tôi chợt nhớ câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi - Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”…

Hà Nội, tháng 5/2011

TS. Nguyễn Thị Xuân Yến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ